Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Chính phủ tiếp tục khẳng định quan điểm đối với công tác phòng chống thiên tai là “xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai”, theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Thủ tướng cho biết, theo nhận định của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong 10 nước bị thiên tai đe dọa lớn nhất. Vì vậy, chúng ta không chủ động phòng chống thì thiệt hại sẽ lớn.
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước của dân tộc ta, ngoài việc chiến đấu với giặc ngoại xâm thì ông cha ta còn phải chiến đấu với thiên tai. Dẫn lại truyền thuyết "Sơn Tinh và Thủy Tinh", Thủ tướng khẳng định, lúc nào cũng gặp khó khăn như vậy, nhưng bao giờ Sơn Tinh cũng chiến thắng, điều này cho thấy niềm tin chế ngự, chiến thắng thiên tai của nhân dân ta. Vấn đề đặt ra là chúng ta không được chủ quan. Mọi người phải chung tay phòng chống thiên tai một cách chủ động.
Cho nên, tinh thần của hội nghị lần này là chủ động hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn, để ổn định, bảo vệ phát triển sản xuất, không để người dân nào rơi vào cảnh màn trời chiếu đất do thiên tai, không để ai bị bỏ lại phía sau - Thủ tướng nói.
Đánh giá mặt được, Thủ tướng nêu một số kết quả lớn, như: Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được cả hệ thống chính trị quan tâm, vận dụng linh hoạt "phương châm 4 tại chỗ”. Chúng ta đã huy động trên 362.000 lượt người với gần 10.000 phương tiện tham gia hỗ trợ ứng phó khắc phục, ứng cứu hàng nghìn vụ, cứu được gần 7.000 người; hướng dẫn trên 4 triệu lượt người với 900.000 lượt phương tiện trên biển di chuyển, tránh trú bão, áp tháp nhiệt đới; tổ chức nhiều đợt di dời dân với trên 680.000 người đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, dự báo, theo dõi, giám sát công trình, khu vực trọng điểm xung yếu thiên tai bước đầu đã được quan tâm (trên 1.000 trạm đo mưa tự động, 51 trạm cảnh báo đa thiên tai; 78 vị trí giám sát camera theo dõi trọng điểm đê điều và nhiều hồ chứa nước lớn đã được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn).... Việt Nam cũng đã sẵn sàng, làm tốt việc ứng cứu thành công, hỗ trợ các nước trong thiên tai, như sự cố vỡ đập Attapeu của Lào, lực lượng Quân khu 5 đã tham gia cứu nhiều người dân nước bạn, hay việc cứu 22 ngư dân Philippines trên biển gần đây mà phát biểu trước Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đã bày tỏ “đời đời biết ơn Việt Nam”; hay vụ cứu tàu hàng lớn của Singapore mới đây...
Bên cạnh những thành quả đó, Thủ tướng cho rằng cũng cần khắc phục một số tồn tại như: Thiệt hại do thiên tai còn rất lớn. Năm nào, cũng có nhiều người chết do sạt lở đất và sau lũ. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là công trình phòng chống thiên tai còn hạn chế (đê biển mới được thiết kế chống gió bão cấp 9, cấp 10, trong khi bão cấp 10, cấp 12 thường xuyên xuất hiện; nhiều khu vực dân cư nhà ở chưa bảo đảm an toàn; đê điều, hồ đập xuống cấp chưa được đầu tư kịp thời, khu neo đậu tàu thuyền còn thiếu; hệ thống tiêu thoát nước đô thị không đáp ứng được yêu cầu nên hàng loạt đô thị bị úng ngập nghiêm trọng khi mưa lớn; hệ thống giao thông thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng khi có mưa, lũ lớn,…).
Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai mặc dù đã rất cố gắng, có nhiều tiến bộ nhưng năng lực quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa theo kịp với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu.
Việc phòng ngừa thiên tai còn chưa được quan tâm đúng mức trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều ngành, nhiều địa phương, dẫn đến những hệ lụy làm gia tăng rủi ro thiên tai như bố trí dân cư vào vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét; xây dựng công trình giao thông chưa phù hợp cản lũ; xây dựng, công trình không tính đến an toàn cho dân cư. Có địa phương xây dựng hồ trên đỉnh đồi, bị vỡ do mưa lớn làm thiệt hại về người và tài sản.
Về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng cho biết, nhiều đợt thiên tai gây thiệt hại lớn xảy ra 1-2 tháng vẫn chưa được trình xem xét hỗ trợ gây bức xúc cho địa phương. Có địa phương phân bổ nguồn lực được hỗ trợ không kịp thời, để 6 tháng đến gần một năm mới phân bổ hết…
Mặt khác, chúng ta cũng chưa phát huy được vai trò của cộng đồng địa phương trong việc giúp người dân nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó thiên tai. Theo Thủ tướng, cộng đồng là nơi hiểu rõ nhất cách sống chung với thiên tai bằng những kinh nghiệm và kiến thức của người dân, những kinh nghiệm đã chứng tỏ hiệu quả trong việc giảm nhẹ tổn thất do thiên tai gây ra.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức quan trọng trong phòng chống thiên tai, kiếm cứu nạn như: Quá trình phát triển kinh tế xã hội chưa tính đủ tác động của thiên tai đối với một số ngành, lĩnh vực, địa phương đã làm gia tăng rủi ro thiên tai, giảm tính bền vững (nhiều công trình hạ tầng khi thiết kế, xây dựng chưa được tính toán đầy đủ yếu tố thiên tai; khai thác cát quá mức, xây dựng công trình nhà cửa ven sông, ven biển gây sạt lở; việc khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngầm ở ĐBSCL đã đến mức báo động).
Yêu cầu của xã hội an toàn hơn trước thiên tai ngày một cao hơn. Dân số, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá,… đặt ra những thách thức, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải ngày càng tốt hơn, quyết liệt hơn.
Tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường, cực đoan, không theo quy luật. Đây là thách thức lớn đối với công tác dự báo, cũng như phòng chống thiên tai, đặc biệt là mưa lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, triều cường…
Một số bộ, ngành, địa phương ý thức phòng chống thiên tai còn kém khi mà bất cứ vùng nào cũng có thể có thiên tai trong thời tiết biến đổi cực đoan như hiện nay.
Từ đó, Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo đối với công tác phòng chống thiên tai là cần “xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai”, theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính.
Chín nhiệm vụ trọng tâm
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai.
Thứ nhất, khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai hoạt động ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn.
Thứ hai, rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra.
Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống với thiên tai cho người dân và cộng đồng thông qua tập huấn, đào tạo, diễn tập.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để bảo đảm kịp thời hơn, chính xác hơn. Bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn.
Thứ năm, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng: Đê điều, hồ đập, công trình kết cấu hạ tầng khác.
Thứ sáu, nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của hệ thống cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, trong đó có việc đầu tư nâng cấp công nghệ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu, hỗ trợ ra quyết định phòng chống thiên tai được kịp thời, chính xác, xây dựng trung tâm điều hành phòng chống thiên tai quốc gia.
Thứ bảy, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng được đội ngũ làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai chuyên nghiệp, chủ động.
Thứ tám, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời có các chính sách huy động phù hợp các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trước hết là kinh phí đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển,…
Thứ chín, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai.
Về nhiệm vụ cụ thể của một số ban, bộ, ngành, trước hết, đối với Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng nêu rõ, cần có kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai cấp quốc gia, nhất là ứng phó bão mạnh, siêu bão, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất… Ban hành và triển khai bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh. Sớm hoàn thành kết nối trực tuyến giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương với ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố.
Thủ tướng giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành các dự án khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở bờ biển đã được bố trí kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương 2018. “Đã bố trí tiền rồi, tôi xin nói là các địa phương triển khai rất chậm. Địa phương nào làm chậm hay vì lý do nào đó chủ quan mà không triển khai thì phải xử lý kỷ luật một số trường hợp chứ không phải vào mùa mưa bão mới sữa chữa đê điều, hồ đập”, Thủ tướng nói.
Bộ Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy điện và các công trình thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, trong đó có 371 hồ chứa, nhất là hồ lớn, hồ liên vùng, quy trình phải rõ ràng, trách nhiệm phải cụ thể.
Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát quy hoạch thoát nước, khắc phục tình trạng úng ngập tại các đô thị.
Nhấn mạnh vai trò trọng tâm của các địa phương trong phòng chống thiên tai, Thủ tướng nêu rõ, các địa phương chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và trước nhân dân. Trong đó, cần tổ chức đội xung kích phòng chống thiên tai tại cấp xã.
Đức Tuân