Buổi lễ tưởng niệm 511 nhà báo liệt sỹ được tổ chức nghiêm trang, trọng thể tại Chùa Âu Lạc (chùa Da)

Chiều tối ngày 27-7, tại chùa Âu Lạc, xã Hưng Lộc, TP.Vinh, Nghệ An đã tổ chức lễ tưởng niệm, thắp hương tri ân 511 anh linh nhà báo liệt sỹ hi sinh qua các cuộc kháng chiến nhân kỷ niệm 76 năm ngày thương binh, liệt sỹ.

Buổi lễ đã được tổ chức trang nghiêm với sự có mặt đông đủ của các phóng viên, nhà báo đang công tác tại khu vực Bắc Trung Bộ và các cơ quan quản lý báo chí tại địa phương. Đại đức Thích Đồng Tuệ, Trụ trì chùa Âu Lạc đại diện chư tăng và các nhà báo đang công tác, làm việc tại khu vực Bắc Trung Bộ làm lễ tưởng niệm, tri ân các nhà báo liệt sĩ.

Danh sách 511 nhà báo liệt sỹ được chủa Âu Lạc tiếp nhận danh sách và thờ phụng từ năm 2020. Các nhà báo liệt sỹ này quê ở khắp cả nước và đã hy sinh trong ba cuộc kháng chiến trường chinh của đất nước.

511 nhà báo liệt sỹ hy sinh trong ba cuộc kháng chiến của dân tộc được thờ phụng tại chùa Âu Lạc từ năm 2020 đến nay

Danh sách tên tuổi, quê quán, đơn vị công tác khi hy sinh của các nhà báo liệt sỹ này được nhà báo Trần Văn Hiền - nguyên TBT Báo Nghệ An, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Nghệ An đi nhiều nơi, đến nhiều đơn vị tổng hợp trong 15 năm liền.

“Những chiến sĩ, bộ đội thời đó chỉ biết có nhà báo đi cùng tác nghiệp, nhưng ít người nhớ về họ. Vì thế, tôi quyết định đi tìm, tổng hợp được 511 nhà báo đã hy sinh trong 3 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Tôi luôn nghĩ hơn 500 người đều có quê quán, nơi công tác. Ở đất nước mình, khi đó có bao nhiêu cơ quan báo chí thì có bấy nhiêu người vào chiến trường. Và tôi quyết định đến từng cơ quan báo chí để tìm hiểu”, ông Trần Văn Hiền chia sẻ.

Các cơ quan có nhiều nhà báo liệt sỹ hy sinh trong các cuộc kháng chiến như: Thông tấn xã Việt Nam có 287 nhà báo đã hy sinh; Điện ảnh Quân đội có 78 nhà báo liệt sĩ; Đài tiếng nói Việt Nam có 70 nhà báo liệt sĩ…

Có mặt tại lễ tưởng niệm ông Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Nghệ An cho biết: “Anh linh nhà báo cách mạng Việt Nam vì nước quên mình, sống oanh liệt, hy sinh cũng oanh liệt vì mục tiêu phụ sự nhân dân, đất nước. Nhà báo Trần Văn Hiền là người tiên phong đi tìm hiểu, tổng hợp danh sách, ghi công và ghi danh các nhà báo đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Đây là việc làm ý nghĩa để giúp các nhà báo có dịp tri ân, giáo dục truyền thống cho đội ngũ làm báo hôm nay”.

Xuân Hòa