Đại dịch Covid-19 (viết tắt là dịch) khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, cho đến nay, dịch đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, với quy mô và tốc độ chưa từng có.
Đại dịch do một chủng virus Corona mới gây ra. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) dù giới nghiên cứu đã chạy đua với thời gian làm rõ đặc trưng của virus SARS-CoV-2, nhưng cho đến nay thế giới vẫn còn nhiều điều chưa biết về chủng virus mới này. Một trong những đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là nó lây lan rất nhanh. Người nhiễm virus có thể không xuất hiện triệu chứng của bệnh, do đó dễ dàng lây bệnh sang người khác.
Có thể nói - đại dịch này đã đẩy các hệ thống y tế các quốc gia vào tình trạng quá tải bất thường, đồng thời khiến hàng triệu người chữa bệnh trở thành bệnh nhân. Các chuyên gia cho rằng đại dịch tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu ở tầm mức 100 năm mới xảy ra một lần. Theo các chuyên gia, cho dù đại dịch có thể sẽ qua, những tác động của nó về nhiều mặt đối với nhân loại còn kéo dài trong nhiều thập niên nữa.
Với Việt Nam ngay từ khi đại dịch khởi phát, Chính phủ và các chuyên gia y tế đã đề xuất các biện pháp ứng phó rất phù hợp với từng giai đoạn. Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống dịch được thành lập ngày 24-1-2020, ra lệnh kích hoạt Trung tâm Phòng chống dịch bệnh khẩn cấp.
Ngày 6-2-2020, tất cả địa phương trên cả nước quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch. Tới ngày 12-2, Chính phủ quyết định cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc... Trước tình trạng các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài tăng lên nhanh chóng, Thủ tướng quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh...
Ngày 27-3, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị số 15 yêu cầu yêu cầu hạn chế tụ tập đông người; tiếp đó là Chỉ thị 16, yêu cầu thực hiện cách ly xã hội. Đồng thời Chỉ thị yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Lần đầu tiên, khái niệm cuộc sống “bình thường mới” ra đời. Hầu hết các hành vi văn hóa ứng xử, sinh hoạt đã thay đổi - trước đây gặp nhau bắt tay, ôm nhau, thì nay chỉ giơ tay vẫy chào; mua bán hàng hóa,... trước đây thì tiếp xúc, xem hàng, nay “lấy niềm tin là chỗ dựa... nhận hàng, trả tiền...”.
Điều đặc biệt là Chính phủ có phản ứng ở cấp chiến lược. Dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng, các cơ quan lập pháp, hành pháp nhanh chóng vào cuộc. Nhiều chính sách “chưa có tiền lệ” ra đời. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Quốc hội lần đầu tiên vừa có sáng kiến lập pháp tức thời, vừa trình Quốc hội cho bổ sung chương trình, vừa xin chủ trương của Bộ Chính trị, vừa thảo luận, vừa biểu quyết trong 3 ngày, với sự đồng thuận rất cao”.
Có người nói: Lần đầu tiên Quốc hội đã thúc giục Chính phủ “xé rào” để sớm có chính sách chống dịch. Trên lĩnh vực kinh tế, mô hình “kinh tế xanh” được xây dựng. Chẳng hạn các “chuỗi cung ứng” các “ngành hàng xanh” đã ra đời.
Ổn định và phát triển kinh tế trong đại dịch là quan trong, tuy nhiên với Việt Nam, bảo vệ sinh mạng con người vẫn được đặt lên hàng đầu. Ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra “Lời kêu gọi chống dịch”, kêu gọi: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí ... hãy đoàn kết, thống nhất ý chí, thực hiện quyết liệt, chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Mỗi người dân Việt Nam đang là một chiến sĩ; mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19”.
Một cuộc chiến mới, chống dịch khiến người ta nhớ đến những “cuộc Nam tiến” hồi nào - các chiến sĩ áo trắng ở Đại học Y - Dược, cùng với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân phục xanh lên đường hướng về phương Nam của Tổ quốc... Một phong trào xã hội chống dịch được hình thành từ truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc nay được tái sinh. Hỗ trợ cho các khu cách ly - người dân có rau, mang rau; có gạo, mang gạo... Nhiều em nhỏ đã “đập lợn đất”, lấy tiền tiết kiệm tích góp đóng góp cứu giúp người trong khu cách ly. Ở nhiều vùng dịch đã xuất hiện các cây “ATM gạo”, những gian hàng “không đồng”.
Nhiều người nước ngoài bị “mắc kẹt” ở Việt Nam không về nước được cũng được người dân trợ giúp. Một bệnh nhân nước ngoài nhiễm Covid-19, sau thời gian điều trị khỏi, về nước đã nói với báo chí: “Nếu không phải là Việt Nam tôi đã chết”.
Có thể nói - cuộc chiến chống dịch Covid-19 là một sự khảo nghiệm nghiêm khắc và khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta - đồng thời cũng củng cố và phát triển thêm truyền thống “Thương người như thể thương thân” trong thời đại Hồ Chí Minh.
TS.Cao Đức Thái - Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.