Hát ru là một trong các loại hình nghệ thuật truyền thống được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân ta.
Là loại hình văn hóa phi vật thể; một loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống từ ngàn đời xưa và được truyền miệng từ đời này sang đời khác thông qua truyền miệng và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt gia đình truyền thống, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhưng đáng tiếc, càng những năm gần đây “hát ru” ngày càng một bị quên lãng trước lối “sống hiện đại”.
Theo nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, thông qua ý nghĩa của lời ru, giúp đứa trẻ từng bước hình thành nhân cách sống, nhận biết được công lao trời biển của cha mẹ, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng hướng thiện, biết căm ghét cái ác từ những lời ru như: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con; Con ơi con ngủ cho lâu/ Mẹ còn đi cấy đồng sâu chưa về/ Bắt được con trắm con trê/ Cầm cổ lôi về, nấu nước làm lông/ Miếng nạc thì để phần chồng/ Miếng xương phần mẹ miếng lòng phần con/ Bống ơi thân dạ héo mòn/ Đắng cay buồn tủi để con nên người; Anh em như thể chân, tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần… Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…
Ngay ở tỉnh Thái Bình quê hương tôi, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều câu đồng dao, hò vè kháng chiến cũng được các bà, các mẹ dùng làm lời ru, nhưng cũng là để cổ vũ tinh thần quân dân trong tỉnh thi đua giết giặc, lập công: Ai về qua mạn cống Kem*/ Dừng chân đứng lại mà xem quân nhà/ Súng trường mã tấu xông pha/ Xông lên bắt sống quan ba tiểu đoàn… Hay bài: Chị em phụ nữ Thái Bình/ Ca-lô đội lệch vừa xinh vừa giòn/ Người ta nhắc chuyện chồng con/ Lắc đầu nguây nguẩy, em còn đánh Tây...
Điểm một vài dẫn chứng để ta thấy,hát ru là một loại hình nghệ thuật mang tính "đại chúng"; là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.. Về ca từ,hát ru cũng rất phong phú vì đã có sẵn trong kho tàng văn hóa dân gian, trong các bài thơ, truyện thơ. Nghệ thuật hát ru không khó, không đòi hỏi người hát phải có năng khiếu ca hát, chỉ cần các bậc làm cha, làm mẹ "để tâm" là thực hiện được.
Điển hình như chính mẹ tôi,là người phụ nữ không được đi học; sau này vào lớp “Bình dân học vụ”phải đánh vần từng chữ, nhưng bà lại là một trong những người hát ru hay nhất nhì trong làng. Thậm chí bà còn sử dụng được cả ca từ trong các truyện thơ,như Truyện Kiều, Tống Tân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa… để ru các em (và chắc khi bà ru tôi cũng vậy). Mẹ tôi thuộc là nhờ bà ngoại dạy bằng truyền miệng. Rồi đến lượt chị em chúng tôi cũng thuộc và biết ru em khi cha mẹ vắng nhà.
Không tuyệt đối hóa hát ru, nhưng rõ ràng, hát ru có tác dụng không nhỏ trong việc giáo dục bồi dưỡng đạo đức, nhân cách con người ngay từ khi lọt lòng trên tay mẹ.
Vì sao bây giờ vắng tiếng ru? Lý do thì nhiều, chợt nghe “cũng có lý”- nào là các bà, các mẹ phải đi làm ở công ty; bây giờ trẻ ba tuổi đã đi học ở trường mầm non...Và rồi, ở đâu đó, nếu cần hát ru thì nhờ "công nghệ". Nhưng có một sự thật là những đứa trẻ không được nuôi dưỡng tâm hồn bằng tiếng hát ru là một thiệt thòi không thể bù đắp được.
Nhân kỷ niệm 80 năm bản "Đề cương văn hóa Việt Nam" ra đời (1943-2023); thực hiện kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24-11-2021, thiết nghĩ, thiết thực nhất là vận động trong toàn quốc các gia đình khôi phục, duy trì tiếng hát ru. Định kỳ tổ chức hội thi "Tiếng hát ru" với các cấp độ phù hợp nhằm tôn vinh và duy trì nghệ thuật hát ru trong đời sống cộng đồng dân cư,trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân cả nước. Đây cũng là việc không dễ, nhưng nếu được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, các ngành, các địa phương vào cuộc, nhân dân thông suốt đồng lòng, chắc chắn sẽ thực hiện được. Và lúc đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống, lẽ sống trong thanh, thiếu nhi và toàn dân nhất định sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.
Tôi xin khép lại bài viết bằng bài thơ: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của nhà thơ Nguyễn Duy. Ông đã viết những câu thơ - theo tôi là "cực hay" về ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc của hát ru: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn/ Bà ru mẹ, mẹ ru con/ Liệu mai sau, các con còn nhớ chăng... Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”.
Nguyễn Văn Hán (CCB tỉnh Thái Bình)
* Cống Kem thuộc xã Minh Tân, huyện Kiến Xương.