Thị trường bất động sản đang nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính hết tháng 6, tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 10,29%. Tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39-40% trong tổng tín dụng bất động sản trong khi tín dụng cho tiêu dùng bất động sản chỉ tăng 1,15%.
Tín dụng bứt tốc nhờ bất động sản
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh T.P Hồ Chí Minh, tín dụng bất động sản thành phố đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Trong đó, tín dụng nhà ở, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh T.P Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với những chuyển biến từ thị trường bất động sản, tăng trưởng tín dụng bất động sản đã phản ánh phần nào vào tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố.
Tín dụng bất động sản tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất duy trì mức thấp. Đến nay, hàng loạt ngân hàng cạnh tranh giảm lãi suất cho vay mua nhà đất, sửa chữa nhà cửa. Cụ thể, tại nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV), mức lãi suất cho vay mua nhà, đất dao động từ 5-7%/năm. Các ngân hàng cổ phần, nước ngoài cũng có mức lãi suất dưới 5%/năm.
Theo ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), các ngân hàng đã hạ lãi suất sâu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Chi phí vốn thấp sẽ kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho biết: Tín dụng bất động sản hiện chiếm 1/5 tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Việc áp dụng sớm các luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, và Luật Các tổ chức tín dụng… sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi mạnh hơn trong thời gian tới.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - cũng đánh giá: Nguồn vốn vẫn là khó khăn “đeo bám” doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, nguồn vốn tín dụng vẫn là kênh chủ đạo để các doanh nghiệp nhìn vào phục vụ hoạt động kinh doanh, bởi các kênh huy động khác đều đang gặp khó. Hiện Chính phủ đã đưa ra nhiều hỗ trợ về lãi suất và pháp lý, do đó các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu, định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp hơn trước xu hướng của thị trường và hành lang pháp lý mới. Tín dụng tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy niềm tin vào thị trường bất động sản đã phần nào phục hồi. Các quy định mới liên quan tới bất động sản quan trọng đã được thông qua, dù chưa đến thời điểm áp dụng tuy nhiên đã hỗ trợ tâm lý thị trường.
Tín dụng tăng trưởng đi kèm rủi ro thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản đã giảm bớt khi nhiều doanh nghiệp chủ động mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp và cơ cấu lại nợ. Các doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi sẽ là các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sạch, dự án đủ điều kiện mở bán, phục vụ nhu cầu ở thực.
Thanh khoản nhà đất song hành tăng trưởng tín dụng
Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, để quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng tương quan với thanh khoản bất động sản. Khi cầu vay mua nhà sụt giảm sẽ kéo tín dụng bất động sản nói riêng cũng như tín dụng nói chung của ngân hàng sụt giảm và ngược lại, sẽ kích thích tín dụng tăng trưởng mạnh khi cầu vay mua nhà tăng nhanh. Hiện tại, Chính phủ đã đưa ra nhiều hỗ trợ về lãi suất và pháp lý, do đó các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu, định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp hơn trước xu hướng của thị trường và hành lang pháp lý mới.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định: Bất động sản vẫn là kênh đẩy vốn quan trọng nhất hiện nay của các ngân hàng, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ. Nhưng phân khúc nhà ở xã hội đang đối mặt với những rào cản quy định về đối tượng, thủ tục…, khiến người có khả năng mua nhà không mua được nhà, còn người nằm trong đối tượng mua loại hình này lại không có khả năng thanh toán. Vì vậy, cần thiết kế lại chính sách theo hướng đẩy mạnh nhà ở giá rẻ bên cạnh phát triển nhà ở xã hội, nhằm gia tăng nguồn cung phù hợp với tình hình tài chính của người dân.
Trong khi đó, ở góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thái Hà - Tổng giám đốc Thăng Long Real Group đánh giá, sau thời gian dài thăm dò, niềm tin của người mua nhà dần được cải thiện. Tuy nhiên, nguồn cung sơ cấp lại thấp nhất trong nhiều năm qua, chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp, hạng sang trong khi phân khúc ở thực lại vô cùng hạn chế. "Để tiếp tục duy trì niềm tin của khách hàng vào thị trường, cần những trợ lực từ cơ chế chính sách. Trong đó doanh nghiệp mong muốn ổn định lãi suất, khơi thông dòng vốn cho vay bất động sản và giải quyết nhanh thủ tục pháp lý, gỡ vướng cho các dự án đang triển khai nhanh chóng hoàn thiện thủ tục nhằm gia tăng nguồn cung, đặc biệt ở phân khúc tầm trung" - bà Hà nói.
Võ Hóa