Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10-2004 / 13-10-2024), sáng 4-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp nhằm tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp vào đổi mới và phát triển đất nước; đồng thời lắng nghe chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Dự cuộc gặp mặt có: Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đặc biệt có hơn 200 doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.
Thủ tướng đề nghị, tại buổi gặp mặt, các đại biểu, nhất là các doanh nhân, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cùng suy nghĩ, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, nguyện vọng về sự phát triển của doanh nghiệp, tập đoàn và của đất nước ta, đặc biệt trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Thủ tướng mong muốn các doanh nhân có thể đóng góp hơn nữa như thế nào cho phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò tiên phong trong việc tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; tham gia vào các xu thế, lĩnh vực mới nổi của thế giới.
Các doanh nhân, doanh nghiệp có những kiến nghị, đề xuất, tham mưu, hiến kế gì cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp; thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, vươn tầm thế giới; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có đầy đủ phẩm chất, uy tín; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới và trong thế hệ trẻ.
Cùng với đó, các doanh nhân, doanh nghiệp có thể tiếp tục tham gia tích cực hơn như thế nào trong thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giúp đỡ những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Hiện nay, nước ta có hơn 930 nghìn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng DN, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu; cùng với đó, đóng góp tích cực vào hoạt động an sinh xã hội.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu, nhất là các doanh nhân, đại diện lãnh đạo DN, hiệp hội DN chia sẻ câu chuyện trong kinh doanh và vai trò xã hội của DN; kiến nghị, đề xuất, tham mưu, hiến kế cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ tốt hơn cho các DN phát triển; xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Sau khi các Phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu, chia sẻ, giải đáp các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN, phát biểu kết luận cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, DN, doanh nhân ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng đối với phát triển đất nước; Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận, đánh giá cao và quan tâm phát triển DN, doanh nhân Việt Nam; Chính phủ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước một cách thiết thực, kịp thời, hiệu quả; đội ngũ DN, doanh nhân đã đoàn kết nỗ lực cố gắng ngày càng lớn mạnh.
Theo Thủ tướng, sau 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng DN Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ; số DN thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh nhu cầu và nỗ lực phát triển trong bối cảnh đất nước còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức. Các DN, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không chỉ trong nước mà nhiều DN, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Trong đó, có các DN dân tộc, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế và đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương hiệu quốc gia; đồng thời vươn ra thị trường khu vực và thế giới như các tập đoàn: Viettel, PVN, Vingroup, FPT, THACO, Hòa Phát, TH, Vinamilk...
Đội ngũ doanh nhân, các hiệp hội DN đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thường xuyên, tích cực đóng góp vào việc thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng chính sách và pháp luật.
Biểu dương, đánh giá cao sự lớn mạnh của DN, doanh nhân và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các DN, doanh nhân phải đối mặt, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm để DN, doanh nhân phát triển lớn mạnh và đóng góp vào phát triển đất nước.
Trong đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế; phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao, góp phần giảm chi phí logistic, tạo không gian phát triển mới, công ăn việc làm; hoàn thiện mô hình quản trị DN hiện đại, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển đất nước, với “thể chế pháp luật thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”.
Cùng với đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung, cho DN, doanh nhân nói riêng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự; xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN xứng tầm với truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước.
Phát huy phương châm “nói ít, làm nhiều”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có hiệu quả thiết thực”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các DN, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong. Trong đó, tiên phong trong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã xác định, gồm: Đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng, đột phá về nguồn nhân lực, đặc biệt là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiên phong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo để phục vụ làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiên phong trong xây dựng, quản trị DN hiện đại, góp phần xây dựng quản trị đất nước thông minh, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ. Tiên phong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội.
Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, DN” và “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển; cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào", Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh, có nhiều DN dân tộc hùng mạnh, thể hiện tình yêu đất nước bằng những hành động cụ thể, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng cả nước thực hiện mục tiêu đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
QĐND