Người biểu tình ở thủ đô Dhaka ngày 5-8-2024.
Sau nhiều tuần đối phó bất thành với những cuộc biểu tình rầm rộ, cuối cùng Thủ tướng Bangladesh - Sheikh Hasina đã buộc phải chạy khỏi đất nước. Những diễn biến dẫn đến kết cục này làm người ta liên tưởng đến “Mùa xuân Ả-rập” 2011 ở Bắc Phi - Trung Đông hay Euromaizan 2013-2014 ở Ukraine.
Sheikh Hasina là con gái ông Sheikh Rahman, Tổng thống đầu tiên của Bangladesh sau khi giành độc lập năm 1971. Năm 1975, Tổng thống Rahman và hầu hết người thân trong gia đình bị sát hại trong một cuộc đảo chính quân sự, Hasina và em gái may mắn sống sót vì đang ở nước ngoài. Năm 1981, bà Hasina trở về Bangladesh nắm quyền lãnh đạo đảng Liên đoàn Awami (BAL) vốn do cha bà thành lập. Năm 1990, bà lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ nhà độc tài quân sự Muhammad Ershad và đến năm 1996, lần đầu tiên trở thành Thủ tướng. Từ năm 2009 đến nay, bà lên nắm quyền lần nữa và giúp đất nước với 170 triệu dân đạt được tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phần lớn lợi ích của tăng trưởng kinh tế chỉ đến với những người theo đảng BAL cầm quyền. Trong khi, khoảng 18 triệu thanh niên, sinh viên ở Bangladesh phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Chính phủ của Thủ tướng Hasina còn bị cáo buộc về tham nhũng, quan liêu trong ngành hành chính, tư pháp, an ninh... Chính sách cứng rắn với phe đối lập của bà Hasina cũng gây ra làn sóng bất bình trong nước, đồng thời khiến Mỹ và một số nước “bày tỏ lo ngại”.
Lại là sinh viên
Từ năm 1972, chính quyền của Tổng thống Sheikh Rahman thực hiện chính sách hạn ngạch viên chức, theo đó, mỗi năm dành 30% chỉ tiêu viên chức cho con em những người tham gia cuộc chiến tranh giành độc lập năm 1971. Tuy nhiên, sau hơn 50 năm, việc duy trì hạn ngạch gây ra nhiều bất cập; giới thanh niên, sinh viên cho rằng đây là chế độ phân biệt đối xử, chỉ ưu tiên một nhóm đặc quyền. Nỗi bất bình này đã làm dấy lên phong trào kêu gọi cải cách chính sách tuyển dụng viên chứ;, đến năm 2018, bà Hasina chấp thuận xóa bỏ chế độ phân bổ chỉ tiêu viên chức sau hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn của sinh viên.
Nhưng thân nhân các cựu binh Bangladesh đệ đơn kiện và Tòa Thượng thẩm Bangladesh hồi tháng 6-2024 ra phán quyết hủy quyết định trên của chính phủ. Chính sách hạn ngạch viên chức được khôi phục, trong đó 30% dành cho thân nhân cựu binh, 10% cho phụ nữ, 10% cho vùng kém phát triển, 5% cho cộng đồng người bản địa và 1% cho người khuyết tật. Ngay lập tức, sinh viên xuống đường biểu tình - bắt đầu từ Đại học Dhaka sau đó lan sang các trường đại học, cao đẳng khác, yêu cầu xóa bỏ cơ chế hạn ngạch và thay thế bằng chính sách tuyển dụng hoàn toàn dựa trên năng lực. Khi biểu tình kéo dài, Thủ tướng Hasina ra lệnh đóng cửa trường học, ban bố thiết quân luật cho phép lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình.
Ngày 21-7, sau khi bạo lực đã khiến hơn 100 người thiệt mạng, Tòa án Tối cao Bangladesh hủy phán quyết của Tòa Thượng thẩm, tuyên bố 93% chỉ tiêu viên chức nên tuyển dụng theo năng lực, 5% dành cho con em cựu binh và 2% cho khu vực kém phát triển cũng như người khuyết tật. Chính phủ của bà Hasina chấp nhận phán quyết, nới lỏng thiết quân luật. Tuy nhiên, do số người thiệt mạng lên đến hàng trăm người và khoảng 10.000 người bị bắt, ngọn lửa giận dữ lại bùng lên, người biểu tình chuyển sang yêu cầu bà Hasina từ chức. Đáp lại, bà Hasina ban bố lệnh giới nghiêm và tuyên bố: Nếu con cháu của những chiến sĩ đấu tranh giành tự do không được hưởng phúc lợi thì ai sẽ hưởng, con cháu của những kẻ phản bội sao (ám chỉ những người không ủng hộ cuộc chiến giành độc lập năm 1971)? Phát biểu của bà Hassina càng khiến người biểu tình thêm phẫn nộ.
Ngày 4-8, hàng trăm nghìn người kéo về thủ đô Dhaka. Rạng sáng 5-8, giới quân sự tuyên bố không trấn áp người biểu tình và cho bà Hasina 45 phút để rời khỏi đất nước trên một chiếc trực thăng quân sự bay sang Ấn Độ. Ngay sau đó, người biểu tình tràn vào đập phá Dinh Thủ tướng, Khu tưởng niệm Nhà lập quốc Rahman, trụ sở đảng BAL, đài truyền hình...; các vụ phóng hỏa và cướp bóc xảy ra trên khắp đất nước. Ngày 8-8, theo thỏa thuận giữa Tổng thống, quân đội và sinh viên, Chính phủ lâm thời được thành lập để điều hành đất nước.
Những mâu thuẫn xã hội âm ỉ từ lâu cùng những sai lầm trong xử lí vụ “hạn ngạch” là nguyên nhân chủ yếu buộc bà Hasina phải từ bỏ quyền lực. Nhưng, có thể cảm nhận những bàn tay bên ngoài một lần nữa đạo diễn thành công “công nghệ” biểu tình, tương tự như “Mùa xuân Ả-rập” hay Euromaizan trước đây.
Đăng Song