Trong cuốn “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” (GS. Nguyễn Lân - NXB Từ điển Bách khoa, 2002), không có từ “tích hợp” mà tác giả chỉ giải thích riêng rẽ như sau: “Tích: Chứa lại - dồn lại - kết quả của phép nhân” (trang 709) và “ Hợp: Họp lại - giống nhau - đúng với” (trang 328).
Có thể hiểu “tích hợp” là môn học mà kiến thức nhiều môn được dồn lại vì chúng tương đồng nhau, giống nhau thành một môn!
Nhưng khâu biên soạn sách không làm được như thế, tức là không tìm ra được những kiến thức “giống nhau, tương đồng nhau” mà chỉ là những kiến thức biệt lập, đặc trưng của từng môn học và lắp ghép cơ học với nhau.
Hậu quả là không giáo viên nào dạy tốt, đảm bảo yêu cầu kiến thức của các môn tích hợp. Ví dụ: Giáo viên được đào tạo đơn môn Lịch sử không thể dạy tốt môn Địa lý được và tương tự các môn tích hợp khác.
Theo tôi hiểu, trong quá trình giảng dạy, nếu có tích hợp kiến thức khi có những kiến thức tương đồng. Từ đó, kiến thức bài học được mở rộng, được nâng cao và sâu sắc thêm.
Cái gọi là môn “tích hợp” được lắp ghép thô thiển như hiện nay quả là nhiều phen cười ra nước mắt! Nó gây khó cho nhà trường trong việc phân công chuyên môn giảng dạy, gây khó cho giáo viên.
Mặc dù có tập huấn dạy tích hợp 3 tháng có tính chất “chữa cháy” đơn thuần; có “Giấy chứng nhận” hẳn hoi nhưng làm sao dạy tốt vì đó chỉ là việc “hợp thức hóa”... bằng cấp, giấy tờ!
Nực cười nhất là một môn trong “tích hợp” vẫn do ba ông thầy dạy riêng rẽ; đúng “tua” 3 tháng lại tiếp người khác. Bài kiểm tra do hai người chấm và điểm số là bình quân của các môn.
Thử hỏi liệu kiến thức của từng môn sau 3 tháng thì học sinh còn nhớ không? Và quan trọng nhất là kiến thức các môn tích hợp có hỗ trợ nhau không? Hay chỉ là một mớ hổ lốn, cái nọ xọ cái kia, rút cục là... không nhớ cái gì!
Rõ ràng “tích hợp” mà không hợp bởi sự nóng vội, không có sự chuẩn bị bài bản, dài hơi nên càng dạy càng bộc lộ nhiều bất cập!
Mong rằng các cấp chú ý lắng nghe từ cơ sở, từ thực tiễn dạy và học của giáo viên và học sinh và ý kiến của phụ huynh, của xã hội.
Nếu sai thì phải sửa, đó là việc bình thường. Và nên chăng trả các bộ môn về như trước để giáo viên dạy đúng môn học, ngành học của mình được đào tạo. Vì mỗi giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn; môn học đúng với khả năng của mình...
Lê Đức Đồng