Dấu hiệu nhận biết khi bị tụt huyết áp.

Người bình thường, trị số huyết áp thường là 120/80mmHg. Nếu trị số huyết áp dưới 90/60mmHg được cho là mắc bệnh huyết áp thấp. Đối với người già, người có bệnh mạn tính nếu đo huyết áp ở mức thấp cần điều trị, bởi điều này có thể gây nguy hiểm do máu không đến đủ tim, não hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.

Triệu chứng huyết áp thấp

Cảm giác hoa mắt, chóng mặt: Thường xuất hiện vào những lúc bạn thay đổi vị trí như đứng dậy sau khi ngồi quá lâu, đứng trong nhiều giờ liền hoặc ngay sau bữa ăn. Khi đó bạn sẽ cảm thấy mọi vật thể như đang xoay tròn xung quanh và không thể kiểm soát được.

Đau đầu: Cơn đau đầu sẽ nặng hơn sau mỗi lần não căng thẳng hoặc hoạt động thể lực nặng. Mỗi người có mức độ và tính chất đau đầu khác nhau, thường đau nặng hơn ở vùng đỉnh đầu. Có lúc đau ở mức độ nặng hơn, vừa đau vừa bị tê nhức.

Da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt: Khi huyết áp tụt, chân tay của bạn thường có cảm giác bị tê cóng và lạnh ở bên trong cơ thể. Nguyên nhân là do cơ thể bạn không thể duy trì việc cung cấp đủ máu và oxy đến da. Trong trường hợp này, giải pháp khắc phục là bạn nên uống ngay một ít thức uống nóng để tạo nhiệt cho cơ thể.

Nhịp thở nhanh, nông: Khi huyết áp xuống quá thấp, cơ thể bạn bị thiếu oxy nghiêm trọng, khiến các cơ quan không thể thực hiện được các chức năng bình thường. Tình trạng này sẽ gây cản trở hoạt động của tim và não, khi đó sẽ dẫn đến triệu chứng khó thở.

Mệt mỏi: Dấu hiệu này thường xuất hiện vào buổi sáng, người bệnh cảm thấy tinh thần mệt mỏi, chân tay tê buồn rã rời không có sức sống. Sự mệt mỏi này có thể liên quan đến rối loạn chức năng hệ thần kinh do các cơ bị co thắt quá mức.

Ngất (xỉu): Khi bị hạ huyết áp ở mức độ nghiêm trọng bệnh nhân có thể sẽ có triệu chứng của ngất xỉu. Nếu không kịp phòng tránh việc rơi vào cơn ngất xỉu đột ngột sẽ dẫn đến gãy xương và chấn thương cơ thể khác.

Thiếu tập trung: Vì khi cơ thể hạ huyết áp thì máu sẽ không thể di chuyển đến não với tốc độ bình thường, từ đó khiến các tế bào não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động bình thường. Chính điều này là nguyên nhân gây cản trở khả năng tập trung ở người huyết áp thấp.

Buồn nôn: Cảm giác lợm giọng và buồn nôn là dấu hiệu khi huyết áp bị thấp. Biện pháp khắc phục hiệu quả là bạn nên nhấm nháp một ít nước chanh như vậy sẽ giảm cảm giác buồn nôn.

Cách phòng bệnh huyết áp thấp

Về chế độ dinh dưỡng: Người bệnh nên ăn mặn hơn người bình thường. Ăn nhiều chất dinh dưỡng, đủ bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Trong chế độ ăn uống hằng ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi. Một số thức ăn đồ uống có tác dụng tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu, nho khô, hạnh nhân, trà cam thảo, gừng rất tốt cho việc kiểm soát huyết áp thấp. Không nên dùng những thức ăn có tính lợi tiểu như: rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô... Uống nhiều nước có thể giúp tăng thể tích máu, làm giảm một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây ra huyết áp thấp. Tránh sử dụng đồ uống có cồn.

Về sinh hoạt: Người bệnh nên sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc (7-8h/ngày); khi ngồi dậy cần phải từ từ, nằm ngủ nên gối đầu thấp, chân cao; tắm nước nóng để tăng cường lưu thông máu nhưng không được tắm quá lâu; giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh xúc động quá mạnh như sợ hãi, lo lắng, buồn nản có thể càng làm huyết áp hạ thêm; tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, tránh các môn thể thao dễ gây chóng mặt như nhào lộn, nhảy, điền kinh.

Thành An