Buổi chiều ngày 28-5-1978, Đại đội 5 chúng tôi được lệnh tiến công tiêu diệt quân Pôn-pốt lấn chiếm biên giới ở Ngã ba Công sự trên đường Trần Lệ Xuân, thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Trên hướng chủ yếu, khi Trung đội 1 đang phát triển tiến công thuận lợi thì một ổ hỏa lực của địch bất ngờ xuất hiện quất làn đạn quái ác vào sườn trái của đội hình. Hai chiến sĩ bị thương, cả trung đội chững lại. Tôi ra hiệu cho Tuyến - chiến sĩ B41 bí mật cơ động tiếp cận mục tiêu… Sau phát đạn chính xác của Tuyến, khẩu đại liên của địch câm bặt; nhưng ngay lập tức, địch ở hướng chính diện tập trung bắn trả điên cuồng. Một quả đạn M79 nổ sát sạt bên tôi. Lúc đầu, tôi chỉ thấy mát lạnh ở chân trái và phía ngực phải, mà chưa thấy đau nên vẫn nhổm dậy để vọt lên, nhưng lập tức khuỵu xuống... Tuyến lao đến và kêu lên thảng thốt:
- Ôi, anh bị thương rồi, máu trào ra sủi cả bọt ở đùi đây này.
Tôi nhắc Tuyến: Nói khẽ thôi, cứ bình tĩnh băng lại cho mình là được…
Một lát sau, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 Nguyễn Ngọc Vinh chạy lại. Tôi nhanh chóng bàn giao cho Ngọc Vinh chỉ huy trung đội và dặn chú ý đừng để bọn lính Pôn-pốt luồn lách đánh vu hồi vào bên sườn và phía sau đội hình.
Khi Tuyến và một chiến sĩ vừa được bổ sung về trung đội hôm trước, xin được đưa tôi về tuyến sau, tôi nói ngay:
- Thế nào rồi cũng có anh em vận tải của Tiểu đoàn lên đưa thương binh về, mình sẽ ở đây chờ. Hiện tại, lực lượng của trung đội còn mỏng, hơn nữa Tuyến bắn B41 rất tốt, cần ở lại để tăng sức tấn công cho trung đội.
Lúc chỉ còn một mình nằm lại bên con đường mòn giữa cánh rừng mênh mông, phía trước súng vẫn nổ ran, tôi mới giật mình nhớ ra, trong tay không còn một thứ vũ khí gì cả. Khẩu M79 tôi đã đưa cho Ngọc Vinh. Lựu đạn cũng đã sử dụng hết. Nếu địch vu hồi phía sau sẽ vô cùng nguy hiểm. Nghĩ vậy, tôi gắng hết sức bò lết đi khoảng hơn chục mét tới một vị trí có thể quan sát được con đường mòn và có một thân cây gỗ khá to nằm ngang có thể che chắn được mảnh pháo, cối của địch khi chúng bắn về phía sau đội hình của ta.
Đến đây, có lẽ vì mất khá nhiều máu và mất sức khi vận động, tôi lịm đi lúc nào không biết; cho đến khi một cơn mưa rừng ào ào trút xuống, tôi mới tỉnh lại. Sau này tôi được biết, thời điểm đó các lực lượng tham gia trận đánh hồi chiều đã được lệnh rút về phía sau. Khi kiểm tra mới biết tôi còn nằm lại trong rừng, Đại đội lập tức tổ chức quay lại tìm. Trung đội trưởng Trung đội 3 - Dương Danh Dũng xung phong chỉ huy bộ phận tìm kiếm, trong đó có cả Tuyến thuộc trung đội của tôi, làm nhiệm vụ dẫn đường.
Trời vừa mưa xong, lại trong rừng nên khá tối, địch có thể vẫn còn lẩn quất xung quanh; tất cả đều phải lặng lẽ lần mò, vòng đi vòng lại, mãi đến khi tôi nghe được tiếng của Tuyến khe khẽ: “Em vẫn nhớ lúc chiều bọn em để anh ấy nằm ở đây…”, tôi mới bật lên tiếng gọi trong sự xúc động nghẹn ngào vì được trở về trong vòng tay đồng đội thân yêu.
Ngay đêm hôm đó, tôi được anh em vận tải cáng bằng võng về Trạm phẫu của Trung đoàn. Đường đi cũng vô cùng gian nan và nguy hiểm bởi vẫn phải đi theo đường mòn trong rừng - con đường mà bọn lính Pôn-pốt vẫn lén lút phục kích, gài mìn, nhất là những vị trí chúng đã chặt cây to cho đổ qua đường, buộc ta phải dồn đội hình để vượt qua.... Gian nan, nguy hiểm rình rập như vậy nhưng mỗi khi phải đặt võng lên thân cây đổ, để người khênh vượt qua, hay không may vấp phải mô đất, gốc cây làm chiếc võng chao đi tác động đến vết thương của tôi, Chuẩn úy Hồ Quang Thạch, phụ trách tổ vận tải lại hỏi và động viên. Tôi rất cảm động và cố kìm nén để không bật ra âm thanh dễ làm phiền lòng các đồng đội.
Từ Trung đoàn lên Sư đoàn rồi Quân đoàn, tôi được chuyển bằng ô tô. Ngày 2-6-1978, tôi cùng với một số thương binh nặng được chuyển về Bệnh viện Quân y 115 ở T.P Hồ Chí Minh bằng máy bay trực thăng. Những ngày nằm viện, tôi được những người thầy thuốc chiến sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo. Đó là bác sĩ Nghĩa - Chủ nhiệm khoa; các bác sĩ Hạnh, Nga trực tiếp thăm, khám và chỉ định điều trị; các y sĩ, y tá Hạnh, Thúy, Quế, Lệ, Bền, Hà,… và đặc biệt là Võ Thị Xuân Mai, cô gái Quảng Nam nhưng đã có nhiều năm gắn bó với Sài Gòn đã dành cho tôi tình cảm của người chị, người em gái… Những giờ em giúp tôi tập đi để hồi phục chân trái. Những chùm quả trứng cá em tự hái, những quả xoài, quả cóc em tự cắt, gọt… đã làm tăng thêm thi vị trong cuộc sống của người lính trong những ngày nằm viện và sự gắn bó của tình đồng đội, tình anh em thân thiết..
Ổn định sức khỏe, chia tay các thầy thuốc chiến sĩ và “Cô em gái xứ Quảng”, tôi trở lại đơn vị, cùng các đồng đội sang làm nhiệm vụ giúp Bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-pốt. Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống nơi chiến trường nước Bạn. Tháng 7-1979, từ Báttamboong, nơi giáp biên giới Thái Lan, chúng tôi hành quân về nước làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới ở Vị Xuyên, Hà Giang.
Với tôi, nhờ các đồng đội, trong đó có những người thầy thuốc chiến sỹ, tôi đã vượt qua những thời điểm hiểm nghèo nhất, sớm bình phục để trở về đội ngũ và gắn bó, trưởng thành trong quân ngũ suốt 42 năm. Nay đã thôi việc quân, về với cuộc sống đời thường thì kỷ niệm một thời quân ngũ, nghĩa tình đồng đội vẫn luôn sâu nặng trong tôi!
Biên giới Tây Nam tháng 5-1978 -
Biên giới phía Bắc, tháng 12-2020
Hồ Bá Vinh (Nhớ và xin tri ân các đồng đội!)