Báo tháng 4 - Câu chuyện vui “đánh giá” về công tác tăng gia sản xuất của Ngành Hậu cần, không biết ra đời từ đâu, nhưng chắc chắn là của những người làm công tác hậu cần rồi. Vì chỉ người trong cuộc mới có ngôn từ như vậy.
Đó là những năm 2000, sau một thời gian dài Tổng cục Hậu cần phát động phong trào “Đơn vị tăng gia sản xuất giỏi”, các đơn vị hưởng ứng nhiệt tình nên từ chỗ thực phẩm, rau xanh phải mua ngoài, nhiều đơn vị đã tự túc được 100% rau xanh, phần lớn thực phẩm.
Khu vực Xuân Mai (lúc đó) có nhiều đơn vị của các quân - binh chủng đóng quân, là vùng đất sỏi đá, khô cằn, nhưng anh em đã đào ao, thả cá; lấy đất mùn từ nơi khác về phủ lên đất đồi trồng rau xanh, nuôi hàng trăm con lợn, từ lợn nái đến lợn bột, lợn thịt; nuôi hàng nghìn gà, ngan, vịt..., trở thành một điểm sáng của phong trào này với những điển hình như: Lữ đoàn xe tăng 201 – Binh chủng Tăng, thiết giáp, Sư đoàn 308 - Quân đoàn I...
Do toàn là đơn vị điểm và cự ly gần Hà Nội nên các đơn vị này luôn được đón các đoàn đến kiểm tra, tham quan, học tập kinh nghiệm. Trong các đoàn đến, anh em làm hậu cần rất chú ý cánh trợ lý các cơ quan của Bộ, mà anh em gọi đùa là “Bộ”.
Hầu hết đội ngũ trợ lý rất tốt, kiểm tra, giúp đỡ đơn vị tận tình, chu đáo, tuy vậy có đồng chí chỉ là trợ lý nhưng giọng rất oai, cái gì không vừa ý là: “Tôi về báo cáo Bộ”. Cá biệt, có “ông” còn giở đùa, giở thật gợi ý khéo một vài việc lặt vặt, thành ra anh em cứ đùa bảo: Sợ nhất mấy ông “Bộ” này. Mỗi người một câu, lâu dần hình thành bài thơ vui, tạm đặt đầu đề là:
Hai vấn đề “Bộ” quyết
Hôm qua, “Bộ” lên Xuân Mai
“Bộ” về, kết luận có hai vấn đề:
Vườn rau, ao cá đuề huề
Mà sao lại để “Bộ” về tay không?
Trong chuồng gà, vịt rất đông
Cớ chi chẳng chịu vặt lông con nào?
Rõ ràng trách nhiệm chưa cao
Khả năng thì có tại sao không làm?
Đỗ Công Huynh