Việc giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là yêu cầu có tính nguyên tắc, mà còn là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930 là kết quả tất yếu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước. Đó không chỉ là kết quả của lựa chọn lịch sử, mà còn là sự khẳng định vai trò không thể thay thế của nền tảng tư tưởng đúng đắn trong việc dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Chủ nghĩa Mác - Lênin, với bản chất khoa học và cách mạng, đã cung cấp công cụ lý luận sắc bén để phân tích và cải tạo xã hội. C.Mác từng viết: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”. Như vậy, lý luận không chỉ là tri thức hàn lâm mà có thể trở thành lực lượng vật chất nếu được quần chúng tiếp nhận, hành động vì nó. Đó là căn cứ để khẳng định vai trò thiết yếu của nền tảng tư tưởng đối với công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới.

Đặt vào hoàn cảnh Việt Nam, Hồ Chí Minh là người đầu tiên tiếp nhận ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, và đã nhận thấy rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đây là sự lựa chọn bằng cả lý trí và trái tim, không chỉ trên phương diện tư tưởng mà còn mang tính tất yếu lịch sử, từ nhu cầu bức thiết của dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh giữa tinh thần yêu nước, đạo lý phương Đông và lý luận Mác - Lênin, Người đã phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin thành hệ tư tưởng phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Đó là một hệ tư tưởng không đóng khung, không giáo điều, mà luôn hướng tới con người, tới độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng ta đã chính thức xác lập nền tảng tư tưởng này tại Đại hội VII (1991): “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Tuyên bố đó không chỉ là sự kế thừa lịch sử mà còn là một lời khẳng định giá trị bền vững, không thể thay thế.

Nếu đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, và các trào lưu tư tưởng phương Tây tác động ngày càng mạnh đến đời sống chính trị - xã hội Việt Nam, thì việc giữ vững nền tảng tư tưởng là một thách thức sống còn. Việc duy trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không có nghĩa là bảo thủ, mà là biết chọn lọc, kế thừa, và vận dụng sáng tạo. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “… phải hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một biểu hiện sinh động cho việc phát triển nền tảng tư tưởng trong đời sống chính trị. Không đơn thuần là học thuộc những câu nói, mà là thấm nhuần tư tưởng về đạo đức cách mạng, về mối quan hệ giữa Đảng và dân. Như Bác từng căn dặn: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Là thống nhất, độc lập, là hoà bình, ấm no”, đó vừa là tầm nhìn tư tưởng, vừa là giá trị hành động.

Hơn nữa, nền tảng tư tưởng không chỉ phục vụ mục tiêu lý luận, mà còn là “hệ quy chiếu” để hoạch định chiến lược phát triển, ban hành chính sách phù hợp với lợi ích lâu dài của quốc gia. Những văn kiện gần đây của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII, đã xác định rõ vai trò của lý luận trong xây dựng đường lối: “Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới”. Nhìn vào thực tiễn cách mạng, nếu không có nền tảng tư tưởng vững vàng, Đảng có nguy cơ biến chất, không giữ được phương hướng lãnh đạo. Một tổ chức chính trị mà không có cốt lõi tư tưởng sẽ dễ bị cuốn theo trào lưu, rơi vào chủ nghĩa cơ hội, hành động theo tình thế và đánh mất lòng tin của nhân dân. Đó là lý do vì sao trong mọi giai đoạn, việc giữ vững nền tảng tư tưởng luôn được đặt lên hàng đầu như một điều kiện tiên quyết để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng.

Do đó, nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là thứ trừu tượng, xa rời thực tế, mà là kim chỉ nam định hướng phát triển bền vững, là “linh hồn” của Đảng. Giữ vững và phát huy nền tảng đó chính là bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ tương lai dân tộc, và hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường trong thế kỷ XXI.

Điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa khát vọng

phát triển đất nước hùng cường

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tinh thần: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” không chỉ là tuyên ngôn chính trị mà còn là biểu hiện sinh động của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cứu nước, cứu dân trên nền tảng phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, một tư tưởng xuất phát từ lòng yêu nước sâu sắc và niềm tin vào sức mạnh của nhân dân. Người từng khẳng định: “Đồng bào ta vì độc lập, tự do, vì chính nghĩa mà chiến đấu, đã nêu cao tinh thần của dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, quyết không chịu làm nô lệ!”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nền tảng tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp Đảng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó được thể hiện rõ trong đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Không có nền tảng tư tưởng đúng đắn, khó có thể phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại để đi đến thắng lợi hoàn toàn năm 1975.

Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng nền quốc phòng toàn dân sau 1975, tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng nhân dân tiếp tục là nền tảng lý luận để xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, bảo đảm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Người chỉ rõ: “…nước ta mới tranh lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải qua nhiều bước khó khăn, để củng cố quyền tự do độc lập đó. Vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh một vai”. Sau khi đất nước thống nhất, nền tảng tư tưởng tiếp tục là kim chỉ nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi của chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc cuối thập niên 1970 đầu 1980 là minh chứng hùng hồn cho sự lãnh đạo kiên định trên nền tảng tư tưởng vững chắc.

Cũng chính nhờ nền tảng tư tưởng đúng đắn, Đảng đã mạnh dạn “nhìn thẳng vào sự thật”, từ đó khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Bước vào công cuộc đổi mới từ năm 1986, việc kiên định nền tảng tư tưởng tiếp tục là nhân tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển. Đổi mới tư duy kinh tế, cải cách thể chế, mở cửa hội nhập quốc tế nhưng không xa rời mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là biểu hiện rõ ràng của việc nền tảng tư tưởng không bị đóng khung cứng nhắc, mà được vận dụng sáng tạo để phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển.

Ngày nay, vai trò của nền tảng tư tưởng càng trở nên nổi bật trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu, lý tưởng của Đảng về “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” đã hòa quyện với khát vọng dân tộc trở thành định hướng thực tiễn cho chiến lược phát triển đất nước. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Từ góc nhìn khác, nếu thiếu một nền tảng tư tưởng vững chắc, đất nước sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa thực dụng, đánh mất định hướng phát triển, gia tăng bất ổn xã hội và nguy cơ lệ thuộc về tư tưởng, văn hóa. Trong thực tiễn, một số quốc gia đã từng đánh mất bản sắc dân tộc, rơi vào khủng hoảng chính trị - xã hội khi xa rời nền tảng lý luận, chạy theo mô hình phát triển không phù hợp với đặc điểm dân tộc mình.

Một nghiên cứu của World Bank năm 2023 cho thấy, trong số các quốc gia đang phát triển, những nước có hệ thống chính trị - tư tưởng ổn định thường đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình cao hơn 1,2 lần so với nhóm nước có nền chính trị phân mảnh và thiếu định hướng lâu dài. Việt Nam là một ví dụ sinh động. Trong ba thập kỷ gần đây, Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế trung bình 6-7%/năm, tỷ lệ nghèo đói giảm từ hơn 70% (năm 1990) xuống dưới 5% (năm 2022), theo Tổng cục Thống kê Việt Nam và UNDP. Đây là kết quả không chỉ đến từ chính sách kinh tế, mà còn là thành quả của định hướng chính trị - tư tưởng xuyên suốt, nhất quán. Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội XIII xác định kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là “…vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Một số quốc gia trong khu vực, tuy đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn, nhưng lại rơi vào khủng hoảng chính trị - xã hội do thiếu nền tảng tư tưởng dẫn dắt. Sự phát triển mà không có định hướng tư tưởng dễ rơi vào chủ nghĩa thực dụng, ngắn hạn, tạo ra bất công xã hội và phân hoá giàu nghèo. Trong khi đó, hệ tư tưởng của Đảng không chỉ là kim chỉ nam chính trị mà còn là công cụ điều tiết xã hội, định hướng đạo đức, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Do đó, nền tảng tư tưởng không chỉ là kim chỉ nam cho Đảng, mà còn là “hệ điều hành tư tưởng” cho toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội Việt Nam hiện đại. Nơi nào vững lý luận, nơi đó sẽ vững đường đi, biết ứng phó hiệu quả với những biến động bất định từ bên ngoài và bên trong. Tuy nhiên, chúng ta cần không ngừng làm mới tư duy lý luận, tránh tư tưởng bằng lòng hay dừng lại. Lênin từng nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt”. Nền tảng tư tưởng, do đó, không phải là chiếc áo chật hẹp mà là nền móng để xây nên toà nhà hiện đại. Việc vận dụng sáng tạo nền tảng tư tưởng chính là khả năng biến lý luận thành lực lượng sản xuất, như C.Mác từng chỉ ra.

Kiên định vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới; Văn kiện Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng xác định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận đường lối đổi mới của Đảng làm nền tảng tư tưởng kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Như vậy, quá trình lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước, nhất là từ thực tiễn được rút trong gần 40 năm đổi mới đất nước Đảng ta đã vận dụng, sáng tạo, phát triển lý luận tạo trụ cột vững chắc để hiện thực hoá khát vọng đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tóm lại, nền tảng tư tưởng không chỉ là giá trị tinh thần, mà còn là trụ cột thực tiễn cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Nó đảm bảo tính kế thừa, tính chiến lược và tính ổn định trong điều hành, hoạch định chính sách. Những con số và so sánh quốc tế cho thấy rõ ràng: Sự phát triển nếu thiếu định hướng tư tưởng vững chắc sẽ khó tránh khỏi lệch lạc, thậm chí khủng hoảng. Trong khi đó, tư tưởng đúng đắn là nền tảng để quy tụ ý chí, khơi dậy khát vọng dân tộc, từ đó hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ XXI.

Giữ vững nền tảng tư tưởng trong tình hình mới - những thách thức cần vượt qua

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, việc giữ vững nền tảng tư tưởng càng trở nên cấp thiết. Điều này không chỉ là yêu cầu mang tính lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Thực tế cho thấy, các quốc gia phát triển bền vững và có tầm ảnh hưởng trên thế giới đều sở hữu một hệ tư tưởng cốt lõi có khả năng dẫn dắt chiến lược dài hạn. Ví dụ, Trung Quốc với chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, Hàn Quốc với triết lý dân tộc "hàn" và tinh thần tự lực tự cường, Nhật Bản với hệ giá trị văn hoá quốc gia gắn với kỷ luật và tinh thần tập thể. Những hệ tư tưởng đó không bị thay đổi qua từng nhiệm kỳ lãnh đạo mà trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hoạch định chính sách và chiến lược phát triển quốc gia. Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển nhanh nhưng thiếu định hướng tư tưởng nhất quán đã rơi vào tình trạng "thịnh vượng mong manh". Các cuộc khủng hoảng xã hội ở một số nước châu Phi, Mỹ Latinh là minh chứng rõ ràng. Việc quá nhấn mạnh hiệu quả kinh tế trước mắt, bỏ qua sự phát triển hài hòa của các giá trị đạo đức, xã hội và niềm tin công dân vào thể chế đã dẫn tới xung đột và bất ổn.

Với Việt Nam, sự kiên định nền tảng tư tưởng chính là điều kiện bảo đảm cho tính ổn định chính trị - một lợi thế chiến lược giữa bối cảnh thế giới đầy biến động. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF, 2023), yếu tố ổn định chính trị được đánh giá là một trong năm tiêu chí hàng đầu tạo nên sức hút đầu tư dài hạn. Việt Nam hiện xếp thứ 43/141 quốc gia về ổn định chính trị - một thành tích có phần đến từ sự vững vàng trong định hướng tư tưởng - chính trị. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới, phức tạp hơn so với trước đây. Các yếu tố tác động không chỉ đến từ bên ngoài - như trào lưu tư tưởng phương Tây, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự xuyên tạc lịch sử, mà còn đến từ bên trong, như sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Trước hết, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong thực tế, có lúc, có nơi, việc học tập, nghiên cứu và vận dụng nền tảng tư tưởng chưa được tiến hành thường xuyên, thiếu chiều sâu và chưa thực sự đi vào đời sống. Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ ra rằng: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật nhà nước”. Nếu nền tảng tư tưởng là “linh hồn” của Đảng, thì sự suy thoái tư tưởng là biểu hiện rõ nhất của nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa. Khi một bộ phận cán bộ, đảng viên xem nhẹ việc học tập lý luận, rơi vào tình trạng thực dụng, chủ nghĩa thành tích, thì chính điều đó làm xói mòn vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là thực tiễn cảnh tỉnh cho yêu cầu cấp thiết phải làm sống động nền tảng tư tưởng trong đời sống chính trị - xã hội. Thêm vào đó, tác động của mạng xã hội, truyền thông đa chiều khiến các giá trị, niềm tin và nhận thức trong xã hội bị phân hóa.

Trong bối cảnh hiện nay, một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với việc bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng chính là hoạt động chống phá có hệ thống, tinh vi của các thế lực thù địch. Mục tiêu của các lực lượng này là xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2023, mỗi ngày có trung bình hơn 10.000 tin, bài, video có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước được phát tán trên không gian mạng, với mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng trong một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ. Dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, khi các hệ giá trị, mô hình phát triển và tư tưởng đối lập len lỏi mạnh mẽ vào đời sống xã hội, nền tảng tư tưởng càng dễ bị pha loãng, thậm chí bị lấn át nếu không được củng cố vững chắc. Tư tưởng đúng đắn không chỉ là kim chỉ nam, mà còn là “lá chắn mềm” bảo vệ bản sắc dân tộc, định hướng phát triển và tăng cường “sức đề kháng” của hệ thống chính trị. Do đó, kiên định và phát triển sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là yêu cầu mang tính lý luận, mà còn là đòi hỏi cấp thiết về mặt thực tiễn để giữ vững độc lập dân tộc, định hướng xã hội chủ nghĩa và từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường như Đại hội XIII của Đảng đã xác định đến năm 2045.

Bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược lâu dài, không chỉ để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, chuyển đổi số toàn diện và cạnh tranh tư tưởng toàn cầu. Trong tình hình mới, nhiệm vụ này cần được cụ thể hóa thành những nhóm giải pháp toàn diện, thiết thực, có tính khả thi cao và phản ánh đúng yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Một là, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên môi trường không gian mạng. Việc gia tăng đáng kể các thông tin độc hại trên không gian mạng là minh chứng rõ nét cho mưu toan xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024 ghi nhận hơn 16.000 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, cho thấy không gian mạng đang trở thành “chiến trường mềm” nguy hiểm. Nếu không chủ động phản bác, các luận điệu sai trái này có thể từng bước làm xói mòn niềm tin, gieo rắc hoài nghi trong Nhân dân, chia rẽ nội bộtrong Đảng. Bởi vậy, việc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận cần được đặt ngang hàng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc chống lại các luận điệu xuyên tạc không thể chỉ bằng biện pháp kỹ thuật hay hành chính, mà cần xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách về công tác tư tưởng - lý luận vững mạnh, có tư duy phản biện tốt, biết nói tiếng nói của thời đại. Cần tạo điều kiện cho các học giả, nhà báo, chuyên gia và người có ảnh hưởng tham gia phản biện xã hội, làm rõ tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của Đảng.

Hai là, gắn lý luận với thực tiễn, phát triển nền tảng tư tưởng trong bối cảnh mới. Nhiều biểu hiện của sự khô cứng trong tuyên truyền lý luận hiện nay bắt nguồn từ khoảng cách giữa tư tưởng với đời sống. Nếu nền tảng tư tưởng không được “thổi hồn” bằng hơi thở của thực tiễn, thì rất dễ rơi vào hình thức, xa lạ với nhân dân. Nếu chỉ nói về Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh như một di sản quá khứ, mà không làm rõ tính thời đại, giá trị ứng dụng và sự phát triển của nó trong bối cảnh mới, thì khó tạo được sức hút. Một nền tảng tư tưởng chỉ thật sự bền vững khi nó không bị áp đặt từ trên xuống, mà được “thấm” vào từng con người thông qua trải nghiệm thực tiễn, lý luận chỉ có giá trị khi nó được vận dụng linh hoạt, sáng tạo để giải quyết các bài toán phát triển đặt ra từ thực tiễn. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông”. Do đó, phát triển tư tưởng không chỉ là nhiệm vụ của các trường lý luận, mà phải là nội dung xuyên suốt trong quản lý nhà nước, kinh tế, văn hóa, khoa học và đời sống xã hội.

Ba là, đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Trong khi giới trẻ - lực lượng chủ lực trong hành trình đến năm 2045 ngày càng tiếp cận thông tin theo hướng đa chiều, thì việc giáo dục chính trị, tư tưởng một chiều, khô cứng, dễ trở nên kém hấp dẫn. Một quan niệm đang tồn tại khá phổ biến cho rằng “giới trẻ đang xa rời chính trị”, có thể khẳng định rằng: Chính sự thiếu hấp dẫn trong phương pháp truyền đạt, thiếu gắn kết giữa tư tưởng và đời sống cá nhân đã khiến tư tưởng trở nên “xa lạ”. Không ít thanh niên ngày nay hiểu về Hồ Chí Minh qua mạng xã hội nhiều hơn là qua bài giảng chính trị. Vì vậy, nếu không đổi mới hình thức và nội dung truyền đạt, sẽ khó lan tỏa được giá trị cốt lõi của nền tảng tư tưởng. Để thay đổi điều này, cần tổ chức các diễn đàn mở, các cuộc thi sáng tạo nội dung lý luận, chính trị, truyền cảm hứng tư tưởng qua âm nhạc, nghệ thuật và các phương tiện truyền thông hiện đại. Thông qua đó, gắn tư tưởng với câu chuyện đời thường, để tư tưởng trở thành “người bạn đường” của thanh niên, chứ không phải khẩu hiệu sáo rỗng.

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng - lý luận cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và phương pháp truyền đạt. Người làm công tác tư tưởng ngày nay không chỉ cần trung thành, kiên định mà còn phải sáng tạo, biết đổi mới cách làm, biết “làm bạn với mạng xã hội” và biết “truyền cảm hứng bằng tư tưởng”. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, trí tuệ, tâm huyết với công việc, có dũng khí đấu tranh, có trình độ chuyên môn, nói được, làm được, không bị cám dỗ, không bị mua chuộc bởi các thế lực thù địch”.Người cán bộ tư tưởng phải là người có khả năng khơi gợi niềm tin, thuyết phục bằng trí tuệ, lan tỏa bằng hành động mẫu mực. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều vấn đề mới nảy sinh mà lý luận chưa có sẵn lời giải, cán bộ làm công tác tư tưởng dám nghĩ khác, dám nêu vấn đề, dám phản biện mang tính xây dựng cần được coi là tài sản quý của Đảng. Nếu không có cơ chế khuyến khích, bảo vệ, thì sự đổi mới về tư duy sẽ khó hình thành, và nền tảng tư tưởng dễ bị đóng khung trong lối mòn cũ kỹ.

Năm là, phát huy vai trò của truyền thông, báo chí, văn học - nghệ thuật trong lan tỏa nền tảng tư tưởng. Không gian công chúng hiện nay đang chịu cạnh tranh mạnh mẽ giữa giá trị tích cực và nội dung độc hại. Nếu các lực lượng, phương tiện tuyên truyền chính thống không chủ động định hình dư luận xã hội, để mặc cho các luồng thông tin phi chính thốnglan truyền, thì giá trị của nền tảng tư tưởng sẽ dần bị lu mờ. Cần xem các kênh truyền thông không chỉ là phương tiện truyền đạt mà còn là công cụ tạo lập niềm tin, hình thành hệ quy chiếu tư tưởng cho quần chúng chúng.

Sáu là, phát triển nền tảng tư tưởng gắn với hệ giá trị quốc gia và con người Việt Nam hiện đại. Không thể chỉ bảo vệ tư tưởng trong lý luận mà phải cụ thể hóa nó bằng các giá trị sống, hành vi đạo đức, chuẩn mực ứng xử. Đó chính là “hình hài” xã hội của nền tảng tư tưởng. Nếu hệ giá trị không được củng cố thì lý tưởng sẽ bị rơi vào tình trạng trừu tượng hóa, khó đi vào lòng người. Việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam thời đại mới như Nghị quyết Đại hội XIII xác định không chỉ là nhiệm vụ văn hóa mà còn là phương thức thiết thực nhất để nuôi dưỡng và lan tỏa nền tảng tư tưởng trong toàn xã hội.

Trung tá Đỗ Duy Nghị

(Cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu)