Thủ tướng Đức - Angela Merkel trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ - Joe Biden tại Nhà Trắng, ngày 16-7-2021.
Nếu Thủ tướng Nhật Bản - Suga Yoshihide là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới Washington từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, thì bà Angela Merkel lại là nguyên thủ đầu tiên ở châu Âu tới thăm Mỹ kể từ khi ông Biden lên nắm chính quyền.
Chuyến thăm Washington cuối tuần qua của Thủ tướng Đức - Merkel vừa như lời chào tạm biệt với Tổng thống Biden, dù hai người mới gặp nhau ở Hội nghị G7 tại Anh cách đây không lâu khi ông Biden có chuyến công du đầu tiên tới châu Âu, vừa để cài đặt lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn bị sứt mẻ dưới thời của ông Trump.
Nói là chuyến thăm tạm biệt bởi tháng 9 này sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức và nước Đức sẽ có một Thủ tướng mới, bởi bà Merkel đã tuyên bố rời chính trường sau gần 16 năm giữ cương vị Thủ tướng, chèo lái con thuyền Đức tới nhiều bến bờ thành công. Tuy nhiên, với uy tín của mình, bà Merkel chắc chắn còn làm được nhiều hơn thế khi chuyến công du lần này sẽ giúp củng cố mối quan hệ với Washington, đặt nền móng cho một mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai nước.
Tại cuộc gặp hôm 16-7, bà Merkel khẳng định “Coi trọng tình hữu nghị” với Mỹ, nhấn mạnh tới vai trò của Mỹ trong việc xây dựng một nước Đức tự do và dân chủ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Về phần mình, Tổng thống Biden khẳng định “Sự hợp tác giữa Mỹ và Đức là mạnh mẽ và chúng tôi hy vọng điều này sẽ được tiếp tục”. Ông Biden đã gọi bà Merkel là một người bạn tuyệt vời của cá nhân ông và của nước Mỹ.
Rõ ràng, sự trọng thị của Washington dành cho nữ Thủ tướng Đức cho thấy rõ quan điểm của chính quyền của ông Biden về tầm quan trọng của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Với việc cả hai bên đều mong muốn xây dựng một mối quan hệ mới tin cậy, bền chặt, việc hai nhà lãnh đạo đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề hai nước quan tâm là điều dễ hiểu. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức đã cùng nhau công bố Tuyên bố Washington, nêu bật tầm nhìn về sự hợp tác và cam kết chung giữa hai nước. Trong tuyên bố, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức khẳng định nền tảng của mối quan hệ giữa hai nước là cùng tuân thủ các nguyên tắc, giá trị và thể chế dân chủ. Hai nước cam kết đấu tranh vì một “Châu Âu toàn vẹn, tự do và hòa bình”, ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phát triển các quan hệ đồng minh và đối tác hiện có. Tuyên bố cũng đề cập đến sự ủng hộ đối với “các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn” liên quan đến các công nghệ mới. Với Tuyên bố Washington, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trên thế giới.
Cũng chỉ với mối quan hệ tốt đẹp với Washington mà bà Merkel tránh để dự án Nord Stream 2, dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic sang Đức, trở thành lực cản trong quan hệ với Mỹ các chính quyền Mỹ gần đây đều áp đặt các lệnh trừng phạt lên các công ty, thực thể liên quan tới dự án này. Tổng thống Biden đã bày tỏ quan ngại về dự án trị giá 11 tỷ USD này với Thủ tướng Merkel bởi khi hoàn thành vào tháng 9 tới nó có thể sẽ loại Ukraine ra khỏi lộ trình trung chuyển khí đốt tới châu Âu. Tuy nhiên, theo ông Biden, khi dự án đã hoàn thành 90%, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt “dường như không có ý nghĩa gì”. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ cho biết: Hai nhà lãnh đạo đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn xem xét các biện pháp thực tế mà hai nước có thể cùng nhau thực hiện, đồng thời đánh giá dự án này sẽ tác động như thế nào tới an ninh năng lượng của châu Âu và an ninh của Ukraine.
Chuyến công du Washington của bà Merkel được đánh giá là thành công, mở ra một trang mới trong quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương. Thế nhưng, về bản chất, trang mới của mối quan hệ này chỉ là quay lại con đường hợp tác mà hai bên đồng hành dang dở thì ông Donald Trump dẫn quan hệ này sang hướng khác. Với sự tin cậy hiện nay giữa hai bên, những bất đồng như dự án “Nord Stream 2” chắc chắn sẽ không còn là cái cớ cản trở quan hệ song phương.
Thanh Huyền