Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài
Trên tấm bia Tiến sĩ dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám có khắc ghi dòng chữ nổi tiếng của Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1419-1499) tại khoa thi năm 1442: “...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”.
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nhưng tiến cử, sử dụng người tài là công việc của các nhà tổ chức, các bậc minh quân. Biết cách dùng người thể hiện tầm trí tuệ, tài năng của người lãnh đạo.
Lịch sử dân tộc cho thấy trong các triều đại phong kiến Việt Nam, những bậc “minh quân” luôn mong muốn có nhiều nhân tài, cùng góp công sức và trí tuệ để xây dựng triều đại thịnh trị, làm cho “Quốc thái dân an”. Các vương triều đã có nhiều cách khác nhau để phát hiện và tuyển chọn nhân tài giúp nước như thi tuyển, tiến cử và tự tiến cử. Trong “Chiếu cầu hiền”, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) xác định: “Người tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải có một phương”. Vua Quang Trung sau khi lên ngôi cũng lập tức ra Chiếu cầu hiền, Chiếu lập học: “Xây dựng đất nước lấy việc khuyến học làm đầu. Tìm lẽ trị binh lấy tuyển nhân tài làm gốc”… Như vậy, cùng với quá trình dựng và giữ nước trong chiều dài lịch sử dân tộc, cha ông ta đã để lại kinh nghiệm quý báu, những tấm gương, những đúc kết của “phép trị nước”, đó là tuyển chọn và sử dụng hiền tài.
Khi nói về việc đề cử, giới thiệu người tài cho đất nước, chúng ta nhớ đến Thái Phó Tô Hiến Thành - Đại Việt Sử ký toàn thư chép rằng: "Tô Hiến Thành là quan đại thần phụ chính nhà Lý, phụng sự hai triều vua: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là một nhà chính trị có tài, văn võ song toàn, nổi tiếng là công minh, chính trực, được vua phong tước Vương mặc dù không phải tôn thất nhà Lý”. Khi viết về các danh thần, danh tướng nhà Lý, nhà sử học Ngô Thì Sĩ ghi nhận: "Ông nào cũng có công lớn để lại, duy có người đủ tài lược, phẩm vọng, hết lòng trung thành, gánh vác công việc rất khó, làm cho vua được yên trên ngôi báu, nước được hưởng phúc thái bình, duy chỉ có một ông Tô Hiến Thành là hơn hết".
Tháng 7-1175, vua Lý Anh Tông mất. Vua có hai người con trai là Long Xưởng (đã lớn) và Long Cán (còn nhỏ tuổi). Trước đó một năm, con trưởng là Long Xưởng do ăn ở vô đạo nên đã bị truất ngôi thái tử. Con thứ Long Cán được vua cha cho thay giữ ngôi vị này. Mẹ của Long Xưởng là Chiêu Linh buộc phải vâng lệnh, nhưng trong lòng vẫn còn ấm ức. Đến khi Lý Anh Tông trở bệnh nguy kịch, bà lại tìm cách thuyết phục Anh Tông một lần nữa.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Khi vua ốm nặng, hoàng hậu Chiêu Linh lại xin lập Long Xưởng. Vua nói: “Làm con bất hiếu thì trị dân làm sao được?”. Nhà vua bèn để di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp đỡ thái tử, công việc quốc gia đều phải theo phép cũ mà làm. Bấy giờ, Thái hậu muốn làm chuyện phế lập nhưng lại sợ Tô Hiến Thành không nghe, bèn đem vàng bạc đút cho vợ của ông. Tô Hiến Thành biết được, nói với vợ rằng: “Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ để lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng”. Thái hậu lại gọi Tô Hiến Thành đến dụ dỗ trăm cách, nhưng Hiến Thành vẫn một mực nói rằng: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, Thần không dám vâng lệnh”.
Năm 1171, ông bệnh nặng, hầu hạ ngày đêm là Tham tri chính sự Vũ Tán Đường; Gián nghị đại phu là Trần Trung Tá vì nhiều công việc bận, không có thời giờ tới thăm Tô Hiến Thành. Bà Đỗ Thái hậu, mẹ Thái tử Long Cán - tức vua Lý Cao Tông, hỏi Tô Hiến Thành: "Nếu ông có mệnh hệ nào, ai là người kế ông được?". Tô Hiến Thành trả lời: “Người mà bình nhật thần biết chỉ có Trần Trung Tá mà thôi”. Thái hậu ngạc nhiên: "Tán Đường ngày đêm lo thuốc thang cho ông, sao ông không cất nhắc?". Tô Hiến Thành thẳng thắn: "Nếu bệ hạ hỏi người nào hầu hạ, tôi cử Tán Đường, nếu hỏi người giúp nước thì tôi cử Trung Tá". Sử thần Ngô Sĩ Liên về sau có lời bình: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập nhưng vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi cho tới lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt vời, tiêu biểu nhất về việc trọng dụng nhân tài. Người đã tiếp thu bài học lịch sử, quan niệm truyền thống về cầu hiền tài, coi đó là một trong những nhân tố có tính quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra văn bản “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc số 411, văn bản này giống như “Chiếu cầu hiền” của các bậc minh quân. Văn bản nêu rõ “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”. Hồ Chủ tịch cũng đề xuất sửa đổi khuyết điểm bằng cách chiêu mộ người tài: “Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó”.
Đây chính là tầm nhìn chiến lược, thực sự cầu thị, hết sức sáng suốt và đúng đắn của Bác về vấn đề nhân tài. Bác thấy rất rõ, rất sâu vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, đồng thời thể hiện một cách chân thành tư tưởng trọng dụng nhân tài, “chiêu hiền đãi sĩ”, vốn là bản chất cao cả của các bậc vĩ nhân.
Từ lời kêu gọi của Người, nhiều người tài đức, các nhân sĩ, trí thức ở trong nước và ngoài nước đã theo Đảng, Bác Hồ, đóng góp trí tuệ và tài sản cá nhân cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như cho công cuộc xây dựng hòa bình. Từ các vị quan chức cấp cao của triều Nguyễn như: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe..., các bậc danh nho như các cụ: Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Tố... đến các trí thức tài giỏi như: Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Vũ Đình Tụng, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giàu, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng… đều xuất thân giúp nước. Đó là kết quả cụ thể minh chứng cho tài năng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn xây dựng chính quyền cách mạng, kháng chiến kiến quốc mà đến nay chúng ta vẫn và sẽ phải tiếp tục học tập, noi theo.
Tư tưởng tìm và trọng dụng người tài của Bác cần tiếp tục được quán triệt và phát huy để đội ngũ cán bộ của chúng ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới. Trong giai đoạn hiện nay, người được đề cử phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức kỷ luật; trung thực, không cơ hội; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Đồng thời, phải có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, có trình độ văn hóa, có chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, người cán bộ cần có bản lĩnh chính trị, tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phải: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước...; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài... Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân”. Đảng ta cũng xác định: Cần phải đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cần đặc biệt quan tâm việc đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao là đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi thời kỳ cách mạng thông qua thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân.
Ngày 13-3-2024, tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ “Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”
Tin chắc rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cùng những cá nhân tài năng, đức độ được trọng dụng sẽ là điều kiện cần và đủ góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội mà Đảng và dân tộc ta đã đề ra.
Phạm Tiệp