Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Ngày 19-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã thăm, làm việc tại thành phố Hải Phòng.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng về công tác xây dựng Đảng, tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 và những đề xuất, kiến nghị của Thành phố với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.

Cùng dự buổi làm việc có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo các bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Tư pháp; Xây dựng; Giao thông vận tải; Quốc phòng; Tài Nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về phía địa phương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành của Thành phố Hải Phòng.

Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021 đang bước vào những ngày cuối cùng, song tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là khi biến chủng Omicron đang lây lan mạnh trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập nội địa.

Do đó, nhiệm vụ hiện nay và thời gian tới vẫn phải vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; vì có phòng, chống dịch hiệu quả mới có điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và ngược lại có phát triển kinh tế, xã hội mới có tiềm lực phòng, chống dịch.

Đặc biệt, do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, di chuyển của con người, các hoạt động logistics... trên toàn cầu; trong đó có lưu thông hàng hóa qua cảng biển.

Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Thành phố Hải phòng dành thời gian để đánh giá tình hình, đưa ra mục tiêu, giải pháp phát triển Thành phố Hải Phòng nhanh và bền vững. Trong đó có phát triển hạ tầng chiến lược, trong hạ tầng chiến lược có hạ tầng về giao thông, trong giao thông có hàng hải.

Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác tại buổi làm việc, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, Thành ủy Hải Phòng đã xây dựng và tạo lập được sự đoàn kết, thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo thành phố và sự đoàn kết trong toàn Đảng bộ; lãnh đạo trực tiếp và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện tốt phương châm “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân giám sát” và gắn với “dân thụ hưởng”, được nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nhờ đó, năm 2021, Thành phố Hải Phòng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có 13/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm, trong đó có nhiều chỉ tiêu thuộc tốp đầu trong cả nước. Có 6/19 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch đề ra, nhưng ở mức tăng cao so với năm 2020 và so với các địa phương khác.

Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 12,38%; chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng trên 19% so với năm 2020; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 90.400 tỷ đồng, vượt trên 17% dự toán Trung ương giao; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2020, vượt kế hoạch năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 25 tỷ USD, tăng trên 23% so với năm 2020, vượt trên 12% so kế hoạch năm...

Thành phố Hải Phòng kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung, nhóm nội dung nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Trong đó có một số kiến nghị đáng chú ý như: Chủ trương xây dựng đường cao tốc ven biển, đoạn từ tỉnh Thanh Hóa qua Ninh Bình, Nam Định, kết nối đường cao tốc Hải Phòng-Hà Nội; về sử dụng chất nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2022 và các năm tiếp theo vào khu vực D2 ngoài biển; điều chỉnh chủ trương đầu tư bến số 5, bến số 6 tại Cảng container quốc tế Lạch Huyện; xây dựng nhà ga T2 giai đoạn 1 và nhà ga hàng hóa tại cảng hàng không quốc tế Cát Bi; bổ sung các dự án điện tại Hải Phòng vào Quy hoạch Điện VIII; cắt giảm tuyến đường sắt nội đô Hải Phòng...

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Thành phố Hải Phòng đã phát biểu, trao đổi, phân tích, làm rõ các định hướng lớn phát triển kinh tế, xã hội của thành phố; nhất là về nguyên nhân, giải pháp giải quyết các đề xuất, kiến nghị mà Thành phố đã đưa ra tại cuộc làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, trong năm qua, kế thừa truyền thống anh hùng, thành phố Hải Phòng đạt được kết quả cơ bản trên mọi mặt: công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng; kinh tế, xã hội đạt và vượt phần lớn các chỉ tiêu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả...

Kết quả trên là nhờ thành phố đã bám sát, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối và chương trình kế hoạch về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước, cũng như của Đảng bộ thành phố; phát huy được truyền thống đoàn kết, thống nhất nội bộ; nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ từ Trung ương, các bộ, ngành và các địa phương bạn.

Bên cạnh biểu dương những thành tựu, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế mà Hải Phòng cần khắc phục như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng cũng như sự quan tâm, đầu tư của Trung ương cho thành phố; phát triển văn hóa chưa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, năng lực cạnh tranh còn khiêm tốn; phát triển dân số cơ học chưa nổi bật; thu ngân sách cao nhưng cơ cấu chưa hợp lý...

Về định hướng phát triển thành phố Hải Phòng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ gợi mở, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng phát huy tính tự lực, tự cường hơn nữa để phát triển nhanh và bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó phải phát triển công nghiệp xanh, dịch vụ tiên tiến, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, bền vững.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, xã hội. Có kế hoạch tăng dân số cơ học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng thành phố thông minh; nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng...

“Phải xây dựng Hải Phòng thành trung tâm liên kết vùng; đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Vì đầu tư cho Hải Phòng là rất lớn; vị trí, điều kiện của Hải Phòng rất thuận lợi”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các giải pháp, Thủ tướng đề nghị Hải Phòng tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26-11-2019 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW; Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước mắt, thành phố phải tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó tập trung tiêm vắc xin cho người dân theo đúng kế hoạch, phấn đấu tiêm đủ 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên trong năm 2021; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 1-2022 và tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I-2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hải Phòng nghiên cứu xây dựng quy hoạch một cách bài bản, có tầm nhìn xa, có tư duy đổi mới và sát với tiềm năng, lợi thế, so sánh khác biệt, cơ hội cạnh tranh của thành phố; phù hợp với quy hoạch quốc gia và phát huy tối đa hiệu quả của đất, rừng, nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phát triển dịch vụ logistics hiện đại, thông minh, hiệu quả, đẳng cấp quốc tế, đặc biệt logistics hàng không, hàng hải. Nghiên cứu phát triển năng lượng sạch, năng lượng xanh, năng lượng gió ngoài khơi...

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Hải Phòng phải giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong toàn thành phố và với các bộ, ngành, tỉnh, thành phố bạn; đẩy mạnh xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng; tiếp tục góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia trên biển; đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân... xứng tầm với truyền thống lịch sử văn hóa, tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của nhân dân.

Đối với các ý kiến, kiến nghị của Thành phố Hải Phòng, Thủ tướng cơ bản nhất trí, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với địa phương tập trung triển khai theo hướng: Tạo điều kiện tốt nhất cho Hải Phòng; thực hiện phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho thành phố trên cơ sở quy định của pháp luật; Thành phố phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, trong đó chọn những vấn đề, chương trình, dự án khả thi cao, đủ thời gian, năng lực, điều kiện để triển khai có hiệu quả trước.

* Trước đó, sáng cùng ngày, cũng trong chuyến công tác tại Hải Phòng, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, tặng quà các gia đình chính sách và gia đình quân nhân ở thị trấn Cát Hải, huyện Cát Bà.

Thủ tướng Chính phủ ân cần thăm hỏi về cuộc sống vật, chất tinh thần và sự chăm lo của địa phương đối với các gia đình mà Thủ tướng tới thăm; mong muốn các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện và vận động mọi người chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất nước phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng.

TTXVN