Tựu Trường là một trong 70 bài thơ tình tiêu biểu, in trong tập “Thơ tình Nguyễn Bính” do Sở Văn hóa thông tin Hà Nam Ninh (cũ) xuất bản năm 1988, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của tác giả (1918-1988).

Chỉ với bốn cặp lục bát (8 câu) nhưng bài thơ đã khắc họa được cảnh tựu trường đẹp như một bức tranh, vừa sinh động, lại vừa lãng mạn giàu chất thơ. Ở đây, tác giả lấy bối cảnh là nữ sinh Huế (Trường Đồng Khánh chăng?). Điều này có thể lý giải: Thứ nhất nam sinh tính hiếu động, nghịch ngợm (“nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”). Thứ hai: Nếu nói về nữ giới thì từ xưa tới nay gái Huế vẫn được đánh giá là dịu dàng, nói năng truyền cảm. Nói riêng vùng đất cố đô là vậy. Còn nói chung Việt Nam thì hình ảnh nàng Kiều của cụ Nguyễn Du vẫn thường được dùng để so sánh với vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ (đẹp như Kiều). Trong thơ ca cũng thấy thấp thoáng có bóng Kiều:

“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” - (Tây Tiến của Quang Dũng)

“Những nàng kiều nữ sông Hương” - (Tựu trường của Nguyễn Bính)

Người đọc cảm nhận được tính hàm súc của bài thơ ngay từ câu mở đầu. Như đã phân tích ở trên, câu thơ vừa mang nét chung của Việt Nam (kiều nữ) lại vừa có cái riêng của xứ Huế (sông Hương). Lấy cái riêng: nữ sinh Huế để miêu tả cái chung: ngày tựu trường, đó cũng là sự lựa chọn khéo léo của tác giả.

Ở câu thứ hai, vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết của nứ sinh nói chung, Huế nói riêng được tác giả phát hiện và mô tả hết sức tinh tế. Thông thường ở tuổi học sinh, con gái chưa có thói quen trang điểm son phấn. Phải chăng, vì thế mà tác giả đã viết:

“Da thơm là phấn, môi hường là son”. Câu thơ tứ đã đẹp, từ lại hay!

Quang cảnh tựu trường được tác giả miêu tả khá sinh động. Không khí đông đúc, náo nức, nhộn nhịp như hiển hiện trong cặp lục bát thứ hai (câu 3, câu 4)

“Tựu trường san sát chân thon

Lao xao nón mới, màu sơn sáng ngời”.

Thời trước, nữ sinh các trường - nhất là những trường thuần nữ như Trưng Vương - Hà Nội, Đồng Khánh - Huế, Gia Long - Sài Gòn, đều mặc áo dài truyền thống, đội nón lá đến trường, nhưng chỉ có “Những nàng kiều nữ sông Hương” mới đạt tới độ điển hình: “Lao xao nón mới, màu sơn sáng ngời”, bởi những chiếc nón “bài thơ” nổi tiếng về nét duyên dáng và cả sự kiêu sa, quý phái nữa.

Ở cặp lục bát thứ ba và thứ tư (nửa cuối bài thơ) giữa cảnh với tình hòa quện vào nhau, tạo nên sự lãng mạn, giàu chất thơ của ngày tựu trường. Người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của mỗi nữ sinh cả về bề ngoài lẫn nội tâm. Không chỉ có:

“Gió thu cứ mãi trêu ngươi

Đôi thân áo rộng tơi bời bay lên”.

Mà còn có cả sự “bay lên”  phơi phới của niềm vui gặp lại thầy cô, bè bạn trong ngày đầu tiên của năm học mới.

Bài thơ kết thúc bằng một cử chỉ đẹp, lãng mạn, rất nữ tính, điệu đà nhưng lại đáng yêu:

“Vội vàng những ngón tay tiên

Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường”.

Tựu trường là một bài thơ hay, đi vào lòng người ở chỗ: nó làm thức dậy những kỷ niệm, những dấu ấn có thể nói là đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người. Dù thời gian qua đi lâu, mau bao nhiêu, nhưng hễ cứ đến ngày tựu trường là lại khiến người ta bồi hồi nhớ lại tình cảm thầy trò, bạn bè và cả ngôi trường thân yêu nữa. Vì thế tựu trường bao giờ cũng đẹp, chỉ có điều: Mỗi thời ẩn chứa mỗi cái đẹp khác nhau.

Bằng phong cách thể hiện đậm sắc dân tộc, tác giả đã giúp cho bạn đọc (kể cả những người đã trưởng thành hay đang trên chặng đường học hành) thấy được cái đẹp, cái ý nghĩa nhân văn của ngày tựu trường. Bài thơ đã để lại ấn tượng đẹp, sâu sắc về một xã hội học tập trong lòng bạn đọc.

Nguyễn Văn Cự