Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ - Henry Kissinger tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ngày 20-7.

Năm 1971, khi Mỹ và Trung Quốc không có quan hệ chính thức, nhưng Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Henry Kissinger có chuyến thăm bí mật tới Bắc Kinh để thu xếp một chuyến thăm của Tổng thống Mỹ - Richard Nixon. Ngay năm 1972, ông Nixon đã có chuyến thăm kéo dài 7 ngày tới 3 thành phố của Trung Quốc và gặp các lãnh đạo cao cấp, trong đó có Chủ tịch Mao Trạch Đông. Chuyến công du  này đã phá băng quan hệ Trung - Mỹ trong 20 năm, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ và mở cửa nền kinh tế Trung Quốc.

Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nồng nhiệt chào đón cựu Ngoại trưởng Kissinger, nay đã 100 tuổi, giữa lúc có nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ tới thăm nước này, trong đó có đặc phái viên khí hậu John Kerry và  Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, nhằm tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc.  

Các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc đưa tin, nhà lãnh đạo Trung Quốc và cựu Ngoại trưởng Mỹ có cuộc gặp tại Nhà khách Điếu Ngư Đài - nơi hơn nửa thế kỷ trước, ông Kissinger gặp quan chức Trung Quốc để giúp bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung.

Truyền hình nhà nước phát hình ảnh ông Tập Cận Bình tươi cười khi ông nói với ông Kissinger: “Tôi rất mừng được gặp ngài”. Trong phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên người bạn cũ và sẽ không quên đóng góp lịch sử của ông trong việc phát triển quan hệ Mỹ - Trung và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”. Các thông cáo phía Trung Quốc đưa ra về cuộc gặp với Ngoại trưởng Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc nhấn mạnh cần có sự tôn trọng, hợp tác và “cùng tồn tại hòa bình” giữa hai siêu cường. Thông cáo cũng dẫn lời ông Kissinger nói rằng, ông là một “người bạn của Trung Quốc”, rằng “Mỹ và Trung Quốc không thể coi nhau là kẻ thù” và quan hệ hai nước sẽ là “trọng tâm cho hòa bình thế giới và cho sự phát triển của xã hội chúng ta”.

Không thể phủ nhận vai trò của ông Kissinger trong việc bình thường hóa quan hệ Trung - Mỹ năm 1972, để từ đó Trung Quốc mở cửa hội nhập mạnh mẽ hơn và cũng làm cục diện chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Thế nhưng, trong chuyến thăm lần này, tuy ông vẫn được Trung Quốc tôn trọng, đón tiếp như một người bạn thân thiết, vai trò của ông đã khác, cục diện thế giới đã khác, Trung Quốc đã lớn mạnh hơn rất nhiều và quan hệ Trung - Mỹ thì lại căng thẳng chẳng khác gì giai đoạn từ năm 1971 trở về trước.

Nói ông Kissinger tới Bắc Kinh lần này với vai trò khác vì ông không còn đại diện cho chính quyền Mỹ. Khi được hỏi về chuyến thăm Trung Quốc của ông Kissinger, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Matthew Miller cho biết: Ông Kissinger không đại diện cho Chính phủ Mỹ, đồng thời cho biết thêm, Bắc Kinh đã thông báo cho Ngoại trưởng Antony Blinken về kế hoạch của ông Kissinger trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Blinken tháng trước. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, thời điểm chuyến thăm của ông Kissinger đặt ra câu hỏi về việc liệu ông có đóng vai trò là “kênh liên lạc phụ” để mở lại các cuộc đối thoại quốc phòng vốn bị tạm dừng giữa hai nước do quan hệ xấu đi hay không? Theo một nguồn tin, chuyến đi của ông Kissinger đã được lên kế hoạch “rất lâu trước khi” chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kerry được công bố và thời điểm chuyến thăm diễn ra chỉ là trùng hợp. Chẳng những không đại diện cho Chính phủ Mỹ, ông Kissinger còn có quan điểm đối lập với chính quyền của cả Tổng thống Donald Trump và Joe Biden trong xử lý mối quan hệ với Bắc Kinh. Trong một phỏng vấn tháng 12-2022, ông Kissinger chỉ trích cách làm của chính quyền Trump và Biden với Trung Quốc khi cho rằng Chính phủ Mỹ hiện tại đang tìm cách đối thoại mà “thường bắt đầu với một tuyên bố về những sai trái của Trung Quốc” và các cuộc đàm phán thường “lúng túng”.

Sự tiếp đón nồng nhiệt của Trung Quốc dành cho cựu Ngoại trưởng Mỹ chỉ cho thấy một thông điệp về một Trung Quốc đã hùng cường, sẵn sàng hòa giải với Mỹ. Thế nhưng, thông điệp đó cũng hàm ý rằng, Trung Quốc có lợi ích quốc gia của mình và đừng trông đợi Trung Quốc sẽ thay đổi những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ Trung - Mỹ.

Trước đây, Trung Quốc chờ đón chuyến thăm của một Tổng thống Mỹ qua vai trò của ông Kissinger để bình thường hóa quan hệ. Giờ đây, lịch sử rất khó lặp lại trong một thế giới đã đổi thay.

Thanh Huyền