Le Paria (Người cùng khổ) - Tờ báo do Bác Hồ sáng lập.
Báo tháng 4 - Ngày 26-6-1921, Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số nhà hoạt động cách mạng các nước như Aigieri, Maroc, Tunisia... họp bàn thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa (L’Union Intercolonial). Sau một thời gian vận động, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, tháng 7-1921 Hội chính thức được thành lập. Tuyên Ngôn của Hội xác nhận, tổ chức này hình thành nhằm tập hợp lực lượng, thống nhất hành động của nhân dân các nước thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng những dân tộc bị áp bức, nô dịch.
Sớm nhận rõ vai trò của báo chí, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với các đồng chí của mình thành lập ra “Hội Hợp tác Người cùng khổ” và Báo Le Pria (Người cùng khổ). Tháng 1-1921, trong cuộc họp của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Thuộc địa, sau khi trình bày Điều lệ của Hội Hợp tác Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc đề nghị mỗi người tham gia sẽ đóng cổ phần là 100 Phơ-răng để hùn vốn ra báo. Tuy nhiên, do số người đóng cổ phần không đủ nên Hội đã không thành lập được. Nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn quyết tâm ra báo. Trong lời kêu gọi gửi nhân dân các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc viết: “Người cùng khổ là tờ báo đầu tiên có mục đích thực hiện nhiệm vụ đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa với nhau, đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa với nhân dân chính quốc đấu tranh chống kẻ thù chung. Để có thể thành công trong việc này, chúng tôi kêu gọi sự tận tâm của các bạn. Hãy gia nhập Hội Hợp tác Người cùng khổ và hãy đặt mua dài hạn báo Người cùng khổ”.
Với quyết tâm lớn lao đó, ngày 1-4-1922, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình đã ra được số báo “Người cùng khổ” đầu tiên với lời chào mừng: Trong lịch sử của quần chúng bản xứ các thuộc địa của Pháp, chưa có một tờ báo nào lập ra để kêu to sự thống khổ và sự nghèo nàn chung của họ, không phân biệt xứ sở và chủng tộc. Báo Người cùng khổ ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, Đông Dương, Antilles và Guyam... Tôn chỉ của Báo là: Vũ khí chiến đấu với sứ mạng đã rõ ràng là “Giải phóng con người”.
Báo Người cùng khổ được viết bằng ba thứ tiếng (Pháp, Ả Rập và Trung Quốc). Từ số 1 đến số 20 có tiêu đề “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” (Tribune des Populasions des colonial); từ số 21 đến số 35 có tiêu đề “Diễn đàn của vô sản thuộc địa” (Tribune des proletariat colonial); số 36, 37 có tiêu đề “Cơ quan của nhân dân bị áp bức các thuộc địa” (Organe des Peuples Oppirimes des colonies); số 38 có tiêu đề “Cơ quan của Hội Liên hiệp Thuộc địa” (Organe de L’Union Intercoloniale).
Để duy trì hoạt động một tờ báo là tiếng nói của những dân tộc bị áp bức, nô lệ giữa Paris lúc đó, trong điều kiện tài chính không có, chính quyền Pháp luôn tìm cách gây áp lực và khó khăn, đòi hỏi Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình phải tốn rất nhiều trí lực. Với quyết tâm bằng mọi giá để ra báo, mỗi cuộc họp Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Thuộc địa, của Tòa soạn lại quyên góp tiền cho số báo sau. Đảng Cộng sản Pháp quyết định giúp cho Đảng bộ Thuộc địa và Báo Người cùng khổ mỗi tháng 350 Phơ-răng. Riêng Nguyễn Ái Quốc ủng hộ rất đều cho Báo mỗi tháng 25 Phơ-răng, Người nói với các đồng chí của mình: “Chúng ta phải bằng bất cứ giá nào làm cho tờ báo sống!”.
Là người phụ trách chính trong việc xuất bản Báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc thực sự trở thành linh hồn của báo. Từ việc tổ chức ban biên tập, toà soạn, viết bài, sửa chữa, đưa đi in, xuất bản, gửi báo đi các thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc còn trực tiếp đi bán báo, viết truyền đơn cổ vũ việc mua báo. Trong truyền đơn Nguyễn Ái Quốc viết: Báo “Le Paria” là tờ báo của bạn! Báo dự kiến những sự kiện nghiêm trọng có thể xảy ra..., bạn đừng đợi gì mà không mua Báo..., Báo giúp bạn thoát khỏi nô lệ, Báo sẽ phát hành sang các nước thuộc địa để dẫn dắt người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ “búa liềm” trong một phong trào quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột, mà chúng ta là những người “Cùng Khổ”.
Khi đem báo đi bán, Nguyễn Ái Quốc nói với các bạn đọc: Báo này là báo biếu không các bạn, nhưng bạn nào có hảo tâm ủng hộ để số sau chúng tôi lại tiếp tục phục vụ các bạn. Bằng cách đó, số tiền thu được nhiều khi còn hơn cả giá bán.
Nguyễn Ái Quốc đã mời được người bạn là đại văn hào Henri Barbusse - người đứng đầu tổ chức quốc tế các nhà văn tiến bộ - tham gia giúp đỡ cho báo. Hội Ánh sáng và Tạp chí văn học do Henri Barbusse sáng lập đã nhường cho Báo một phần ngôi nhà số 16 phố Jacques Calot cho Hội Liên hiệp Thuộc địa đặt cơ quan ngôn luận của mình...
Nguyễn Ái Quốc còn có sáng kiến tổ chức buổi biểu diễn nghệ thuật lấy danh nghĩa là Hội Liên hiệp Thuộc địa đứng ra vừa tuyên truyền ảnh hưởng của Hội, vừa có thêm tiền giúp cho Báo Người cùng khổ. Nguyễn Ái Quốc đã liên hệ với nhóm nghệ sĩ “Nàng thơ đỏ” ở Paris và được nhóm nhận tổ chức buổi liên hoan nghệ thuật vào ngày 26-5-1923 tại Hội trường Thanh niên cộng hòa; hôm đó Hội trường Thanh niên cộng hòa đã thực sự trở thành một buổi hội cách mạng và kêu gọi đấu tranh.
Trong 4 năm hoạt động (4.1922 - 4.1926), Báo Le Pria xuất bản 38 số; Nguyễn Ái Quốc có 34 bài, có cả những bài gửi đăng sau khi Người đã rời nước Pháp. Báo Người cùng khổ đã trở thành vũ khí chiến đấu, là diễn đàn để Nguyễn Ái Quốc và Hội liên hiệp Thuộc địa tuyên truyền, tổ chức nhân dân thuộc địa đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Sự ra đời của Báo Người cùng khổ đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Đông Dương. Nó đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp. “Đó là một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức” (Trần Dân Tiên).
Đã 100 năm kể từ ngày ra đời, nhưng cho đến nay Báo Người cùng khổ vẫn còn nguyên đó những giá trị về lý luận và thực tiễn; vẫn còn đó giá trị thời sự mà đến ngay thời điểm này chúng ta và các thế hệ mai sau phải hết sức trân trọng nghiên cứu mở rộng và phát huy các loại hình báo chí lên tầm cao mới.
Quang Chiêm