Tháng 7 và 8 năm nay có thể gọi là “tháng thúc đẩy chiến lược thực chất” của Mỹ hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi các chuyến thăm của các các lãnh đạo cấp cao của Mỹ liên tục được thực hiện ở khu vực. Nước Mỹ đang hồi phục mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19 và sẽ vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để bảo vệ lợi ích của mình cũng như giải quyết nhưng vấn đề của khu vực và thế giới.
Ngày 30-7, phát ngôn viên của Phó tổng thống Mỹ - Kamala Harris cho biết: Bà Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam và Singapore vào tháng 8 để thảo luận về an ninh khu vực, đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, cũng như “tăng cường mối quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế với hai đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quan trọng của Mỹ”.
Có thể thấy chuyến thăm của bà Harris có ý nghĩa hết sức quan trọng, chứng tỏ sự quan tâm của Mỹ tới khu vực. Đặc biệt, chuyến thăm này diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ - Anthony Blinken thăm Ấn Độ ngày 27 và 28-7, song hành cùng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin thăm Singapore, Việt Nam và Philippines; Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - Wendy Sherman thăm Hàn Quốc và Trung Quốc; Tư lệnh Tuần duyên Mỹ - Đô đốc Karl L. Schultz tới Guam để ra mắt tàu tuần duyên mới tăng cường thêm cho khu vực. Bên cạnh đó, những chuyến bay chở vắc-xin ngừa Covid-19 của Mỹ liên tiếp chở vắc-xin miễn phí của Mỹ tặng các nước trong khu vực mà theo phát biểu của phía Mỹ là tặng “không điều kiện” và sẽ còn tặng nữa.
Truyền thông quốc tế đưa tin, chuyến thăm Trung Quốc của bà Sherman cho thấy thiện chí đối thoại của Mỹ để giải quyết những mâu thuẫn hiện nay giữa hai nước nhưng không đạt được kết quả khả quan. Đã thế, trong cuộc hội đàm tại Seoul, bà Sherman đặt vấn đề đưa Hàn Quốc gia nhập nhóm “Bộ tứ”, bao gồm 4 nước: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia. Tháng 5-2020, Mỹ đánh tiếng mời một số nước tham gia “Bộ tứ” với tư cách “đối thoại viên”, bao gồm Hàn Quốc và New Zealand. Ý định mở rộng nhóm “Bộ tứ” của Mỹ khiến Trung Quốc lo ngại viễn cảnh về một “NATO phương Đông” nhằm kiểm soát họ hơn nữa, bất chấp Mỹ tuyên bố mục đích của “Bộ tứ” là nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và đưa nền kinh tế thế giới tiến lên phía trước sau đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, chuyến thăm của các quan chức khác được đánh giá rất thành công, nhất là của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - quan chức cao cấp đầu tiên trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden tới thăm Đông Nam Á. Bộ trưởng Lloyd Austin đã tận dụng chuyến thăm này để trấn an các nước rằng Mỹ không hề xao lãng khu vực mà vẫn duy trì cam kết với các đồng minh và đối tác, trước những thách thức ông mô tả là hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Đông Nam Á không được chú trọng khi ông Trump không dự một số cuộc họp thượng đỉnh do ASEAN dẫn dắt. Vì thế, chuyến thăm lần này là nhằm để Đông Nam Á “hiểu rằng Mỹ vẫn coi trọng khu vực và họ sẽ không ngồi yên để bị lấn át sức ảnh hưởng ở khu vực này.
Một trong những nỗ lực này là việc lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đề cập tới chính sách “Xây lại tốt đẹp hơn” ở khu vực. Đây là chính sách nhằm giúp đỡ các quốc gia phục hồi sau dịch, cạnh tranh với các sáng kiến tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Hơn thế, bằng cách đề cập thẳng thắn về chính sách quốc phòng của Mỹ trong thời gian tới, Bộ trưởng Austin cũng nhắc tới khái niệm “răn đe tích hợp”. Theo giới phân tích, nước Mỹ muốn cải thiện và nâng cao năng lực quốc phòng, thậm chí cả an ninh mạng của các quốc gia đồng minh, đối tác ở khu vực để sau đó có thể tích hợp các chiến lược ngăn chặn các mối đe dọa an ninh ở khu vực.
Các chuyến thăm tới tấp tới khu vực của các quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Biden nhằm tái khẳng định Mỹ là đối tác đáng tin cậy trong các vấn đề an ninh khu vực, cũng như cam kết hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng chống Covid-19 và phục hồi sau đại dịch. Trong sự lặng lẽ của những làn sóng dịch Covid-19, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ lại sôi động khi Mỹ chủ động xích lại gần hơn với khu vực khi những mâu thuẫn Mỹ - Trung vẫn chưa được hoá giải. Trước khó khăn do Covid-19 cùng sức ép ngoại giao gây ra, các nước trong khu vực lại phải chứng tỏ rõ lập trường của mình để hợp tác vì một khu vực hoà bình và phát triển.
Thanh Huyền