Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Sáng 3-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).

Hội nghị được Bộ VHTTDL tổ chức, với chủ đề “Phát huy vai trò động lực của VHTTDL đối với sự phát triển bền vững đất nước”, trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) và trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Báo cáo tổng kết nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá, năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Nghị quyết số 01 và các Nghị quyết của Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ, các Nghị quyết của Quốc hội, lĩnh vực VHTTDL năm 2023 tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên một số phương diện.

Theo đó, toàn ngành đã chủ động rà soát các “khoảng trống” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực VHTTDL để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời “khơi thông” nguồn lực, “kiến tạo” sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng được Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Toàn ngành đã tập trung tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với 3 nội hàm “Dân tộc, khoa học và đại chúng” được lan tỏa, các thành tố về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được lượng hóa, để vận dụng trong quá trình thực hiện, được nhiều tỉnh ủy, thành ủy làm cơ sở trong xây dựng ban hành nghị quyết chuyên đề về văn hóa để có thể nhận định: Nhận thức về văn hóa đã có sự thay đổi theo hướng tích cực và cho phép kỳ vọng “Nhận thức đúng sẽ hành động đẹp”.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

Ngành cũng quan tâm mạnh mẽ hơn tới việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Điểm nhấn là với sự quan tâm, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần thứ nhất đã thành công, làm cơ sở cho việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.

Bộ cũng tích cực chuẩn bị, trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020. Đoàn thể thao Việt Nam đã giành thành tích xuất sắc, dẫn đầu toàn đoàn, vượt chỉ tiêu đề ra tại kỳ SEA Games; thi đấu đạt kết quả tốt ở ASIAD 19 tại Trung Quốc, vòng loại Olympic; đội tuyển bóng đá nữ quốc gia lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup.

Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt trên 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023.

Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao. Hội An, Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan triển lãm thành tựu của ngành VHTTDL. Ảnh: THANH TÙNG

Năm 2024, trong bối cảnh nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, ngành VHTTDL xác định cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát biểu nêu bật những thành tựu của một số lĩnh vực trong năm qua; đồng thời nêu những ý kiến, giải pháp đóng góp cho sự phát triển của toàn ngành.

Phát huy sức mạnh nội sinh, con người, văn hóa Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những năm gần đây, vai trò, vị trí của ngành VHTTDL được nâng lên cả về nhận thức và hành động; khẳng định: Văn hóa là sức mạnh nội sinh của một dân tộc; văn hóa còn thì dân tộc còn; văn hóa soi đường cho quốc dân đi; văn hóa mang tính dân tộc, khoa học và đại chúng.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam là những hoạt động cho thấy Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, quan tâm tới lĩnh vực văn hóa. Cùng với đó, thể thao giúp nâng cao thể chất, tinh thần, ý chí của mỗi người dân. Mỗi công dân khỏe mạnh, kiên cường thì cả dân tộc khỏe mạnh, kiên cường, đất nước hùng cường, thịnh vượng. Du lịch là ngành công nghiệp không khói, ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế đất nước.

Đề cập tới một số những thách thức, khó khăn, hạn chế, tồn tại của ngành VHTTDL cùng những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng yêu cầu ngành VHTTDL tiếp tục phát huy tối đa sức mạnh nội sinh, truyền thống văn hóa và kết quả đạt được; vượt qua khó khăn, thách thức; tạo bứt phá để tăng tốc, phát triển nhanh và bền vững VHTTDL Việt Nam.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch. Tập trung triển khai các chương trình, chiến lược, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch… Với mục tiêu phấn đấu năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỉ đồng.

Thủ tướng cũng yêu cầu quan tâm hơn nữa tới việc chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực, hoàn thiện chính sách lâu dài, phù hợp đối với các văn nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, người làm việc trong ngành VHTTDL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, toàn thể những người làm công tác VHTTDL sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, kết quả đã đạt được, tiếp tục chung sức, đoàn kết, đồng lòng; kỷ luật hơn, quyết tâm hơn, đổi mới sáng tạo hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa; xứng đáng là những “chiến sĩ xung kích” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, phụng vụ Tổ quốc, phục sự nhân dân, vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

QĐND