Để xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biện và Lai Châu phải di chuyển hơn 18.000 hộ dân thuộc khu vực bị ảnh hưởng mặt bằng xây dựng nhà máy và vùng ngập lòng hồ tích nước. Trong đó, riêng tỉnh Sơn La phải di chuyển 12.479 hộ dân tái định cư đến nơi ở mới; ổn định đời sống và tổ chức sản xuất cho trên 7.000 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Tính đến ngày 2-5-2010, toàn bộ các hộ dân bị ảnh hưởng vùng ngập lòng hồ công trình thủy điện Sơn La, trong đó, tỉnh Sơn La đã di chuyển 12.584 hộ; tỉnh Lai Châu đã di chuyển 3.241 hộ và tỉnh Điện Biên đã di chuyển là 4.355 hộ. Các hộ dân tái định cư đã được giao đất ở, cơ bản đã dựng xong nhà ở, bảo đảm từng bước ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Có 8.821 hộ/9.309 hộ đã tái định cư tập trung nông thôn và xen ghép có đất để sản xuất (trong đó, đã giao 7.280ha đến 4.766 hộ; 4.055 hộ tạm thời sử dụng quỹ đất cũ chưa bị ngập để sản xuất); các dự án thành phần tại khu, điểm tái định cư và các dự án phục vụ tái định cư đã được các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện, ưu tiên các công trình thiết yếu nước sinh hoạt, điện; các dự án san nền nhà, đường giao thông chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón dân theo đúng kế hoạch của tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi, sớm ổn định cuộc sống của người dân tại nơi ở mới.
Toàn bộ hồ chứa khoảng 9,26 tỷ mét khối nước, mặt hồ rộng gần 225km, với chiều dài lòng hồ hàng trăm ki lô mét từ huyện Mường La, tỉnh Sơn La đến thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên đã được dọn dẹp, vệ sinh lòng hồ trước thời điểm tích nước.
Phát biểu tại công trường sau khi phát lệnh ngăn sông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương đồng bào các dân tộc của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã ủng hộ và thực hiện đúng tiến độ di dời đến nơi ở mới để nhường chỗ cho mặt bằng xây dựng công trình. Thủ tướng đánh giá cao chủ đầu tư và tư vấn thiết kế đã có tiến bộ vượt bậc trong công tác quản lý và thiết kế, đã đưa những công nghệ tiên tiến xây dựng công trình thủy điện của thế giới ứng dụng trong công trình thủy điện Sơn La, góp phần vào thành công chung của dự án; các bộ, ngành chức năng và cán bộ, công nhân của các đơn vị thi công trực tiếp trên công trường đã góp nhiều công sức cho việc hình thành công trình thủy điện Sơn La…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc đưa các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La vào vận hành sớm hơn 2 năm ngoài ý nghĩa về kinh tế (hai năm đạt giá trị sản lượng gần 20 nghìn tỷ đồng), dự án còn có ý nghĩa to lớn về chính trị xã hội và qua đây cũng khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam về năng lực quản lý, thiết kế và xây lắp, nhất là đối với các công trình thủy điện lớn, về cơ bản đất nước ta đã làm chủ được việc xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng lắp máy và chế tạo được hầu hết các thiết bị cơ khí thủy công. Ngoài việc cung cấp điện năng để phát triển kinh tế xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, công trình còn góp phần chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa kiệt cho Đồng bằng Bắc bộ và góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng Tây bắc.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện mục tiêu trước mắt là lắp đặt và đưa vào vận hành an toàn tổ máy thứ nhất vào tháng 12-2010 và hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2012.
Kim Loan