Đã 52 năm trôi qua, nhưng trận chiến ác liệt 21 ngày đêm diễn ra tại vùng B Điện Bàn (gồm các xã Điện Thọ, Điện Phước, Điện An, Điện Hòa) giữa hơn 7.000 quân Mỹ với Tiểu đoàn 3 Mặt trận 44 - Quảng Đà vẫn luôn hiện lên trong tâm trí tôi.
Sáng ngày 20-11-1968, Cơ quan Văn phòng và Ban Tuyên huấn Huyện ủy Điện Bàn đang chuẩn bị chống địch càn quét thì được tin có lính Mỹ từ đồn Bồ Bồ - Điện Tiến càn xuống xã Điện Thọ. Các anh lãnh đạo lùi xuống thôn Châu Lâu, phân công tôi (cán bộ Văn phòng) cùng chị Trần Thị Trung (cán bộ Ban Tuyên huấn) ở lại công sự tránh địch. Lúc này, tại các xã Điện Thọ, Điện Phước, Điện An, Điện Hòa, địch đã xúc tát sạch dân, chỉ còn lại cán bộ, du kích và bộ đội.
Sau 1 ngày náu trong công sự, tối đến, chị em tôi ra ngoài thì gặp bộ đội Tiểu đoàn 3 và được biết các anh đã chiến đấu suốt ngày để ghìm chân, không cho địch vào làng và có kế hoạch di chuyển quân sang vị trí khác. Chúng tôi quyết định bám theo bộ đội.
Qua thông tin từ điện đài chỉ huy của ta và địch từ trên máy bay kêu gọi đầu hàng, bộ đội Tiểu đoàn 3 biết đơn vị mình đã bị bao vây bởi hàng nghìn quân Mỹ. Ban ngày, địch dồn dập mở các cuộc tấn công vào khu vực đóng quân của Tiểu đoàn 3 (có ngày lên đến 17 cuộc), kết hợp cả bộ binh, xe tăng, đại bác và máy bay giội bom xuống nơi chúng cho lá có bộ đội; nhưng hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 vẫn kiên cường chống trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. 21 ngày đêm chống càn, Tiểu đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe tăng, bắn rơi 15 máy bay, thu trên 100 súng các loại. Nhưng quân ta cũng tổn thất nặng: Cả tiểu đoàn hy sinh gần hết - chỉ còn Tiểu đoàn trưởng Khôi đi họp Mặt trận 44 và một số ít anh em còn sống
Khi viết những dòng này, tim tôi như thắt lại; hình ảnh các anh chiến đấu ngã xuống trước mắt, cứ hiện hữu trong đầu tôi không thể nào phai. Hôm đó, khoảng ngày 24-11-1968, đồng chí Đại đội trưởng đứng trên miệng hầm chỉ huy bộ đội chiến đấu thì máy bay địch sà xuống bắn một quả rốc két trúng ngay người, anh ngã xuống... Cả hầm tôi đang trú dày đặc khói mù cay, không ai thở nổi; chúng tôi phải lấy tay khoét đất đưa mũi xuống cố lấy hơi để thở. Cứ thế bom đạn suốt ngày giội xuống khu vực đóng quân.
Tối đến, địch co cụm ra xa hơn; anh em chúng tôi lên khỏi miệng hầm để xử lý thương vong trong ngày: Số anh em hy sinh thì đưa xuống các căn hầm bị bom xới rồi lấy xẻng lấp đất lại (có hầm đến 7 liệt sĩ). Những thương binh nặng thì khiêng xuống hầm trú tạm, thương binh nhẹ thì di chuyển theo đơn vị... Tất cả diễn ra dưới làn đại bác và pháo sáng của địch. Cứ mỗi đêm đơn vị di chuyển đi nơi khác là để lại một số anh em thương binh, thi thể liệt sĩ như vậy!
Đêm 9-12-1968, chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn di chuyển đến thôn La Thọ (nam sông La Thọ) xã Điện Hòa. Bộ đội khẩn trương đào công sự chiến đấu, còn hai chị em chúng tôi trú trong hầm đại bác. Rạng sáng 10-12, quân địch tấn công từ nhiều hướng, siết chặt vòng vây. Anh em Tiểu đoàn 3 không nao núng, chiến đấu kiên cường, dũng cảm đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Đến khoảng 15 giờ, địch vừa ném bom, bắn pháo, vừa siết chặt vòng vây. Căn hầm chúng tôi đang trú bị trúng bom bay mất một nửa; nhiều anh em hy sinh không còn nguyên vẹn. Tôi và chị Trung bị thương nhẹ, cháy sém cả mặt mũi, tóc tai...
Trận chiến trở nên khốc liệt hơn khi hàng chục chiếc trực thăng chở quân ồ ạt đổ xuống cánh đồng La Thọ siết chặt vòng vây, hai bên giáp chiến, súng nổ liên hồi. Các anh chỉ huy còn lại hét bên tai chúng tôi như một mệnh lệnh: “Chúng mày không được chết ở đây!” rồi đẩy hai chị em tôi lên khỏi miệng hầm. Trên đầu là hai chiếc máy bay quần đảo. Thấy chúng tôi như thấy miếng mồi ngon, chúng ném pháo khói màu đỏ chỉ điểm cho những chiếc máy bay khác ném bom và bắn xối xả. Dưới chân chúng tôi, cỏ lùng cao lút đầu, vướng không thể chạy nổi. Không còn con đường nào khác, chúng tôi chạy ra bờ sông La Thọ, quân địch đuổi theo sau... Tiếng súng trong xóm thưa dần... Băng qua hào giao thông, thấy nhiều anh em bị thương nặng nằm la liệt, chúng tôi chỉ kịp rúc nhanh vào bụi cỏ lùng dưới chân các bụi tre gần bờ sông. Tiếng quân Mỹ la hét ngày càng rõ “Vi-xi đứng lên!”, tiếng đạn M.79 nổ ngay cạnh chỗ chúng tôi nằm. Hai chị em tôi mím chặt môi, rút chốt lựu đạn sẵn sàng bung ra quyết sống chết với kẻ thù, không cho chúng bắt sống...
Chiều xuống, chúng tôi nghe tiếng hò reo của lính Mỹ xa dần và nghe được tiếng máy bay hạ xuống cánh đồng, chắc là để hốt quân và số lính bị chết, bị thương đi. Tôi khóa chốt lựu đạn rồi chui ra khỏi bụi tre. Trước mắt là cảnh tượng quá thương tâm; rất nhiều chiến sĩ bị hy sinh ngay dưới hào giao thông. Các anh du kích, bộ đội còn sống đi tìm những người còn lại và giải quyết thương vong...
Địch đã rút quân hoàn toàn, anh em cơ quan Huyện ủy vượt đường 100 tìm và đưa chị em tôi vào Trạm xá Điện Bàn chăm sóc. Mặc dù cổ họng đau rát; mặt mày, tóc tai cháy sém, nhưng nghĩ về những đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến đấu, nước mắt tôi cứ thế trào ra... Giữa cuộc chiến đấu một mất, một còn hôm đó, tiếng các anh vẫn còn như văng vẳng bên tai tôi: “Chúng mày không được chết ở đây!”. Các anh đã xác định hy sinh để cho chúng tôi được sống! Giữa cái lằn ranh sinh tử ấy, các anh có thể chạy ra bờ sông như chúng tôi, nhưng các anh đã không làm và tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, cứ đến Ngày thương binh, liệt sĩ hằng năm và các ngày lễ lớn, tôi lại về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn để thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, trong đó có anh em Tiểu đoàn 3. Tôi đã chứng kiến các anh nằm lại ở các hầm tránh đại bác, các công sự... Sau ngày hòa bình lập lại, chính quyền địa phương quy tập các anh vào nghĩa trang nhưng với một cái tên chung là “Liệt sĩ chưa biết tên” và chắc hẳn có anh vẫn còn nằm rải rác ở đâu đó chưa tìm được hài cốt. Mong muốn cháy bỏng của chúng tôi là tại nơi các anh hy sinh nhiều nhất (bờ nam sông La Thọ, xã Điện Hòa) có một “Bia tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 - Quảng Đà” để đồng đội, gia đình, bạn bè và bà con địa phương hương khói cho các anh. Để các anh cảm thấy ấm lòng trên quê hương thứ hai của mình và biết rằng nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng mãi mãi ghi nhớ Tiểu đoàn 3 Anh hùng đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong trận chống càn lịch sử - 21 ngày đêm ấy.
Nguyễn Thị Vân Lan - nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội T.P Đà Nẵng