Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình, phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyênngày 3-9-2021.
“Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp” là chỉ đạo mang tính bước ngoặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 trong bối cảnh nhiều quốc gia đã từ bỏ chủ trương “không có ca Covid-19 nào” để chuyển sang lựa chọn việc duy trì hạn chế lâu dài hoặc “sống chung” với dịch bệnh vì vi-rút SARS-CoV-2 sẽ tồn tại chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt và vẫn đang tiếp tục sản sinh ra nhiều biến thể khôn lường.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mỗi địa phương có những giải pháp, phương án riêng để đối phó với tình hình dịch bệnh trong khi chờ phổ cập tiêm chủng vắc-xin và có giải pháp để dần thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Tín hiệu đáng mừng
Hiện nay, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hệ thống MTTQ, tổ chức các đoàn thể, các tổ Covid cộng đồng và sự góp sức của các chiến sĩ Quân đội, Công an, tình hình T.P Hồ Chí Minh có tín hiệu “giảm nhiệt”, số ca mắc mới và số người tử vong đã giảm, trong đó quận 7 thông báo đã kiểm soát được dịch. Lãnh đạo thành phố đã giao quận 7 thí điểm cho tiến trình trở lại cuộc sống “bình thường mới” theo chỉ đạo của T.Ư cũng như mong muốn của người dân thành phố. Từ thực tế của địa phương, quận 7 đặt ra mục tiêu tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, có lộ trình từng bước mở lại từng ngành nghề. Quận dự định cho phép các mặt hàng kinh doanh thiết yếu và kinh doanh đường phố hoạt động trở lại từ ngày 20-9 đến 20-10. Điều kiện là người lao động phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, đảm bảo phương án kinh doanh, sản xuất an toàn theo bộ tiêu chí của thành phố. Thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ. Các cửa hàng này chỉ được bán mang về. Hộ kinh doanh đường phố đạt tiêu chí sẽ được gắn bảng "Hộ kinh doanh xanh và hộ kinh doanh an toàn".
Trong lúc này, Thủ đô Hà Nội cũng vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại 3 vùng, để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp. Quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý, dân cư, sinh hoạt, sản xuất.. Trong đó, vùng 1 - vùng nội đô tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn. Còn vùng 2 - phía Bắc, phía Đông sông Hồng và vùng 3 - phía Tây, phía Nam thành phố thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn.
Còn tại tỉnh Bình Dương, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh cũng đang tìm phương án phù hợp cho trạng thái “bình thường mới” đối với những người đã hoàn thành 2 mũi vắc-xin và 1 mũi sau khi đã tiêm được 20 ngày. Đây là tỉnh đầu tiên tính đến "hộ chiếu vắc-xin nội địa".
Ngày 4-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có thư ngỏ gửi toàn thể người dân T.P Hồ Chí Minh khuyến khích tự thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại nhà bằng test nhanh kháng nguyên có sự giám sát của nhân viên y tế. Theo ông, kết quả test nhanh của người dân sẽ là những thông tin có giá trị để đánh giá tình hình dịch bệnh, là "những viên gạch" góp phần xây “pháo đài” chống dịch của các phường, xã trong thành phố. Đây là giải pháp đúng, tuy nhiên hơi chậm vì trước đó hơn 20 ngày, đồng chí Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau có những khuyến cáo về việc thiếu an toàn y tế trong thao tác lấy mẫu test Covid-19 tập trung, dẫn đến lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Còn đó những băn khoăn...
Do không có quy định chung trong phòng, chống dịch, nên mỗi địa phương có những phương án riêng, trong đó có một số gây bức xúc dư luận hay “chết yểu” khi vừa được đề xuất.
Trong khi T.P Hồ Chí Minh để các ca F0 có triệu chứng nhẹ được phép điều trị tại nhà, thì câu chuyện khóa cửa cổng của 278 hộ dân có trường hợp F2 cách ly tại nhà những ngày qua khiến nhiều người băn khoăn, phản đối cách làm cứng nhắc của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nếu được sự đồng thuận của người dân thì việc khóa cổng trở nên thừa. Mặt khác, đây là vùng nông thôn, nếu ý thức người phải cách ly không tốt thì vẫn có cách “vượt cổng”, “vượt tường” mà không cần mở khóa. Ngoài ra, việc khóa cổng của các hộ dân sẽ gây nhiều khó khăn, hệ lụy khi gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo như tim mạch, huyết áp… cần phải đi bệnh viện cấp cứu hoặc gia đình gặp sự cố chập điện, cháy nổ cần lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Còn đối với T.P Hà Nội, giấy đi đường đang trở thành nỗi bức xúc của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bởi sự “luẩn quẩn” trong việc cấp giấy. Tháng trước, Hà Nội yêu cầu người dân khi đi đường, ngoài căn cước công dân, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị theo quy định trước đó, thì phải có thêm lịch trực, lịch làm việc. Quy định này ngay lập tức nhận được phản ứng tiêu cực của công luận và thành phố đã rút lại đề xuất này. Tới ngày 5-9, Công an Hà Nội chính thức thông báo quy trình cấp giấy đi đường theo mẫu mới, áp dụng từ ngày 6-9. Trước những phản ứng trái chiều của dư luận khiến thêm một lần nữa thành phố phải thu hẹp đối tượng cấp giấy đi đường mới. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cũng đang có những thắc mắc về việc giới hạn số lao động, ngành nghề được hoạt động… Ngoài ra, việc lập 39 chốt kiểm soát quanh “vùng đỏ” của Thủ đô để kiểm soát người dân từ ngoài vào trong và ngược lại khiến các phương tiện phải đi vòng và phải tụ tập ở các chốt chờ kiểm tra giấy tờ. Như vậy dẫn đến tình trạng dồn ứ, không thể tuân thủ giãn cách. Trong khi đó, trong nội đô, mỗi ngõ phố đều có chốt “vùng xanh” nên không ai từ ngoài vào khu dân cư được. Còn những người chạy qua trên đường thì nguy cơ lây nhiễm rất ít. Không những thế còn làm ảnh hưởng tới việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân ngoại thành, làm tăng giá cả thực phẩm trong khu vực nội thành - nơi có nhiều người gần 2 tháng nay không có thu nhập.
Trong tình thế cấp bách, việc các địa phương chủ động các phương án để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch là cần thiết, nhưng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Để có các giải pháp lâu dài cho trạng thái “bình thường mới” với phương châm “các xã, phường phải là pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ” thì rất cần có sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong phạm vi toàn quốc.
Hồ Thanh Hương