Hình ảnh tháp Eiffel trong lễ khai mạc Olympic Paris 2024.
Thế vận hội (Olympic) Paris 2024 khai mạc ngày 26-7-2024 và sẽ kéo dài đến ngày 11-8-2024 tại Pháp. Thế vận hội 2024 đánh dấu 100 năm kể từ lần gần nhất Pháp đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Ước tính có 15,3 triệu khán giả đến cổ vũ tại các địa điểm thi đấu; nước chủ nhà đã phát hành 13,4 triệu vé, kỳ vọng có thể thu về 3,5 tỷ euro.
Tham dự Olympic Paris 2024 có 10.714 vận động viên (VĐV) đại diện cho 206 đoàn tranh tài ở 32 môn thi, với 329 nội dung. Trong đó, các nội dung hỗn hợp nam nữ tăng lên, thể hiện đây là một kỳ Olympic bình đẳng giới. Tất cả các huy chương của Thế vận hội đều chứa một mảnh kim loại từng là một phần của tháp Eiffel. Thông điệp về cuộc sống bền vững cũng được đề cao, được thể hiện ở Làng Olympic với các đặc điểm không rác thải, không sử dụng nhựa, không máy điều hòa.
Đặc sắc lớn nhất của Thế vận hội lần này là việc kết hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện Olympic và quảng bá các di tích, thắng cảnh của thủ đô Paris. Trong đó, đáng chú ý nhất là lễ khai mạc trên sông Seine, với khoảng 160 chiếc thuyền, trong đó 94 chiếc chở theo hàng nghìn VĐV diễu hành dọc theo 6km sông (trong đó có 16 VĐV Việt Nam). Các nghệ sĩ cùng thành viên các đoàn ngồi trên những thuyền còn lại, còn khán giả được bố trí ngồi hai bên bờ sông. Đoàn diễu hành “bơi” dọc dòng sông uốn lượn từ đông sang tây qua Paris và đi qua những cây cầu, những địa danh mang tính biểu tượng như Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Louvre cùng các địa điểm tổ chức Olympic. Điểm kết thúc của tuyến đường diễu hành là địa điểm gần tháp Eiffel, nơi Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron tuyên bố khai mạc Thế vận hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Olympic được khai màn trên một dòng sông thay vì tại sân vận động như truyền thống, với sự tham gia của nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới và hơn 300.000 khán giả theo dõi từ bờ sông.
Để đảm bảo an ninh cho sự kiện, Chính phủ Pháp triển khai 35.000 cảnh sát mỗi ngày cho Thế vận hội, cao điểm là 45.000 cảnh sát cho lễ khai mạc. Ngoài ra, 10.000 binh sĩ quân đội được huy động đảm nhiệm tuần tra các đường phố, địa điểm ở khu vực Paris cũng như thực hiện các nhiệm vụ an ninh khác. Pháp cũng nhận được sự giúp đỡ của khoảng 1.900 cảnh sát từ hơn 40 quốc gia. Suốt thời gian diễn ra Thế vận hội, từ 5 giờ sáng, cảnh sát phong tỏa các quận trung tâm, cấm hầu hết các phương tiện đi vào những quận này. Những ai muốn đi vào đây (như người dân hoặc du khách đã đặt phòng khách sạn) cần có thẻ bảo mật được cấp dưới dạng mã QR.
Một nét “độc đáo” nữa của Olympic Paris 2024 là sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra hồi tháng 2-2022, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đình chỉ tư cách thành viên của Ủy ban Olympic Nga, đồng thời cấm các vận động viên Nga và Belarus tham gia các sự kiện thể thao thế giới. Sau đó, IOC đã điều chỉnh các quy định, cho phép VĐV hai nước này tham gia với tư cách trung lập nhưng phải đáp ứng những điều kiện nghiêm ngặt và không được thi đấu các môn đồng đội. Việc sử dụng cờ, quốc ca, màu sắc và mọi thông tin nhận diện khác của Nga hoặc Belarus cũng bị cấm. Vì những yêu cầu khắt khe trên, 21 trong số 36 VĐV Nga “đủ điều kiện” đã từ chối tham dự Olympic Paris 2024. Thành thử, nước Nga - một cường quốc thể thao chỉ có 15 VĐV đến Paris tham gia thi đấu 5 môn gồm tennis, chèo thuyền kayak và canoe, xe đạp, bơi, nhảy breakdance, nhưng họ cũng không được quyền tham gia diễu hành trong lễ khai mạc.
Nga cho rằng quyết định của IOC không chỉ đi ngược lại tinh thần Olympic và vi phạm quyền lợi của các VĐV, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của IOC. Nga cũng chỉ trích IOC đã sử dụng Thế vận hội như công cụ để gây sức ép mang tính chính trị và phân biệt chủng tộc.
Đăng Song