GS Hoàng Hoa
Năm 1993, tôi được cử đi học dài hạn ở Anh quốc. Học được vài tháng, tôi đưa vợ và con gái sang cùng.
Trước đó 1 tháng, tôi đến một trường tiểu học công lập gần khu nhà trọ. Gặp bà Hiệu trưởng, tôi trình bày việc xin học cho con gái.
Bà Hiệu trưởng niềm nở hỏi:
- Con anh tên gì? sinh năm nào? ở Việt Nam đang học lớp mấy?
- Thưa, con gái tôi là Hoàng Vũ Thu Hằng, sinh năm 1983, đang học lớp 5, ngày 15-9 tới sẽ đến London.
- Vậy 9 giờngày 16-9 anh đưa con gái đến trường.
Tôi ngạc nhiên, hỏi:
- Tôi phải nộp giấy tờ gì? phải mua sách, vở, đồ dùng học tập gì? học phí thế nào?
Bà Hiệu trưởng cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng sau vài khắc bà nhẹ nhàng nói:
- Anh không phải nộp bất kỳ giấy tờ gì. Ở Anh quốc, cũng không phải nộp học phí; không phải mua sách giáo khoa và đồ dùng gì cả... Thời gian học tại trường là 5 ngày/tuần; từ 9 giờ đến 16 giờ, trưa ăn nghỉ tại trường.
Ngày 15-9, con đến London, tôi định cho cháu nghỉ vài hôm rồi đi học. Không ngờ, khi không thấy con tôi đến trường như đã hẹn, ngày 17-9, bà Hiệu trưởng liền gửi giấy cho tôi, yêu cầu đưa con đi học...
Mấy hôm thấy con sáng đi học tay không, chiều cũng về tay không, hớn hở, khôngcó cặp, không mang sách vở gì về nhà, tối khônglàm bài tập gì cả, tôi sốt ruột chạy đến gặp bà Hiệu trưởng:
- Thưa bà, con tôi tối về không phải học gì ạ?
- Không! anh yên tâm, con đã học đủ cả ngày ở trường rồi.
Tìm hiểu, tôi mới vỡ lẽ: Trẻ em trong tuổi học tiểu học, trung học cơ sở ở Anh quốc bắt buộc phải đi học, bố mẹ không phải nộp bất kỳ giấy tờ gì; được học ở bất kỳ trường công lập nào, ko phải theo khu vực hộ khẩu; Học không mất tiền, không phải mua sách giáo khoa, vở, bút, đồng phục...; Chỉ học ở trường, về nhà không phải học gì thêm. Chương trình học nhẹ nhàng, chú trọng kỹ năng và các môn như: bơi, nhạc, hoạ. Con khôngđi học, bố mẹ phải chịu trách nhiệm, nặng có thể bị đưa ra toà, chuyển cho người khác nuôi...
Lời bàn thêm: Nước ta còn nghèo nên nền giáo dục chưa đạt được như các nước đã phát triển, điển hình như ở Anh quốc mà GS. Hoàng Hoa kể trên trang cá nhân. Đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng chúng ta phải hy vọng. Chúng ta phải phấn đấu - nhất là ý thức trách nhiệm của người thầy, để có một nền giáo dục tiến tiến - như Đảng ta đã xác định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Hà My (st)