Các máy bay của Hải quân Mỹ tham gia tập trận cả ban đêm ở Biển Đông đầu tháng 7.

Đại dịch Covid-19 gần như chặn đứng đà phát triển kinh tế của nhiều quốc gia và thực tế là nhiều nước đang đối mặt với mức tăng trưởng kinh tế âm. Vậy nhưng, trái với tính toán của nhiều chuyên gia, nhiều quốc gia vẫn mạnh tay móc hầu bao tăng chi tiêu quân sự ở mức mà những nước nghèo chỉ mong có được con số lẻ để đầu tư phát triển, cải thiện cuộc sống người dân.

Cùng với những mối bất an về quốc phòng-an ninh mang tính chiến lược bấy lâu, những thách thức mới do cạnh tranh, mâu thuẫn giữa các quốc gia và Covid-19 mang đến khiến các nước buộc phải điều chỉnh chính sách quốc phòng, khiến họ phải đầu tư nhiều tiền của hơn dù muốn hay không.

Lấy Australia làm ví dụ. Xứ sở của những chú chuột túi vừa công bố một sự thay đổi lớn trong chiến lược quốc phòng, nhằm thách thức những mối đe dọa từ Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, quốc gia này sẽ chi khoảng 185 tỷ USD trong 10 năm tới để mua tên lửa tầm xa, vệ tinh giám sát và thực hiện các biện pháp ứng phó khác. Các loại vũ khí, dự kiến do Mỹ cung cấp, sẽ giúp Australia có khả năng thực hiện những cuộc tấn công vượt ra ngoài biên giới.

Trong bài phát biểu trước các lực lượng vũ trang nước này hôm 1-7, Thủ tướng Australia - Scott Morrison nhấn mạnh: Việc duy trì “một lực lượng phòng thủ lớn” sẽ đảm bảo khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công chống lại Australia hoặc lợi ích tương lai của quốc gia này. Ông Morrison còn nêu cụ thể hơn: “Có một động lực mới trong cạnh tranh chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Môi trường an ninh xung quanh Australia giờ đã khác so với trước kia. Nguy cơ tính toán sai lầm, thậm chí là xung đột đang gia tăng”.

Như vậy, Australia tăng cường năng lực phòng thủ nhằm đảm bảo ba mục tiêu chính là định hình môi trường chiến lược của Australia, răn đe các hành động chống lại lợi ích của nước này và đáp trả bằng việc điều động lực lượng quân sự khi cần thiết. Hay nói rõ hơn, với chiến lược mới các lực lượng của Australia sẽ dành ít thời gian hơn cho những điểm nóng nằm ở xa như Trung Đông và tập trung nhiều vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi căng thẳng gia tăng do các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên những tuyến đường thương mại, chẳng hạn như Biển Đông.

Trong trường hợp Australia, tăng chi tiêu quốc phòng nhằm ứng phó với một tương lai thay đổi để bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực. Mỹ thì khác. Việc tăng chi tiêu quốc phòng lại hướng vào đối thủ cụ thể - Trung Quốc. Thượng viện Mỹ ngày 27-6 đã thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2020 có tổng ngân sách lên tới 750 tỷ USD với các điều khoản nhằm vào Trung Quốc, nhất là về các vấn đề chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới.

Luật mới yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải báo cáo chi tiết nhằm ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc và Nga cũng như báo cáo về hoạt động tại Bắc Cực, tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Đáng chú ý, việc Mỹ quyết định tăng chi tiêu quốc phòng diễn ra ở thời điểm nền kinh tế nước này đang điêu đứng bởi đại dịch Covid-19. Nói vậy để thấy những mối bất an về an ninh, nhất là với Trung Quốc, khiến Mỹ buộc phải “dốc hầu bao” cho lĩnh vực quốc phòng dù rằng từ đầu nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã phần nào thành công trong việc gây sức ép lớn với các đồng minh để họ chia sẻ một phần gánh nặng chi tiêu cho những lĩnh vực phòng thủ chung.

Lẽ tất nhiên, khi các nước mạnh tay đầu tư cho cỗ máy quân sự của mình để cạnh tranh với Trung Quốc thì Trung Quốc không thể ngồi đó mà quan sát, nhất là khi nền kinh tế nước này có những bước phát triển nhảy vọt trong suốt 25 năm qua và chỉ bị chặn lại khi Covid-19 xuất hiện.

Tuy vậy, Covid-19 là một chuyện và quốc phòng lại là chuyện khác. Hãng tin Reuters dẫn báo cáo ngân sách công bố tại Lễ khai mạc Kỳ họp thứ ba Quốc hội Khóa XIII diễn ra ngày 22-5 vừa qua, chi tiêu quốc phòng năm 2020 của Trung Quốc sẽ tăng 6,6% so với năm 2019. Cần lưu ý là chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong 25 năm qua theo sát sự tăng trưởng về kinh tế nhanh chóng của nước này, phản ánh tham vọng của họ về một “quân đội đẳng cấp thế giới”, để cạnh tranh với Mỹ. Trung Quốc gia tăng chi tiêu quân sự đều đặn kể từ năm 1994 và tăng 85% kể từ năm 2010, mặc dù xét về tỷ lệ phần trăm theo GDP, khoản chi này hầu như luôn ở mức 1,9%. Năm 2019 là năm đầu tiên ghi nhận việc hai nước châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ) lọt vào bộ ba có chi tiêu quân sự cao nhất hành tinh, đẩy hai đại gia cố hữu là Nga và Saudi Arabia xuống hàng thứ tư và năm. Ngân sách quân sự của Bắc Kinh chiếm 14% chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2019, tăng hơn 5% so với năm 2018, đạt 261 tỷ USD. Toàn những con số “ấn tượng”.

Đó là những ví dụ điển hình của việc tăng chi tiêu quân sự trong năm 2020 và những năm tiếp theo cho dù kinh tế đi xuống. Theo dõi kỹ những diễn biến trên toàn cầu có thể thấy việc Mỹ điều chỉnh chiến lược với chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cuộc cạnh tranh quyết liệt, toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc, mâu thuẫn lợi ích, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền … là những yếu tố chính khiến các quốc gia buộc phải tăng cường mua sắm vũ khí và đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng-an ninh cho dù ảnh hưởng tồi tệ của Covid-19 vẫn lù lù trước mắt. Dịch càng tồi tệ thì mâu thuẫn càng tăng cao và càng khiến các quốc gia cảm thấy bất an hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

Xét một cách tổng quát, việc tăng chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới vẫn theo đà tăng, thậm chí còn tăng hơn trong năm 2020. Chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã tăng 4% trong năm 2019, mức tăng cao nhất trong một thập kỷ qua, và dẫn đầu vẫn không phải nước nào khác mà chính là Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo "Quyết toán quân sự" thường niên của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đưa ra hôm 14-2 cho biết, riêng chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong giai đoạn 2018-2019 tăng 53,4 tỷ USD, gần bằng tổng ngân sách quốc phòng của Anh. Cũng theo báo cáo này, chi tiêu quốc phòng của cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng 6,6%, trong khi con số này của châu Âu là 4,2%. Tuy nhiên, với tỷ lệ tăng trong năm 2019, chi tiêu quốc phòng của châu Âu vẫn chỉ ở mức ghi nhận trong năm 2008, trước thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra khiến các nước ở "Lục địa già" cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2019 cao hơn 7,2% so với năm 2010, cho thấy xu hướng tăng chi tiêu quân sự đã tăng tốc trong những năm gần đây. Sự gia tăng lớn hàng năm được ghi nhận đối với Trung Quốc (5,1%), Ấn Độ (6,8%), Nga (4,5%), Đức (10%) và Hàn Quốc (7,5%). Theo khu vực, chi tiêu quân sự ở châu Âu tăng 5%, châu Á và Châu Đại Dương - 4,8%, châu Mỹ - 4,7% và châu Phi - 1,5%. Tổng cộng chi tiêu quân sự của 29 quốc gia thành viên NATO trong năm 2019 là 1,035 nghìn tỷ USD.

Việc tăng chi tiêu quốc phòng bình thường sẽ là tín hiệu tốt khi sự thịnh vượng của mỗi quốc gia được bảo đảm bởi nền quốc phòng-an ninh hùng mạnh. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, việc mạnh tay chi cho lĩnh vực quân sự lại gắn cả với việc tăng cường các hoạt động quân sự thì chỉ làm tình hình an ninh xấu đi. Cuộc tập trận đầu tháng 7 của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa chiếm đóng trái phép của Việt Nam bằng vũ lực diễn ra cùng lúc với cuộc tập trận của bộ đôi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ kết hợp với máy bay chiến lược B-52 ở Biển Đông và biển Philippines là một ví dụ cụ thể của việc tăng chi tiêu quân sự có thể dẫn đến đối đầu quân sự thay vì đối thoại hòa bình.

Thanh Huyền