Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp bất thường xem xét, thông qua báo cáo của Chính phủ về gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng đến 7 đối tượng trong xã hội chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo đó, có 6 đối tượng được hỗ trợ trực tiếp bao gồm: Người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường, ngay sau khi Chính phủ trình báo cáo, cho thấy nỗ lực rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm trong đại dịch Covid-19, không có công dân nào “bị bỏ lại phía sau” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này cũng sẽ làm an lòng dân, nhất là những người nghèo, yếm thế trong xã hội. An lòng dân không chỉ là giải pháp an sinh xã hội mà còn góp phần rất quan trọng trong việc tạo sức mạnh đồng lòng, đoàn kết dân tộc để chung tay vượt qua đại dịch Covid-19.

Nhìn chung, xã hội ai cũng vui mừng với gói hỗ trợ kịp thời và nhân văn nay, nhưng niềm vui đi cùng nỗi lo!

Nỗi lo trước tiên, được chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập là nỗi lo “chậm trễ chính sách” và “trục lợi chính sách”. “Chậm trễ chính sách” là tiền hỗ trợ Nhà nước xuất ra, không đến thẳng các đối tượng được thụ hưởng, mà lòng vòng khiến những người nghèo “chờ được vạ thì má đã sưng”. “Trục lời chính sách” còn đáng lo hơn nữa, nếu những khoản hỗ trợ lại “đi lạc” vào nhà cán bộ như đã từng xảy ra trong nhiều chính sách khác, thì hậu quả của gói hỗ trợ này gây ra sẽ rất đau lòng. Đảng, Nhà nước thì mất cán bộ, đảng viên. Người dân thì mất niềm tin vào chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước.

Nỗi lo tiếp theo chính là vấn đề tiếp theo. Việt Nam là nước có mô hình phòng, chống đại dịch Covid-19 được quốc tế đánh giá cao, xem như một “mẫu mực” để các nước khác học tập. Vậy mà, hậu quả tác động của đại dịch lên nền kinh tế vẫn rất lớn. Hiện nay, dịch Covid-19 mới chỉ gây cho Việt Nam 265 ca nhiễm (tính đến ngày 13-4) mà Chính phủ đã phải lo gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Nếu dịch diễn biến phức tạp, dai dẳng, hậu quả lớn hơn gấp nhiều lần thì sẽ ra sao? Chúng ta sẽ cần đến những gói hỗ trợ lớn hơn. Lúc đó, nguồn lực lấy ở đâu? Điều này, chẳng những các nhà quản lý kinh tế vĩ mô, mà công dân bình thường có trách nhiệm với đất nước cũng phải lo lắng.

Nỗi lo thứ ba là khả năng cân đối nguồn lực ngân sách nhà nước để bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đứng trước rất nhiều khó khăn do giá dầu thô giảm mạnh; hoạt động xuất, nhập khẩu giảm; tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn…

Nếu cán bộ, đảng viên nào cũng chia sẻ 3 nỗi lo này với Đảng, Nhà nước thì sẽ tạo thành động lực “biến nguy thành cơ”. Trước hết, là các cơ quan chức năng chung tay để đồng tiền chính sách “đi thẳng” đến tay các đối tượng được thụ hưởng một cách nhanh nhất. Tiếp đó, chúng ta có niềm tin rất lớn rằng bằng những biện pháp khoa học, tiến hành khẩn trương, quyết liệt, đại dịch Covid-19 sẽ bị chặn đứng và mức độ ảnh hưởng của nó đến kinh tế - xã hội nằm trong dự tính của Chính phủ.  Và cuối cùng, khi cả nước chung sức, đồng lòng xung quanh T.Ư Đảng, Chính phủ thì cả nước sẽ chuẩn bị đầy đủ nhất các yếu tố cần thiết nhằm đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh nhanh chóng được khôi phục trở lại sau khi chấm dứt đại dịch.

Quãng thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội sẽ là quãng thời chúng ta nén “chiếc lò xo kinh tế” để nó bật tăng trở lại một cách mạnh mẽ sau khi hết dịch. Các chuyên gia đã dự báo các kịch bản nền kinh tế sau đại dịch Covid-19: Đó là hình chữ V, sau khi chạm đáy thì kinh tế tăng trưởng nhanh chóng; đó là chữ U, sau khi chạm đáy thì nền kinh tế chuyển biến chậm chạp kéo dài sau đó mới tăng trưởng trở lại; đó là hình chữ L, sau khi chạm đáy thì kinh tế “lệt bệt” kéo dài mãi không tìm được đường tăng trưởng trở lại... Như vậy, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam là phải góp phần để nền kinh tế tăng trưởng theo hình chữ V.

Vì vậy, mỗi chúng ta, ai cũng có một phần trách nhiệm, để tiếp theo gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, Chính phủ không còn phải thực hiện thêm một gói hỗ trợ nào nữa, nguồn lực của đất nước để dành cho đầu tư phát triển.

Phạm Đăng Doanh