Từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng lần thứ tư liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, khiến người dân và doanh nghiệp vận tải gặp muôn vàn khó khăn. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Khó chồng khó
Từ 16 giờ ngày 26-10, giá bán lẻ các loại xăng dầu trong nước điều chỉnh lên mức giá mới, với mức tăng hơn 1.400 đồng/lít (với xăng) và hơn 1.000 đồng/lít (với dầu). Xăng RON95 vượt mốc 24.300 đồng/lít, lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Từ đầu tháng 2 đến nay, giá xăng đã qua 13 lần tăng và 4 lần giảm. Việc giá xăng dầu liên tục tăng đã khiến cho người dân, doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn. Xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu là một trong những địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Thời gian gần đây, vì giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu đánh bắt xa bờ buộc phải rút ngắn hải trình đánh bắt để tiết kiệm chi phí xăng dầu. Người dân cho rằng, khi chi phí nhiên liệu tăng cao, với những con tàu càng lớn, đi càng xa thì tỷ lệ thua lỗ lại càng cao.
CCB Nguyễn Văn Minh, trú tại xã Quỳnh Long cho biết: Gần 1 tuần nay tôi cùng nhiều gia đình trong làng chưa có ý định ra khơi, bởi đi xa lúc này là lỗ. Do ảnh hưởng của dịch, du lịch ngưng hoạt động thời gian dài, lưu thông thị trường ngoài tỉnh gặp khó nên giá hải sản giảm, tăng chi phí bảo quản… khiến các chủ tàu lao đao. Nay giá xăng dầu tiếp tục tăng, khiến tôi và nhiều chủ tàu khác chọn phương án cho tàu nằm bờ, chờ đợi. Tàu có công suất lớn, mỗi chuyến đi biển kéo dài 7-10 ngày. Dù khai thác được nhiều hay ít thì đều phải chi 180 đến 200 triệu đồng tiền dầu cùng các chi phí khác. Trong khi hải sản khai thác được thì tiêu thụ khó khăn, giá thành thấp khiến những chuyến ra khơi gần đây luôn bị lỗ hàng chục triệu đồng.
Tài xế Nguyễn Văn Thực, trú tại quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội vay ngân hàng mua ôtô chạy Grab gần 2 năm nay nhưng vẫn chưa thể trả được nợ. Gần nửa năm qua, xe nằm một chỗ do giãn cách xã hội, nay được chạy trở lại chưa kịp mừng thì giá xăng liên tục tăng cao. Tính toán mỗi ngày, tiền lãi từ chạy xe giảm đi khá nhiều do xăng tăng giá, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như kế hoạch trả nợ.
Ông Đỗ Văn Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Sơn Minh, một doanh nghiệp vận tải tuyến Hà Nội - Thái Nguyên cho biết: Sau giãn cách, nhà xe mới chạy được 50% công suất thì giá xăng, dầu liên tục tăng cao. Lượng hành khách đang ít, trong khi các chi phí phòng, chống dịch cao, thêm giá nhiên liệu tăng phi mã khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tôi mong trong thời gian sớm nhất, Nhà nước có phương án hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách như công nhân, sinh viên. Ngoài ra, Nhà nước nên giảm phí môi trường thu qua xăng dầu để tạo điều kiện cho vận tải hành khách, hàng hoá trong giai đoạn khó khăn.
Nghiên cứu giảm thuế xăng dầu
Giá xăng dầu tăng mạnh sẽ đẩy các mặt hàng khác tăng giá, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phục hồi, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Về lâu dài, Nhà nước có thể can thiệp về thuế, phí trong cơ cấu giá như duy trì thuế nhập khẩu hay thuế về môi trường ở mức hợp lý. Bộ Công thương cần đánh giá được mức độ thay đổi của thế giới và nguồn cung trong nước, từ đó có thể dự báo được giá xăng dầu trong tương lai. Ngoài ra, Bộ Tài chính là đơn vị đề xuất các chính sách về thuế, phí như thế nào để “hạ nhiệt” giá xăng dầu.
Đánh giá về ảnh hưởng từ việc giá xăng dầu tăng, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Giá xăng dầu tăng không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Ngoài ra, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng: Giá xăng tăng cao trong lúc kinh tế mở cửa trở lại sẽ ảnh hưởng đến đà hồi phục của doanh nghiệp, tạo thêm gánh nặng chi tiêu cho người dân. Giá xăng dầu nội địa còn phụ thuộc vào chính sách của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, có 2 nơi điều tiết là Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế. Hiện nay, 1 lít xăng dầu bán ra phải gánh 4 loại thuế: Giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường. Giá dầu thế giới hiện chỉ bằng 75% mức đỉnh năm 2014, nhưng giá bán lẻ gần bằng thời điểm đó, do thuế môi trường, tỷ giá chênh lệnh cao. Thuế môi trường như hiện nay là quá cao, không thay đổi theo giá thị trường, bất kể cao, thấp. Tại Nghị quyết 406 mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1-11 đến 31-12-2021 cho một số hàng hóa, dịch vụ sẽ được giảm thuế VAT, nhưng xăng dầu không được đề cập. Tuy nhiên, về lâu dài, giá xăng dầu tăng liên tục thì tốc độ tăng trưởng sẽ chững lại ngay và lạm phát lại tăng. Xăng dầu là nguồn thu thuế quan trọng của quốc gia, xem xét giảm thuế nào phải được cân nhắc kỹ.
Võ Hóa