CCB Hồ Hoàng Khang (thứ tư trái sang) giới thiệu mô hình nuôi lươn trong bể không bùn của mình.
Những năm gần đây phong trào nuôi lươn không bùn trong bể bạt, bể lát gạch tráng men đang phát triển mạnh ở các tỉnh ĐBSCL. Tại T.P Cần Thơ, một số hộ dân đã nuôi thành công mô hình này mang lại hiệu quả cao. Tổ hợp tác nuôi lươn (THTNL) thuộc Hội CCB phường Thới An Đông, quận Bình Thủy là một trong những điển hình thực hiện hiệu quả mô hình này.
Lươn đồng là một loài thủy sản rất quen thuộc với người dân vùng ĐBSCL nói chung và T.P Cần Thơ nói riêng. Không chỉ là một nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng (đạm 18,6%; chất béo 9,1%), lươn còn có giá trị kinh tế cao trên thị trường so với một số giống loài thủy sản nước ngọt khác. Phong trào nuôi lươn đã và đang phát triển mạnh ở nhiều nơi trên địa bàn T.P Cần Thơ với đa dạng các hình thức nuôi nhưng phổ biến nhất vẫn là kiểu nuôi truyền thống trong bùn đất. Tuy nhiên, kiểu nuôi này bộc lộ những mặt hạn chế như khó quản lý về số lượng lươn nuôi, thức ăn dư thừa, dịch bệnh và tỷ lệ hao hụt cao… Đồng thời việc đầu tư một lượng đất khá lớn vào bể nuôi góp phần làm gia tăng giá thành sản phẩm và giảm hiệu quả kinh tế.
Để khắc phục tình trạng này, năm 2018, Hội CCB phường Thới An Đông, quận Bình Thủy thành lập THTNL trong bể không bùn. Đồng chí Ngô Văn Lạc - Chủ tịch Hội cho biết: “Hội CCB phường bàn bạc chọn ngành nghề chăn nuôi như gà, vịt, cá… nhưng cuối cùng, chọn con lươn để nuôi”. Hội viên Hồ Hoàng Khang - Tổ trưởng THTNL thuộc Hội CCB phường Thới An Đông trình bày: “Được sự chỉ đạo của trên và qua vận động hội viên trong phường, chúng tôi thành lập THT, lúc đầu được 12 thành viên nay tăng lên 15 (trong đó có 6 hội viên CCB). Được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng và mỗi người góp thêm từ 5 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng các bể nuôi lươn. Hiện tại có 7 thành viên xây dựng được 35 bể nuôi, trong đó: các ông Phạm Văn Mạnh 4 bể, Ngô Văn Ánh, Nguyễn Tấn Tài 2 bể; Nguyễn Văn Vũ 10 bể, Nguyễn Văn Triết 1 bể, bà Nguyễn Gái Hoài 5 bể. Còn tôi xây dựng trong khuôn viên 200m2 thành 11 bể. Trong đó có 5 bể bồn nhựa, 6 bể xi măng, mỗi bể rộng 2m, dài 3m, cao 0,6m. Đáy bể và xung quanh lát gạch tráng men. Để phục vụ cho 11 bể nuôi, tôi xây 2 bồn lọc nước dài 3m, rộng 2m, cao 1,5m để hằng ngày cung cấp hàng chục mét khối nước cho lươn”.
Theo kinh nghiệm của CCB Hồ Hoàng Khang thì cần chuẩn bị bể nuôi cho chu đáo như: Chọn vị trí yên tĩnh, có bóng mát, dễ lấy nước vào và thoát nước ra, làm mái che hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió; trong mỗi bể phải dùng dây nylon cột thành chùm tạo bóng râm và nơi trú ẩn cho lươn. Chọn lươn giống phải đồng cỡ, mua ở cơ sở giống có uy tín và thành viên THT được tập huấn kỹ lưỡng. Nuôi chừng 300 con/m2 là phù hợp. Hơn nữa, phải thay nước bể nuôi lươn mỗi ngày (100%) lượng nước trong bể, duy trì mực nước cao khoảng từ 30-40cm.
Về cách cho ăn, ông Ngô Văn Ánh - thành viên THT cho biết: Lươn nuôi cần phải qua quá trình thuần dưỡng để quen dần với thức ăn. Không nên cho lươn ăn ngay khi vừa thả nuôi, mà phải bỏ đói 1-2 ngày. Thức ăn cho lươn là thức ăn công nghiệp, mỗi ngày cho lươn ăn 1-2 lần, lượng cho ăn bằng 5-7% trọng lượng lươn trong bể (nếu cho ăn nhiều lươn tham ăn dễ bội thực và chết, cho ăn thiếu lươn chậm lớn). Thức ăn cho vào sàn đặt ở vị trí cố định, cho lươn ăn đúng giờ. Sau mỗi lần cho ăn, cần tiến hành vớt bỏ thức ăn thừa khỏi bể, tránh ô nhiễm môi trường nước nuôi. Khi trời âm u, mưa, lạnh, phải giảm bớt lượng thức ăn. Thức ăn cho lươn không nên thay đổi một cách đột ngột mà phải thay đổi từ từ để lươn thích nghi. Ở giai đoạn đầu khi thả nuôi thức ăn phải cung cấp đầy đủ cho lươn không để lươn đói vì chúng sẽ ăn nhau giảm tỷ lệ sống. Định kỳ 7 ngày trộn men tiêu hóa vào thức ăn để tăng đề kháng và khả năng tiêu hóa cho lươn.
Nhờ thả nuôi nhiều đợt nên lươn thu hoạch quanh năm, thời điểm lươn có giá cao nhất là trước và sau Tết. Giá lươn loại 1, nặng từ 200g trở lên dao động từ 180-200 nghìn đồng/kg. Còn bình thường, giá lươn khoảng 170-190 nghìn đồng/kg. Tính chung 10 tháng nếu mỗi bể nuôi 1.000 con cho ra 100kg, thu hoạch khoảng 20-25 triệu đồng. Riêng ông Ngô Văn Ánh thu vụ đầu 1 bể được 25 triệu đồng, trừ chi phí, được lời hơn phân nửa. Toàn THT thu hoạch từ 5-10 tấn lươn thương phẩm, trừ chi phí anh em trong THT thu về hơn 500 triệu đồng/năm, nếu chia cho 35 bể nuôi thì mỗi bể thu nhập trên 70 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Vũ - Phó chủ tịch Hội CCB phường Thới An Đông tâm sự: Nhờ hoạt động của THTNL, chúng tôi đã giải quyết cho 15 lao động, trong đó có 6 hội viên CCB có việc làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống, mọi người phấn khởi chuẩn bị phát triển thêm nhiều bể nuôi trong thời gian tới.
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể có tính bền vững, tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, hội viên CCB có thêm thu nhập cao hơn, những hộ cá thể vốn ít và không gian ít cũng có thể nuôi được để phát triển kinh tế gia đình.
Bài và ảnh: Trần Hiếu