Nhân kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10.8.1961 - 10.8.2022) và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8), T.Ư Hội phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) và Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tổ chức chương trình mang tên “Hồi sinh từ “mảnh cầu vồng”. Tới dự chương trình có Thượng tướng Đỗ Căn - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Phát biểu khai mạc chương trình, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định: Những năm qua, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đối với nạn nhân chất độc da cam và những nỗ lực của toàn xã hội, cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin đã góp phần “hồi sinh” nhiều vùng đất, giúp đỡ cả vật chất và tinh thần giúp các nạn nhân chất độc da cam vơi bớt nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Thượng tướng nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi Chính phủ, nhân dân Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.
Thông qua Chương trình, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh mong muốn, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị- xã hội và toàn dân, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam;” quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần để nạn nhân chất độc da cam vơi bớt nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Nhân dịp này, T.Ư Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 tổ chức nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc da dam. Với mỗi tin nhắn DA CAM gửi 1409, mỗi cá nhân sẽ ủng hộ 20.000 đồng cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Chương trình nhắn tin ủng hộ nạn nhân da cam sẽ kéo dài đến ngày 17-9-2022. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có thể ủng hộ qua App VAVA PLUS.
Trong chương trình, các đại biểu, khách mời cùng chứng kiến kết quả quá trình tẩy độc và hồi sinh ngoạn mục của vùng đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng qua phóng sự “Chữa lành vết thương dioxin để Đà Nẵng cất cánh”. Khởi công vào tháng 8-2012, Dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay quốc tế Đà Nẵng do Bộ Tư lệnh Quân Phòng không Không quân được giao làm chủ đầu tư, phối hợp cùng USAID thực hiện. Tổng mức đầu tư dự án là 106 triệu USD vốn ODA không hoàn lại và 60 tỷ đồng vốn đối ứng của phía Việt Nam. Đến năm 2018, sân bay Đà Nẵng đã được tẩy độc và ra khỏi danh sách điểm nóng về dioxin. Hiện nay, nhiều nơi trên đất nước ta, chất độc chết người này vẫn còn tồn tại như sân bay A So (tỉnh Thừa Thiên Huế), sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định)... Ở đó, đất và người, vẫn đang từng ngày từng giờ cần những nỗ lực lớn hơn nữa, gấp gáp hơn nữa để đẩy nhanh quá trình tẩy độc dioxin.
Tham dự chương trình giao lưu, Đại tá TS. Phạm Xuân Hưng - Phó Tư lệnh Binh chủng Hóa học và Đại tá Lê Đình Vũ - Chánh Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701) khẳng định những nỗ lực trong việc tiếp tục xử lý triệt để các điểm nóng, các khu tồn dư chất độc và thực hiện các giải pháp tái tạo, phục hồi, hoàn trả môi trường an toàn; ); xây dựng phương án, vận động tài trợ, ứng dụng công nghệ xử lý triệt để đất ô nhiễm tại sân bay Phù Cát; tổ chức khảo sát đánh giá tổng thể, xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số hóa ô nhiễm chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý thông tin hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đồng thời tìm kiếm các giải pháp, tiến hành hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực xã hội thực hiện các hoạt động hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam.
Nếu chiến tranh lấy đi hình hài bình thường, cuộc sống bình thường của các nạn nhân da cam thì cuộc đời trả lại cho họ sự yêu thương và trân trọng. Trong nỗ lực hồi sinh, trong hành trình khát vọng vươn lên, tô điểm cho chính cuộc đời mình và đóng góp cho xã hội của các nạn nhân da cam, luôn có sự đồng hành, yêu thương, sự chung tay góp sức của biết bao trái tim và tấm lòng nhân ái, yêu thương, cùng tình cảm thật sự tri ân và biết ơn những hy sinh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của đất nước hôm nay.
Là một trong những vị khách mời tham gia giao lưu, anh Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bày tỏ niềm xúc động khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh là nạn nhân của chất độc quái ác ấy. Từ tháng 7-2020, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã ký kết thoả thuận hợp tác với Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin Việt Nam về việc “Hỗ trợ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và vận động tài trợ cho nạn nhân chất độc da cam công cụ sản xuất và dụng cụ, thiết bị phục vụ cuộc sống”. Đây là cầu nối để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ trong và ngoài nước, có điều kiện tiếp cận, giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin tại nước ta. Tính đến tháng 5-2022, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã trao gần 450 phần quà cho nạn nhân chất độc da cam ở 14 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng.
Đến lúc này, sau nhiều nỗ lực của rất nhiều phía, những nạn nhân chất độc da cam cam/dioxin Việt Nam đã không đơn độc trong hành trình hồi sinh và kiếm tìm công lý… Công cuộc hồi sinh sự sống cho đất và cho người từ thảm họa da cam đang dần rộng mở. Chính phủ, tổ chức và cá nhân ở nhiều nước trên thế giới đã có nhiều đóng góp to lớn và thiết thực đối với công tác này. Bên cạnh sự hợp tác, hỗ trợ từ Hoa Kỳ, còn có nhiều đối tác khác như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trả lời phỏng vấn, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - Yamada Takio cho biết, những năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ cho các nạn nhân da cam Việt Nam như dự án “cung cấp trang thiết bị phục hồi chức năng và dạy nghề cho Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Bình, xây dựng Làng Cam tại T.P Hồ Chí Minh... Ngài Đại sứ khẳng định: Chính phủ Nhật Bản mong muốn tiếp tục góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh gây ra, các nạn nhân chất độc da cam sớm bình phục, hòa nhập cộng đồng.
Ngay tại chương trình, T.Ư Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã tiếp nhận sự ủng hộ, đóng góp của các đơn vị, cá nhân: Câu lạc bộ Thiện nguyện ấm tình yêu thương, do Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC) ủng hộ 1 tỷ đồng; Nhóm thiện nguyện RevivAll Trường Quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội (UNIS) ủng hộ 520 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ủng hộ 100 triệu đồng; ông Phạm Hoàng Minh ủng hộ 50 triệu đồng.
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc đan xen thể hiện tình yêu quê hương; sự đồng cảm với nỗi đau của các nạn nhân da cam; khơi gợi sự chung tay của cả cộng đồng nhằm xoa dịu vết thương chiến tranh. Trong đó có tiết mục biểu diễn của nhạc sĩ Hà Chương với bài hát do anh sáng tác “Vì sao em không thể”. “Thôi em đừng tuyệt vọng! Dẫu chất độc da cam có tàn phá thân em! Hãy vui lên vì em có trái tim. Hãy vững tin vì em có mẹ hiền. Tôi hát cho em lời hát bình yên. Đời sẽ bên em, những bàn tay ấm tình...” - ca từ vút lên qua giọng ca của người nhạc sĩ khiếm thị đem đến những phút giây tràn đầy cảm xúc cho đại biểu và khách mời tới dự chương trình.
Mỗi tấm lòng, mỗi nghĩa cử sẽ góp phần làm vơi đi nỗi đau nghiệt ngã mang tên da cam - nỗi đau không của riêng ai.
HỒ THANH HƯƠNG