Mô hình trường học bán trú tại 12/29 trường học của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã và đang giúp hàng trăm học sinh vùng cao được hỗ trợ ăn, ở tại trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, kỹ năng giao tiếp, vốn từ tiếng Việt của học sinh vùng cao, vùng DTTS.

Sau khi kết thúc giờ học trên lớp, đúng 17 giờ hằng ngày, học sinh Trường Tiểu học Huồi Tụ 2, huyện Kỳ Sơn, tập trung tại khu nhà bếp để nhận suất cơm tối. Để có được những suất cơm này, các thầy, cô giáo thay phiên nhau đi chợ làm bếp, lựa chọn thực phẩm an toàn cho các bữa ăn. Giáo viên của trường còn tổ chức tăng gia, trồng rau xanh, nuôi gà, lợn để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho học sinh.

Trường tiểu học Huồi Tụ 2 cách trung tâm huyện Kỳ Sơn hơn 35 km, nhà trường phụ trách 7 điểm bản với 100% là học sinh người Mông. Tỷ lệ gia đình hộ nghèo chiếm hơn 2/3 số học sinh toàn trường. Khi chưa có mô hình trường bán trú, học sinh của trường phải học ở 5 điểm trường lẻ ở các bản xa trung tâm, trong các ngôi nhà tạm làm bằng vật liệu thô sơ. Việc đi lại của giáo viên cũng rất khó khăn vì giao thông không thuận lợi.

Từ năm học 2016-2017 đến nay, khi mô hình trường học bán trú được triển khai, nhà trường đã đưa học sinh ở điểm trường lẻ về điểm trung tâm. Thầy Nguyễn Thế Vĩnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 cho biết: Từ khi triển khai mô hình trường học bán trú, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng không còn, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. 100% phòng học mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Các em được ăn, ở với điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo nên phụ huynh yên tâm gửi con em tại trường.

Cô giáo Vừ Y Dở - giáo viên Trường tiểu học Huồi Tụ 2 bày tỏ: Học sinh khi về điểm chính còn quá nhiều bỡ ngỡ do khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng sống còn hạn chế, lại chịu những ảnh hưởng về phong tục tập quán nên việc tổ chức ăn, ở, sinh hoạt tập thể cũng nhiều bất cập.

Qua 4 năm thực hiện, mô hình bán trú ở huyện Kỳ Sơn đã mang lại hiệu quả tích cực và mở ra triển vọng nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Không những thế, mô hình bán trú tạo ra một môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, khắc phục tình trạng “học sinh ngồi nhầm lớp”. Các hoạt động ngoại khóa như thể dục thể thao, chơi các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn nghệ, tăng gia sản xuất... giúp học sinh được mở rộng nhận thức xã hội, mạnh dạn tự tin, rèn luyện kỹ năng sống, hình thành nếp sống tự lập, góp phần thay đổi những tập tục lạc hậu, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là nền tảng căn bản để các nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển một cách ổn định và bền vững.  

Với huyện miền núi nhiều khó khăn như Kỳ Sơn, việc thực hiện mô hình trường học bán trú không dễ dàng. Để chất lượng giáo dục vùng cao ngày càng được nâng lên đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được nhiều mô hình trường học bán trú hơn nữa.

Bích Huệ