Thượng tướng Nguyễn Văn Được và Phu nhân (hàng trên, thứ 6 và thứ 7 từ phải sang) cùng Đoàn công tác Cơ quan T.Ư Hội CCB Việt Nam thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Điểm cao 468, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
Trở lại Vị Xuyên đúng vào dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Anh hùng LLVTND; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Trưởng đoàn cán bộ T.Ư Hội không giấu được sự xúc động bồi hồi.
Bản thân ông là một vị tướng dày dạn trận mạc, trực tiếp chiến đấu rất nhiều trận và chỉ huy chiến đấu ở nhiều cấp suốt cả hai cuộc chiến tranh - chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trên mình mang nhiều thương tích của chiến tranh; nếu không có ý chí, nghị lực và quá trình rèn luyện kiên trì, bền bỉ suốt từ thời còn trẻ thì không thể có sức khỏe, trí tuệ để cống hiến và công tác như hiện nay…
Ở mặt trận Vị Xuyên khốc liệt gần 40 năm về trước, ông chỉ huy Sư đoàn 356 bám trụ kiên cường giữ vững từng tấc đất, mô đá thiêng liêng của Tổ quốc; bao cán bộ, chiến sĩ, đồng đội đã ngã xuống nơi này. Bởi hồi đó Vị Xuyên là điểm nóng nhất trên toàn tuyến biên giới phía Bắc; đỉnh điểm có ngày quân địch từ bên kia biên giới bắn vào đất ta 30.000 quả đại bác trong khoảng chiều rộng 5km, chiều sâu 3km. Cả một vùng núi đá trắng xóa như vôi nên nơi đây được gọi là “lò vôi thế kỷ”. Có cán bộ đã qua chiến trường thời chống Mỹ phải thốt lên: “Còn hơn cả bom rải thảm B.52”.
Còn hôm nay, khi Đoàn đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, thời tiết đầu giờ buổi chiều nóng như đổ lửa xuống sân xi măng trước Tượng đài Tổ quốc ghi công, nơi vốn có mái che, nhưng để phục vụ cho cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” tối 27-7 nên đã tạm tháo dỡ.
Đồng chí Trưởng ban quản lý Nghĩa trang băn khoăn lo cho sức khỏe của các thành viên Đoàn công tác, gợi ý có thể chỉ thắp hương? Nhưng Thượng tướng Nguyễn Văn Được vẫn quyết tâm thực hiện Lễ viếng, dâng hương như kế hoạch, bởi ông muốn dành cho đồng đội những phút giây thiêng liêng nhất khi được trở lại mảnh đất đã thấm máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ, trong đó nhiều anh em thuộc quyền chỉ huy của ông hồi ấy..
Không có điều kiện để thắp hương hết cho 1.864 đồng đội đã về tụ hội, ông đã thỉnh 9 tiếng chuông báo tin ông và các đồng đội một thời trận mạc về thăm; rồi ông quyết định điều chỉnh kế hoạch chuyến đi, đó là lên tiếp Đài tưởng niệm các liệt sĩ ở Điểm cao 468. Ông bảo: Chúng ta lên ngay thôi! Ở trên đó đồng đội đang chờ. Trong khói hương nghi ngút và âm hưởng bài hát “Về đây đồng đội ơi” như còn văng vẳng đâu đây, ông xúc động ghi vào sổ lưu niệm: “Đoàn cán bộ T.Ư Hội CCB Việt Nam vô cùng xúc động bày tỏ tình cảm trân trọng, biết ơn các anh hùng liệt sĩ và cán bộ, chiến sĩ đã xả thân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; góp phần tô thắm truyền thống yêu nước, anh hùng của nhân dân ta, quân đội ta; bồi đắp niềm tự hào và ý thức trách nhiệm thiêng liêng của cán bộ, hội viên CCB Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng”.
Cũng tại mảnh đất Vị Xuyên, Đoàn công tác thăm, tặng quà Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ CHQS tỉnh Hà Giang. Từ khi thành lập, năm 2018 đến nay, cùng với nhiều nguồn thông tin và một số lực lượng khác, Đội tìm kiếm, quy tập được 108 hài cốt liệt sĩ và một ngôi mộ tập thể đưa về nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Nói chuyện, động viên anh em trực tiếp đi tìm đồng đội, Thượng tướng Nguyễn Văn Được căn dặn: Đồng đội chúng ta còn nằm ở hang đá, thung sâu, nhiều nhất là ở Nậm Ngặt, 772…, cố gắng tìm đưa anh em về.
Tiếp tục hành trình của chuyến đi, Thượng tướng Nguyễn Văn Được cùng Đoàn công tác thăm, làm việc với Hội CCB tỉnh Hà Giang. Tại đây, Chủ tịch trao tặng kinh phí hỗ trợ để xây 2 ngôi nhà và 20 suất quà cho CCB, Mẹ Việt Nam Anh hùng và các đối tượng chính sách. Tiếp đó, Đoàn trở về “Thủ đô kháng chiến” Tuyên Quang trao tặng kinh phí hỗ trợ để xây 1 ngôi nhà và 10 suất quà. Khánh thành 3/5 “Nhà đồng đội”, “Nhà tình nghĩa” do T.Ư Hội hỗ trợ 80 triệu đồng/căn; kiểm tra tiến độ xây dựng 2 Nhà văn hóa thôn do T.Ư Hội đầu tư theo Chương trình Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư đối với xã Bình Yên, huyện Sơn Dương. Cũng trong dịp này, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng xã Bình Yên 100 triệu đồng để mua con giống.
Một hoạt động nữa có ý nghĩa trong dịp này là sự phối hợp giữa 5 tổ chức, đơn vị (Công đoàn Cơ quan T.Ư Hội, Làng Hữu nghị Việt Nam, xã Bình Yên, Hội CCB huyện Sơn Dương, Z113, Z129) đã tổ chức đêm liên hoan văn nghệ “Giai điệu tự hào” rất sôi động và hấp dẫn; tiếp đó là thăm, khám, cấp thuốc cho 400 người dân trong xã; được lãnh đạo huyện, tỉnh và bà con trong xã Bình Yên ghi nhận và đánh giá cao.
Được tham gia Đoàn công tác, tôi cũng có dịp trở lại ngã ba Cốc Nghè - nơi đây được mệnh danh là “cửa tử”; cua chữ A, cánh lính vận tải gọi là “Cua tử thần”; rồi “Thác âm phủ”, “Thung lũng gọi hồn” - nơi chứng kiến biết bao đồng đội hy sinh vì “pháo bầy’ của Trung Quốc… Cùng với đó là các điểm chốt ở các điểm cao 1100 , 600, 685, đồi Tròn, Nậm Ngặt, “Không tên”… Mỗi điểm đều có những kỷ niệm khó quên, nhất là điểm tựa “Bốn hầm”. Có thể nói, đây là điểm chốt gian nan nguy hiểm nhất trong hệ thống phòng ngự của ta hồi đó. Bởi trước hết đây là núi đá, không thể đào hầm trú ẩn và công sự chiến đấu được mà phải dựa vào các hang hốc. Cả khu vực chỉ có 4 hang cải tạo thành “hầm”, còn lại là hốc, mỗi hốc chỉ một, hoăc hai người vừa ở vừa làm công sự chiến đấu, chật chội, gò bó vô cùng. Bộ đội phải 6 tháng luân phiên đổi ca trực… Khi xuống núi có người đi không vững do suốt ngày đêm ở trong hốc đá, vì ta và địch chỉ cách nhau một tầm ném lựu đạn; thậm chí có hốc chỉ vài chục mét…
Năm 1989, Vị Xuyên không còn tiếng pháo, nhưng cạm bẫy của vật liệu nổ còn khủng khiếp lắm. Tháng 11-1991, hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ; với sự nổ lực của hai bên, từ đó biên giới Việt - Trung nói chung, Vị Xuyên nói riêng mới dần dần bình yên trở lại và cho đến nay, khi quan hệ hai nước nồng ấm hơn, đã trở thành tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại ngày nay.
Năm tháng qua đi, nhưng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mãi mãi là những năm tháng bi hùng. Nhắc lại, không phải khơi gợi sự hận thù mà nhắc ta không được quên lãng một thời kỳ lịch sử, cả dân tộc, trực tiếp là quân và dân ta ở tuyến đầu đã anh dũng chiến đấu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc đang bị ngoại bang xâm lấn. Máu xương của các anh, các chị đã tan hòa vào lòng đất đá biên cương. Nhân dân mãi mãi biết ơn, Tổ quốc mãi mãi ghi công các anh, các chị.
Tôi viết, ôn lại những kỷ niệm hào hùng ấy, như một nén tâm nhang gửi tới các đồng đội thân yêu, trong đó có Nguyễn Bá Nam - bạn thân cùng nhập ngũ, cùng xóm nhỏ quê hương tôi đã ngã xuống nơi chiến trường Vị Xuyên năm đó.
Vị Xuyên ngày 26-7-2022
Hồ Bá Vinh