Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025.

Mục tiêu của Kế hoạch là phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia hợp tác xã và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã. Tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cả nước có khoảng 134 nghìn tổ hợp tác với 1,8 triệu thành viên, 35 nghìn hợp tác xã với 7,1 triệu thành viên, 210 liên hiệp hợp tác xã với 1.100 hợp tác xã thành viên.

Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm trên 60% tổng số hợp tác xã. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 24%.

Xử lý dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp để phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản.

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Xử lý dứt điểm tình trạng các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhiều hình thức đa dạng

Theo định hướng, kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển với nhiều hình thức đa dạng, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị; tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác; khuyến khích phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.

Phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm chủ lực quốc gia, của tỉnh và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, củng cố và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các hợp tác xã hiện có. Phát triển các mô hình hợp tác xã gắn với các chương trình khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại, chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển ngành nghề, xóa đói, giảm nghèo ở từng địa phương; xây dựng các hợp tác xã dịch vụ công nghiệp ở các làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, tại các cụm công nghiệp, tạo tiền đề cho việc hình thành, phát triển các làng nghề mới, hỗ trợ các hợp tác xã hiện đại hóa trang thiết bị, đổi mới công nghệ và sản phẩm, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất.

Nghiên cứu từng bước xây dựng một số liên hiệp hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở những vùng có nhiều làng nghề, cụm công nghiệp.

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, mở rộng quy mô và phát triển các hợp tác xã dịch vụ vận tải, du lịch kết hợp với mua sắm theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng loại hình hợp tác xã thương mại trở thành cầu nối cung ứng hàng hóa, dịch vụ của hợp tác xã và thành viên với hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối; phát triển hợp tác xã theo hướng kinh doanh tổng hợp (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ)…

VPCP