Gần đây, dư luận rất bức xúc trước tình trạng một vài CCB, trong đó có cả cán bộ cấp Tướng nghỉ hưu mắc bệnh “công thần” khi có những hành động, việc làm trái quy định của Đảng và luật pháp của Nhà nước.

Đặc biệt, việc một cán bộ cấp Tướng từng được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, còn có những phát ngôn thể hiện sự thiếu hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; xuyên tạc sai lệch về các đồng chí lãnh đạo đương nhiệm của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng khiến dư luận phẫn nộ, lên án.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chống bệnh “công thần”. Người cho rằng: “Vì bệnh công thần nên sinh ra nhiều cái thiếu: Thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật. Nếu một Đảng cách mạng thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật thì Đảng ấy có thành Đảng cách mạng không? Vì vậy, chúng ta phải chống lại bệnh cá nhân, bệnh công thần” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, NXB CTQG, Hà Nội, tr.608). Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề cập đến bệnh công thần: “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng”. “Có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng”... “Đánh được vài trận, hoặc làm được vài việc gì ở địa phương đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ rồi. Nào có biết so với công cuộc giải phóng cả dân tộc thì những thành công đó chỉ là một chút cỏn con, đã thấm vào đâu!”.

Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII của Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ như: “kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ”; “lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”; “đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước”; “móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước”. Đối chiếu những biểu hiện này có thể thấy, từ mắc bệnh “công thần”, vị cán bộ cấp Tướng với những phát ngôn hàm hồ kia đã và đang trượt vào con đường “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất nguy hiểm.

Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: “Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi người có một sứ mệnh của mình. Có người có thể lập chiến công trong một giai đoạn nhất định, nhưng lợi dụng để vỗ ngực, kể công thì không nên. "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Trong cuộc sống, nếu không giữ được phẩm chất, giữ được truyền thống thì người đó sẽ tự xóa bỏ danh dự của mình. Làm Tướng, khi còn đương chức hay đã về hưu, thì trước hết cũng là một người dân. Hãy làm tròn bổn phận của một người dân đi đã. Anh có quyền đóng góp, có quyền phát ngôn nhưng không được hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ, bóp méo hình ảnh đồng chí, đồng đội của mình. Ở tầm của một vị Tướng khi phát biểu thì phải đặt lợi ích của Quân đội, của nhân dân lên trên, đừng để bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. Mình phải giữ được truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, đó là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân”.

Thượng tướng Võ Tiến Trung - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cũng bày tỏ: “Đáng buồn là công thần xuất hiện cả với những người là Tướng lĩnh quân đội. Người cán bộ hư hỏng đó là nỗi đau rất lớn với chúng tôi khi nhắc đến. Trong chiến tranh, đồng đội, chiến sĩ của chúng tôi hy sinh, chúng tôi rất đau đớn, nhưng chúng tôi vẫn được an ủi bởi đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do. Tổ quốc, nhân dân sẽ ghi công họ. Nhưng bây giờ có người “chuyển hóa” như thế là mất đi một người Tướng, mất mát này là rất đau đớn”.

“Quay đầu là bờ”, truyền thống của nhân dân Việt Nam là “đánh kẻ chạy đi, không bao giờ đánh kẻ chạy lại”. Ở thời điểm này, nhân dân, đồng đội vẫn mong bất cứ ai có biểu hiện “công thần” hồi tâm, chuyển ý, nhận ra sai lầm của mình, nghiêm khắc tự phê bình trước Đảng, ra sức khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm đã mắc phải. Trong thời gian mấy năm gần đây, chúng ta từng chứng kiến có những người từng là lãnh đạo cấp cao bị tước danh hiệu Anh hùng LLVTND; nhiều Tướng lĩnh Quân đội, Công an bị kỷ luật và phạt tù. Đó là những chuyện rất đau lòng nhưng vì kỷ luật của Đảng, kỷ cương của xã hội nên Đảng, Nhà nước kiên quyết làm. Đó cũng là những gương tày liếp cho những ai đang sa vào bệnh “công thần” hiện nay.

Khánh Hoàng