Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII với nhiều quyết sách chiến lược mở ra mô hình quản trị mới, thể chế mới, không gian phát triển mới, tạo dư địa cho mô hình phát triển mới - Ảnh: Quang Tuấn

Vì tương lai huy hoàng của dân tộc, chúng ta nhất định phải tổ chức lại bộ máy hành chính. Dẫu còn những trở ngại nhưng với quyết tâm chính trị, các giải pháp khoa học trên cơ sở đồng thuận của ý Đảng, lòng dân, nhất định chúng ta sẽ thành công.

Việt Nam muốn vươn lên sánh vai cường quốc thì phải có tốc độ phát triển cao hơn trong một chặng đường dài hàng chục năm. Đất nước đang đứng trước vận hội mới để phát triển bứt phá. Tuy nhiên, chúng ta đang còn nhiều vấn đề nội tại gây trở ngại cho quá trình tăng tốc độ phát triển. Một trong những trở ngại đó là hệ thống bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả.

Bộ máy hành chính là công cụ quản lý, điều hành hoạt động của đất nước; là hình ảnh, bộ mặt của quốc gia. Bộ máy hành chính được tổ chức phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống dân sinh; quản trị xã hội có nền nếp, ổn định; mở không gian năng động, thông thoáng cho các hoạt động kinh tế; tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài tiếp cận, hợp tác thuận lợi, đưa đất nước hội nhập nhanh và sâu rộng hơn với cộng đồng quốc tế. Đó là nhân tố tiền đề để đất nước phát triển bứt phá, thực hiện các mục tiêu lớn trong tương lai.

Bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam sau nhiều năm xây dựng và phát triển đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, bộ máy hành chính hiện nay tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, trở thành lực cản đối với sự phát triển bứt phá của đất nước. Những hạn chế này thể hiện ở nhiều khía cạnh như: Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư.Năng lực và phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Chưa có nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ và chuyển đổi số quốc gia. Cơ chế kiểm tra, giám sát chưa thực sự hiệu quả, chưa đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm, tiêu cực… Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động nhanh chóng và phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi Việt Nam phải có một bộ máy hành chính năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Một bộ máy hành chính cồng kềnh, trì trệ và kém hiệu quả sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, thậm chí còn kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Sắp xếp bộ máy hành chính khoa học, tiến bộ có tác động tích cực vô cùng to lớn đối với bước đường phát triển tiếp theo của đất nước. Bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả sẽ giảm thiểu tối đa các rào cản hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tạo lợi thế trong quá trình hội nhập quốc tế, thu hút các nguồn lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia. Tạo thuận lợi cho cuộc sống, nâng cao tính đồng thuận, sự hài lòng và tin tưởng của người dân đối với Đảng và Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển bền vững. Tăng cường niềm tin và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, mở rộng cơ hội hợp tác và phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm xem giới thiệu các ứng dụng chuyển đổi sốtrong các cơ quan Đảng khi dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác 2025 của Văn phòng Trung ương Đảng - Ảnh: TTXVN

Tổ chức lại bộ máy hành chính bảo đảm gọn nhẹ, hiệu năng hiệu lực, hiệu quả không phải là vấn đề bây giờ mới làm. Từ khi giành độc lập, chúng ta đã tiến hành nhiều lần nhưng chưa thật thành công. Điển hình là, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước được tổ chức thành 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Sau đó dần dần chia tách các tỉnh lớn thành 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh như hiện nay. Nguyên nhân nằm có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan, chủ yếu là do địa bàn tỉnh lớn, giao thông cách trở; phương tiện liên lạc và di chuyển rất khó khăn; phương tiện và trình độ quản lý của cán bộ lạc hậu. Chính vì vậy, bộ máy quản lý quá tải, sinh ra tệ quan liêu. Mặt khác, tư tưởng cục bộ, bản vị còn nặng nề không chỉ trong cán bộ mà còn ở tâm lý của nhân dân bởi tàn dư của tư tưởng phong kiến. Biện pháp quản lý còn bảo thủ, thiếu cởi mở nên tạo ra nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều cơ quan quản lý một nội dung để “cộng đồng trách nhiệm” và “kiểm soát lẫn nhau”…

Đến nay, điều kiện khách quan để giảm đầu mối đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ khâu trung gian (cấp huyện) đã hội tụ đủ. Những năm qua, hệ thống giao thông của cả nước đã được cải thiện vượt bậc. Đường ô tô đã được phát triển đến 100% các xã trong cả nước. Người dân sử dụng ô tô, xe máy làm phương tiện di chuyển cá nhân là phổ biến. Điện thoại phủ sóng hầu hết các địa bàn dân cư. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư đã được xây dựng và liên thông trong toàn quốc, ngày càng hoàn thiện, đang phát triển sang các lĩnh vực văn hóa - xã hội và kinh tế. Cán bộ, công chức được đào tạo bài bản, có trình độ làm chủ khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số của bộ máy hành chính.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công “cuộc cách mạng” về tổ chức sắp xếp bộ máy hành chính, chúng ta phải vượt lên chính mình. Đó là tư duy và thói quen trì trệ, bảo thủ, ngại thay đổi. Là những lợi ích cục bộ, tiêu cực của một nhóm cán bộ, công chức. Đó còn là tâm lý cục bộ, bản vị và do dự thiệt hơn của những người thiếu tầm nhìn.

Để khắc phục triệt để những trở ngại nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sắp xếp bộ máy hành chính tinh, gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả cần huy động sức mạnh toàn dân và sự hưởng ứng của toàn xã hội như một cuộc cách mạng. Đảng, Nhà nước cần lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc sắp xếp bộ máy hành chính. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về mục tiêu, nội dung và ý nghĩa của nhiệm vụ. Triển khai các giải pháp đồng bộ theo lộ trình và kế hoạch chi tiết, khả thi cho từng giai đoạn, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Đầu tư nguồn lực tài chính, nhân lực và công nghệ cần bảo đảm đầy đủ và ưu tiên hợp lý. Phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp trong quá trình giám sát và phản biện.Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình cải cách.

Đẩy mạnh các giải pháp cải cách, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính Ảnh: Vũ Phương Nhi

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn để hiện thực hóa khát vọng về một quốc gia phồn vinh, hùng cường. Bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình chính là nền tảng vững chắc, là động lực then chốt để khơi thông mọi nguồn lực, giải phóng tiềm năng sáng tạo và đưa đất nước vươn lên một tầm cao mới. Nếu chậm thực hiện chúng ta sẽ mất thời cơ phát triển. Điều đó đòi hỏi mỗi người dân, trước hết là cán bộ, đảng viên, nhất là các vị trí lãnh đạo ở các cấp cần đề cao trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì cơ đồ của cả dân tộc và tương lai hùng cường, phồn vinh đất nước.

Dẫu còn những trở ngại nhưng với quyết tâm chính trị, các giải pháp khoa học trên cơ sở đồng thuận của ý Đảng, lòng dân, nhất định chúng ta sẽ thành công./.

Lê Thị Hải Vân - (Ban Phụ nữ Quân đội)