Ông Khoa ạ, bây giờ hàng hoá rất nhiều. Ông có hay đi chợ không. Ông nhận xét gì về sự đổi mới nhìn ở góc độ hàng hoá?

Nguyễn Bản

(Hội CCB huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương)

TRẦN ĐĂNG KHOA:

Những lúc rỗi rãi, tôi rất thích lang thang trong các siêu thị. Hàng hoá bây giờ rất nhiều. Chất lượng tốt. Mẫu mã lại đẹp. Hàng Nội, hàng Ngoại ganh đua nhau. Người mua thực sự đã thành Thượng Đế. Tôi không hiểu sao, có thời, chúng ta lại quan niệm "mua hàng Nội là yêu nước". Sao lại thế nhỉ? Yêu nước là phạm trù thuộc về tình cảm. Thậm chí đó là một tình cảm rất đỗi thiêng liêng. Còn mua hàng chỉ là chuyện nhỏ, rất cụ thể, tuân theo quy luật của giá trị sử dụng hàng hoá. Hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau, nên không thể nhập nhẹm được. Người ta có thể sẵn sàng xả thân vì sự sống còn của Tổ quốc, nhưng vẫn không thể mua hàng Nội, nếu như đó là một món hàng kém chất lượng.

Tôi chợt nhớ ông Raxun Gamzatov, nhà thơ nổi tiếng thế giới, người Đagextan mà bạn đọc Việt Nam đã từng biết đến qua tập thơ "Những ngôi sao xa xôi" và tập văn xuôi đặc sắc "Đagextan của tôi" đã được dịch ra tiếng Việt. Raxun rất yêu đất nước của mình. Đi đâu ông cũng mang theo bên mình nắm đất quê hương. Để nếu tuổi già, sức yếu, không may ngã xuống ở đâu, ông cũng vẫn nằm trên đất đai Tổ quốc. Ông còn mang cái làng quê nhỏ bé của mình ra làm thước đo đánh giá thế giới. Với con mắt Đagextan, ông thấy Thủ đô Matxcova là một thành phố méo mó, không hoàn thiện vì chẳng thấy có nhà nào đắp … phân bò lên tường để phơi. Cũng tương tự như thế, ông thấy những nhà tắm ở Pháp ở Ý chỉ là thứ đồ chơi thảm hại bằng chất dẻo. Chúng không thể sánh được với cái "nhà tắm" ở làng ông. Đó chính là con suối đầu nguồn lởm chởm những tảng đá hộc. Sáng sớm có thể ngửi thấy mùi sương non và mùi nước đái bò. Một người yêu nước được đến như thế kể cũng hiếm hoi lắm. Tôi đã đến thăm cả ba căn nhà của ông. Một nhà ở Makhatkala Đagextan và hai nhà ở Matxcova. Trong đó có một căn nhà ông tự bỏ tiền túi ra mua để đón người nhà, đón bạn bè đồng nghiệp, còn một nhà do Nhà nước phân vì ông là Đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô. Căn nhà của nhà nước cho, ông tiếp các chính khách và cử tri Xô Viết. Chỉ có điều, những hàng hoá vật dụng trong cả ba căn nhà sang trọng này, đều chẳng có cái gì của Đa Gextan, hay của Liên Xô và nói chung là của cả phe Xã hội chủ nghĩa. Những thứ duy nhất của Đagextan lại không thuộc về hàng hoá. Đó là nắm đất mà ba phần tư là đá và giờ Đagextan. Mỗi nhà, Raxun có hai đồng hồ chỉ giờ khác nhau. Một cái chạy theo giờ Matxcova. Một cái chạy theo giờ Đagextan. Giờ là giờ Đagextan, nhưng đồng hồ lại của Thuỵ Sĩ. Những vật dụng khác trong nhà cũng thế, chúng đều là hàng hoá của các nước Tư bản. Nhưng không phải vì thế mà ta lại quy kết Raxun đã chạy theo Tư bản, phản bội lại Tổ quốc mình.

Hàng hoá tiêu dùng và lòng yêu nước là hai phạm trù rất khác nhau. Người ta thường chọn hàng tốt. Còn hàng hoá ấy thuộc quốc gia nào thì chả có gì quan trọng. Hàng Nội mà tốt, dù không quảng cáo, khuyến mại, họ vẫn cứ mua. Ví như Bia Sài Gòn hay Bia Hà Nội. Đi đâu tôi cũng thấy cánh bợm nhậu của ta chọn hai loại bia này, mặc dù nó chẳng có khuyến mại bằng ô tô hay xe máy trao giải in sẵn trong nắp bia, cũng không cần mấy cô em xinh đẹp, mặc váy ngắn cũn cỡn, phô cặp đùi trắng nõn, đi từng bàn để chào hàng.

Tôi là một người nghèo. Rất nghèo. Vì nghèo nên tôi thường chọn mua những loại hàng có giá bán đắt nhất. Nếu không đủ tiền thì vay mượn để mua, Nói điều này như một sự nghịch lý, nhưng đúng là như vậy. Hàng tốt thì sẽ đắt. Hàng sao giá vậy. Mua đồ đắt tiền chính là cách tiết kiệm tiền tốt nhất. Mua xong là làm xong hẳn được một việc. Không phải lo chữa vặt, không phải nghĩ đến việc sắm lại, nghĩa là không phải bận tâm đến nó nữa. Và như thế, chúng ta không phải chỉ tiết kiệm tiền bạc, mà còn tiết kiệm được cả trí tuệ và thời gian. Cái đó còn quý hơn tiền bạc rất nhiều. Dân thi sĩ chúng tôi thường hay lơ mơ. Nhưng những người bán hàng thì lại lọc lõi. Chính họ đã chọn trước cho chúng ta rồi. Tiền nào thì của ấy. Hàng Nội cũng đâu có xoàng. Phích Rạng Đông của ta đắt hơn phích Trung Quốc nhưng người Việt lại chọn mua phích của ta. Giày vải giày da của ta cũng đã xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi nghĩ trong tương lai, hàng hoá Việt Nam sẽ có vị trí vững chắc trên thương trường, nếu Nhà nước thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho các xí nghiệp sản xuất phát triển, không phân biệt con nuôi con đẻ giữa công ty Nhà nước hay công ty tư nhân, miễn là làm ăn có chất lượng và hiệu quả. Công ty nào cũng đáng quý. Cũng như con cái trong một gia đình. Có đứa sống chung với bố mẹ. Có đứa tách ra ở riêng. Nhưng dù ở chung hay ở riêng, chúng cũng đều có trách nhiệm với bố mẹ trong việc nộp thuế, đóng góp, duy trì sự tồn tại và phát triển của cả cộng đồng gia đình. Thế thì tại sao lại phân biệt đối xử. Có khi cái đứa tách ra đi làm ăn xa ấy lại cần phải được thương hơn, vì nó sống độc lập, không ỷ vào bầu sữa của bố mẹ. Nhiều khi chính cái đứa dựa vào hơi sức bố mẹ lại thành kẻ đốt đình đốt chùa. Xem qua các vụ án kinh tế lớn trong mấy chục năm qua, chúng ta rất thấm thía điều đó. Chỉ khi nào không có sự phân biệt đối xử, lấy kết quả công việc làm thước đo, làm tiêu chí để ngân hàng cho vay vốn. Chỉ khi ấy, kinh tế hàng hoá của chúng ta mới thực sự phát triển.

T.Đ.K