Trung tướng NGUYỄN MẠNH ĐẨU

Ngày 28-5-2020, Ban Liên lạc Truyền thống Cựu chiến binh Quân khu Trị thiên vào thăm ông Lê Khả Phiêu đang điều trị tại Khoa A 11 của Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Khi bước chân vào phòng bệnh, chúng tôi thấy bệnh tình của ông đã nặng lắm rồi. Mắt ông nhắm nghiền, hơi thở nông. Tôi cầm tay lay gọi. Ông mở mắt nhìn, nhận ra chúng tôi, mà chẳng nói được gì. Cùng lúc, ông và chúng tôi đều nghẹn ngào cảm xúc, cứ thế nước mắt trào ra. Xót thương ông vô cùng, mà chẳng ai làm được gì. Tiên lượng xấu, thời gian không còn nhiều nữa.

Nay nghe tin ông Lê Khả Phiêu vừa từ trần. Mặc dù không bất ngờ nữa, nhưng tôi vẫn đau buồn, tiếc thương ông vô cùng. Trong tâm trí tôi hiện về những kỷ niệm với ông.

Về cương vị công tác thì giữa ông Lê Khả Phiêu với tôi là một khoảng cách rất lớn. Nhưng về phương diện tình cảm cá nhân, trong suốt mấy chục năm qua, tôi luôn coi ông vừa là Thủ trưởng, vừa là người Thầy, người Anh kính mến. Đối lại, trên mọi cương vị - kể cả khi là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng - ông luôn dành cho tôi tình cảm thân thương, coi tôi như một người em. Trong xưng hô, cán bộ các cấp thường gọi ông bằng Thủ trưởng hoặc gọi theo chức danh. Nhưng với tôi, từ lần gặp đầu tiên đến tận bây giờ, tôi luôn gọi ông bằng Anh một cách trân trọng.

Tôi biết ông Lê Khả Phiêu từ hơn nửa thế kỷ trước. Năm 1965, khi còn chiến đấu ở Lào, thì tôi mới nghe tên ông chứ chưa gặp. Tôi tiếp xúc và được làm việc với ông hồi ở chiến trường Trị Thiên. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, năm 1968, ông là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 9, chỉ huy chiến đấu lập công xuất sắc ở thành phố Huế. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tổ chức, rồi Cục phó Cục Chính trị Quân khu Trị Thiên. Hồi đó, tôi là cán bộ cấp phân đội, có một số lần lên Quân khu đã được nghe ông giảng bài trong lớp tập huấn hoặc chủ trì các hội nghị. Là người trưởng thành trong chiến đấu từ cơ sở, với sự trải nghiệm thực tiễn phong phú, tác phong sâu sát tỉ mỉ, ông Lê Khả Phiêu đã truyền dạy mở mang kiến thức cho chúng tôi - những cán bộ trẻ trưởng thành trong chiến đấu chưa qua các trường lớp - những bài học quý cả về lý luận và thực tiễn.

Hồi tôi công tác trong Tổ đại diện Cục Chính sách Tổng cục Chính trị (TCCT) tại Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia (1983-1984), thì dưới quyền lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Khả Phiêu là Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Tư lệnh về Chính trị Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia. Ông thường xuyên sâu sát xuống chỉ đạo đơn vị cơ sở của các Mặt trận trên toàn chiến trường.  

Từ năm 1988, ông về làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm TCCT, thì tôi công tác ở Phòng Kế hoạch Tổng hợp Văn phòng Tổng cục Chính trị, rồi về Cục Chính sách TCCT, tháng 3-1992.

Giữa tháng 4-1992, tôi tham gia Đoàn cán bộ của TCCT do ông Lê Khả Phiêu - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm TCCT dẫn đầu ra thăm và làm việc với lãnh đạo, chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Qua đó, nắm tình hình đời sống sinh hoạt, tình hình triển khai và kết quả hoàn thành nhiệm vụ; tình hình và kết quả công tác đảng, công tác chính trị. Theo phạm vi chức năng, các cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị giải quyết một số vấn đề vướng mắc nổi cộm, đồng thời tổng hợp các ý kiến đề đạt.

Toàn bộ chuyến đi trên biển đảo hơn 10 ngày, ông Lê Khả Phiêu cùng ăn ở sinh hoạt với chúng tôi. Phong cách công tác và sinh hoạt của ông là sâu sát, cụ thể, thân tình, dân chủ, không bao giờ quan cách; sống chân thành, dân dã, được mọi người tôn trọng, kính quý.

Cuối năm 1993, tôi được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Chính sách TCCT. Ngày trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi - mà thực chất là giao nhiệm vụ cho tập thể Cục Chính sách - ông Lê Khả Phiêu nói đại ý rằng: Thời gian tới, Nhà nước tiến hành cải cách sửa đổi toàn bộ hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các chính sách xã hội. Những chính sách đó đều có tác động trực tiếp đến quân đội và hậu phương quân đội. Theo tiến trình chung, Bộ Quốc phòng xúc tiến việc nghiên cứu đề nghị các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội: Chính sách, chế độ đối với bộ đội làm nhiệm vụ ở những địa bàn khó khăn gian khổ, biên giới, hải đảo; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng công tác trong các thành phần chuyên môn kỹ thuật trọng yếu của lực lượng không quân, hải quân…; Chính sách bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng. Chính sách đối với hậu phương quân đội … Yêu cầu tập trung giải quyết những tồn đọng về chính sách (thương binh, liệt sỹ, mất tin, mất tích, mộ liệt sỹ, khen thưởng,…) sau mấy chục năm chiến tranh với khối lượng lớn, tính chất càng về sau càng khó khăn, phức tạp, bức xúc. Tất cả những vấn đề đó, đòi hỏi Cục Chính sách phải là cơ quan tham mưu đắc lực cho TCCT và Bộ Quốc phòng trong việc nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu đề nghị chính sách cũng như chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện những chính sách đã được ban hành.

Mấy chục năm qua, với mọi hoàn cảnh, trên từng cương vị, trong cảm nhận của tôi: ông Lê Khả Phiêu là một người tài năng, đức độ, vừa có tầm vừa có tâm. Ông sống thanh bạch, liêm khiết, luôn luôn giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, chống các tệ nạn tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Trong phong cách công tác và quan hệ, ông luôn luôn gần gũi, không bao giờ quan cách, được mọi người kính trọng.  

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực ở tầm vĩ mô, ông Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, từ vai trò chỉ đạo vĩ mô ở tầm chiến lược đối với toàn quân toàn quốc, đến những việc làm thiết thực, giải quyết các trường hợp cụ thể. Nhiều lần ông gọi tôi đến báo cáo tình hình và chỉ thị những vấn đề cần triển khai nghiên cứu và những việc phải làm ngay. Ông đã chỉ đạo nhiều nội dung sâu sắc, cả trước mắt và lâu dài, không chỉ đối với quân đội mà đối với toàn Đảng, toàn dân, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa sâu sắc.

Là người lính từng vào sinh ra tử, lăn lăn lộn cùng đồng chí, đồng đội trên khắp các mặt trận, các chiến trường gian khổ, ác liệt, cho nên khi giữ trọng trách trong quân đội, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, hay sau khi thôi công tác, trở về với cuộc sống đời thường, ông Lê Khả Phiêu luôn quan tâm, dành tình cảm sâu sắc đối với các CCB và Hội CCB Việt Nam. Những bài phát biểu của ông khi dự các sự kiện lớn của Hội CCB hay nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn của ông trên Báo CCB Việt Nam… cho phép tôi nghĩ về điều đó. Tôi vô cùng xúc động khi ông - trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Cựu chiến binh” (ngày 22-12-1999) đã khẳng định: “… Hội CCB Việt Nam sẽ tồn tại lâu dài cùng với chế độ xã hội chủ nghĩa… Hội CCB phải làm nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với dân tộc, đối với lịch sử…”.

Viết bài này, tôi xin được coi đây là nén hương lòng kính viếng ông Lê Khả Phiêu - người tôi tôn kính đến trọn đời!

                                                                                                 N.M.Đ