
Chiến sĩ Nguyễn Kỳ Ngộ (bên phải) cùng đồng đội trên chiến trường Bình Định.
Đó lời của Chủ tịch Hội CCB T.P Pleiku, tỉnh Gia Lai - Nguyễn Kỳ Ngộ, trước khi ông lên đường ra Hà Nội dự buổi gặp mặt đại biểu CCB, cựu TNXP tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Hà Nội vào ngày 9-4. Ông Ngộ cũng chia sẻ với tôi về quãng đời đẹp nhất của mình đã trực tiếp tham gia chiến đấu từ chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975…
Truyền thống quê hương, gia đình hòa quyện
CCB Nguyễn Kỳ Ngộ, sinh năm 1955, tại xã Mỹ Tài (Phù Mỹ, Bình Định). Miền quê mang đậm truyền thống Người anh hùng “áo vải cờ đào” - Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn quật khởi. Năm 14 tuổi, ông Ngộ đã tham gia cách mạng, đảm nhiệm việc lấy thông tin, dẫn đường cho bộ đội hành quân qua vùng địch… Năm 1972, ông Ngộ nhập ngũ khi 17 tuổi. CCB Nguyễn Kỳ Ngộ nhớ lại:
Khi khai lý lịch, tôi khai là con liệt sĩ nên được đưa vào Tiểu đoàn Trinh sát 55 của Tỉnh đội Bình Định. Đây là đơn vị thường trực tiếp đối đầu với quân địch và rất nguy hiểm nên rất cần lý lịch chính trị gia đình tốt, truyền thống cách mạng cao…
Lần đầu tiên cùng tổ thực hiện nhiệm vụ trinh sát đồn Chánh Khoan (thuộc xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ), vì là lính mới, nên tôi chỉ được phân công cảnh giới ở vòng ngoài để các anh em luồn sâu đồn, vậy mà đã thấy rất lo sợ.
Nhưng rồi sau mấy lần xung trận tôi đã dày dạn, thành thục hơn. Có khi chỉ một mình vào tận sào huyệt của địch để vẽ sơ đồ, địa hình, bố trí hỏa lực, lực lượng của địch để báo cáo với chỉ huy lên phương án tác chiến, tiến công….
Những trận đánh không quên
CCB Nguyễn Kỳ Ngộ bùi ngùi nhớ lại một trận đánh năm 1974: Khi đơn vị tấn công đồn Giông Tranh, nơi có 1 đại đội địch rải quân canh gác từ xã Mỹ Chánh đến xã Mỹ Quang (Phù Mỹ, Bình Định). Khi ta tấn công, địch dùng các loại vũ khí, hỏa lực phản công rất mạnh. Khi tiếp giáp nhau, chúng dùng lựu đạn ném vào vị trí chiến đấu của ta... Quân ta bị phản kích rất mạnh và rơi vào thế yếu vì lực lượng không tương quan. Trong hoàn cảnh ấy, bộ đội ta vẫn dũng cảm, mưu trí đánh thắng địch nhưng chúng ta cũng bị tiêu hao nhiều (15 đồng chí hy sinh, gần 20 đồng chí bị thương). Trong đó có anh Truyền (quê Hoài Ân, Bình Định), cùng Tiểu đội Trinh sát của tôi. Bị lựu đạn nổ trước mặt, đồng chí Truyền bị mất 2 chân, 1 tay và nhiều mảnh đâm vào khắp cơ thể. Đến sáng hôm sau anh trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay tôi…
Rồi những trận đánh tại Phù Mỹ, Phù Cát (tỉnh Bình Định) giải phóng các xã: Mỹ Tài, Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh và các huyện phía bắc tỉnh Bình Định cũng vô cùng gay go ác liệt.
Đầu tháng 3-1975, phối hợp với mặt trận Tây Nguyên, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) đã mở chiến dịch tiến công Bình Định nhằm kìm chân Sư đoàn 22 của quân đội Việt Nam cộng hòa; khống chế, chiếm đóng, làm chủ sân bay Phù Cát, cắt đứt đường 19 nối Bình Định với Gia Lai, góp phần giải phóng thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định vào tối 31-3-1975. Khi vào tiếp quản sân bay Phù Cát, trong đó còn rất nhiều vũ khí, trang bị mà chủ yếu là máy bay (A37, F5,..) xe tăng (M41, M48,…). Trong số chiến sĩ ta có người biết lái máy cày cũng “mần mò” lái được xe tăng để truy kích địch. Nhưng khi cơ động đến Gò Găng, Đập Đá (đi vào An Nhơn) vì kỹ thuật lái có hạn, đã tông vào trụ cầu làm anh em ngồi trên xe rơi xuống suối, phải nhờ xe cứu kéo chuyên dụng của Quân đoàn 2 kéo lên...
Năm 1982, sau khi được đào tạo ngắn hạn tại Trường quân sự Quân khu 5, ông Ngộ về công tác tại Sư đoàn bộ binh 2 (Quân khu 5). Ông được giao nhiệm vụ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của tỉnh Gia Lai và làm nghĩa vụ quốc tế giải phóng nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng và giúp bạn hồi sinh đất nước (từ năm 1982 đến 1988). Năm 1993, ông chuyển về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đến năm 2010 nghỉ hưu với chức vụ Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Pleiku. Tháng 8-2017, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đến nay.
Kết thúc buổi trò chuyện, tôi đã thấy trong ánh mắt CCB Nguyễn Kỳ Ngộ ngấn lệ khi gấp lại cuốn nhật ký. Cố nén cảm xúc khi nhớ về đồng đội, ông trầm ngâm chia sẻ: “Chiến tranh ác nghiệt quá, lứa bạn chúng tôi lên đường nhập ngũ năm 1972 ấy là 20 người thì 11 người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường để đất nước được độc lập, tự do…”.
Huy Bắc