Hiệp định Giơnevơ quy định trong vòng 300 ngày kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, lực lượng kháng chiến của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Nam phải tập kết ra bắc vĩ tuyến 17; đồng thời, lực lượng thuộc Liên hiệp Pháp trên lãnh thổ Việt Nam phải tập kết vào nam vĩ tuyến 17.

Thực hiện Hiệp định đình chiến, sau khi bố trí lực lượng ở lại, cất giấu vũ khí  chuẩn bị đối phó trong trường hợp địch tráo trở phá bỏ hiệp định, phần lớn lực lượng của ta ở miền Nam được tập trung về các cửa biển Cà Mau, Hàm Tân, Xuyên Mộc, Bình Định… để lên tàu biển ra Bắc. Do đối phương tìm mọi cách cản trở, nên việc tổ chức bảo đảm cho lực lượng ta ở miền Nam đi tập kết rất khó khăn.

Trên miền Bắc, T.Ư Đảng, Chính phủ xác định đón tiếp đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết là công tác trọng tâm sau đình chiến. T.Ư quyết định thành lập Ban Đón tiếp T.Ư, do Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Văn Tạo làm Trưởng ban. Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Hội (Nghệ An) được chọn làm điểm tiếp đón chính. Trường hợp hai cửa biển này biển động, sẽ tập kết tại bến Ninh Giang (Quý Cao) Hải Dương.

Thực hiện Kế hoạch đón tiếp của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần… nhanh chóng triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Do ta không có tàu biển, nên toàn bộ phương tiện vận chuyển đường biển phải nhờ Liên Xô chi viện 2 tàu Stavropol và Arkhagel, Ba Lan chi viện tàu Kilinski và thuê tàu Prince của Na Uy. Phương tiện vận chuyển bộ do Tổng cục Hậu cần đảm bảo.

Ngày 21-9-1954, chuyến tàu đầu tiên chở bộ đội và đồng bào miền Nam tập kết rời cửa biển Hàm Tân. Tàu cập bến, bộ đội cũng như người dân được đón tiếp chu đáo, bố trí chỗ tạm nghỉ một thời gian. Tại đây, tiêu chuẩn ăn mỗi người 1 ngày 1,2 kg gạo, được cấp mỗi người 2 bộ quần áo, 1 chăn sợi Nam Định, 1 màn,... Cục Quân nhu còn chuyển một số hàng vào Bình Định cấp cho bộ đội Liên khu 5 trước khi lên tàu ra tập kết.

Chính quyền và nhân dân Nghệ An, Thanh Hóa; đặc biệt là địa bàn Cửa Hội, Sầm Sơn đã tạo mọi điều kiện có thể phục vụ đón tiếp. Nhà dân là chỗ nghỉ tạm; nhiều đình chùa là sở chỉ huy, kho quân y, quân nhu. Ngư dân còn huy động hàng trăm thuyền nhỏ để chở người, phương tiện từ tàu lớn vào bờ…

Vũ khí, trang bị kỹ thuật tập kết ra được phân loại: hàng quân khí chuyển về các kho ở Thanh Chương (Nghệ An), Đan Nê (Thanh Hóa); xe máy, phương tiện vận tải chuyển giao cho Cục Vận tải.

Bộ đội và nhân dân tập kêt ra Bắc dồn dập, nhu cầu lớn, trong khi khả năng cung cấp của các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vụ mùa năm 1954 ở đây gần như mất trắng do mưa lũ lớn. Cuối năm 1954 nạn thiếu đói đã xảy ra ở nhiều địa phương… Trong bối cảnh đó, T.Ư xoay xở bằng nhiều cách, tranh thủ nhận viện trợ của Trung Quốc, chuyển một số gạo từ miền Nam ra, và người dân Thanh - Nghệ - Tĩnh đã “dốc thúng, xổ bồ” nhường áo sẻ cơm cùng đồng bào và chiến sĩ miền Nam.

Bằng mọi cách có thể, hơn 6.600 tấn gạo, 174,9 tấn muối, hàng chục nghìn tấn rau củ, thịt, cá, 53.500 bộ quần áo, 63.000 chăn… và 2.737.708 đồng đươc huy động bảo đảm cho bộ đội tập kết; chưa tính lượng bảo đảm cho các đối tượng khác.

Ngày 15-4-1955, chuyến tàu cuối cùng chở bộ đội và nhân dân miền Nam tập kết rời cảng Quy Nhơn, Bình Định. Một số thương binh nặng được chuyển ra Bắc bằng đường hàng không.

Cùng với tổ chức tiếp đón lực lượng vũ trang và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, chúng ta còn tổ chức bảo đảm tiếp đón Quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Lào về nước và bảo đảm cho bộ đội Pa-thét Lào tập kết về hai tỉnh Sầm Nưa, Phong Sa Lì (Thượng Lào).

Ngày 16-11-1954, Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào hoàn thành việc tập kết về miền Bắc và bộ đội Pa-thét Lào cũng hoàn thành nhiệm vụ chuyển quân tập kết về Sầm Nưa và Phong Sa Lì.

Trong vòng 300 ngày kể từ khi Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực, ta đã thi hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ chuyển quân tập kết. Riêng công tác bảo đảm hậu cần là khó khăn, phức tạp nhất; ngành Hậu cần quân đội đã bảo đảm ăn, nghỉ, quân trang, y tế… cho 73.859 cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc chu đáo, an toàn; bào đảm cung cấp cho 3.700 cán bộ, chiến sĩ Pa-thét Lào tập kết về vùng giải phóng Thượng Lào. Ngành Hậu cần - Kỹ thuật cũng tiếp nhận 1.100 tấn vũ khí, trang bị; trong đó có 24 khẩu pháo, 627 tấn máy móc, nguyên liệu, 10 tấn phương tiên thông tin và hơn 200 xe hơi các loại. Đi cùng là hàng nghìn cán bộ Tham mưu, Quân y, cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Đây là nguồn nhân lực, vật lực quý bổ sung cho Quân đội ta sau 9 năm kháng chiến.

Duy Nguyễn