Cuộc bầu cử Tổng thống của Philippines diễn ra ngày 9-5 vừa qua. Theo kết quả kiểm sơ bộ đối với gần 100% số phiếu bầu, ông Marcos Jr giành hơn 56% số phiếu ủng hộ, nhiều hơn gấp 2 lần số phiếu của đối thủ đứng ngay sau ông là ứng cử viên tự do Leni Robredo. Nếu được Ủy ban Bầu cử Philippines xác nhận, ông Marcos sẽ đắc cử trở thành tân Tổng thống quốc gia Đông Nam Á này.

Chiến thắng của ông Ferdinand Marcos Jr,  64 tuổi, đánh dấu sự trở lại Dinh Tổng thống của gia đình Marcos sau nhiều thập niên. Ông là con trai của cố Tổng thống Ferdinand Marcos nhiều tai tiếng. Khi nhậm chức vào cuối tháng 6-2022, ông Marcos sẽ tập trung vào các vấn đề ưu tiên trong cam kết tranh cử như giá năng lượng, việc làm, cơ sở hạ tầng và giáo dục. Đó là những vấn đề đối nội khó khăn. Trong khi đó, lĩnh vực đối ngoại của Manila xem ra khó khăn hơn khi phải đứng trước sự lựa chọn nghiêng về Bắc Kinh hay Washington, hay có giải pháp khác.

Philippines được cho là “át chủ bài” trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, với vùng lãnh hải của họ bao gồm một phần Biển Đông - tuyến đường thủy chiến lược và giàu tài nguyên mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Năm 2016, Tòa Trọng tài ở La Haye đã ra phán quyết có lợi cho Philippines chống lại các yêu sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn trong chiến dịch tranh cử, ông Marcos nói rằng phán quyết này “không hiệu quả” bởi Trung Quốc không công nhận nó. Ông cho biết, sẽ tìm kiếm một thỏa thuận song phương với Trung Quốc để giải quyết những bất đồng giữa hai nước. Phát biểu với Đài DZRH, ông Marcos nói: “Nếu bạn để Mỹ bước chân vào, bạn sẽ biến Trung Quốc trở thành kẻ thù của mình”. Theo những phát biểu của ông Marcos, có vẻ Manila sẽ theo đuổi giải pháp đàm phán song phương với Trung Quốc để tìm giải pháp cho nhiều vấn đề. Cách tiếp cận bằng cách xây dựng quan hệ thân thiết với Trung Quốc cũng là cách làm của cha ông Marcos. Cha của ông đã lãnh đạo Philippines trong 20 năm cho đến năm 1986 và là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng đã bắt đầu can dự với Trung Quốc sau khi quan hệ ngoại giao hai nước được thiết lập vào năm 1975.

Trong khi đó, cho dù quan hệ giữa Manila và Washington đang ở thời kỳ nguội lạnh trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Rodrigo Duterte, ngày 11-5, Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken đã chúc mừng ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr, đồng thời cho biết sẽ tìm cách đẩy mạnh quan hệ an ninh với Philippines dưới thời Tổng thống mới. Trong tuyên bố chúc mừng, Ngoại trưởng Blinken khẳng định mong muốn hợp tác với ông Marcos Jr để củng cố mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa Mỹ và Philippines.

Như vậy, dù có nhiều bất đồng với Philippines về các vấn đề liên quan tới nhân quyền trong các chiến dịch thanh trừ các băng đảng ma tuý mạnh tay dưới thời ông Duterte, Washington vẫn bày tỏ mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với Manila dù mọi tín hiệu cho thấy quan hệ Manila - Bắc Kinh sẽ nồng ấm hơn trong tương lai. Tuy mong muốn là vậy nhưng các mối quan hệ của ông Marcos với Mỹ đang trở nên phức tạp do việc ông từ chối hợp tác với Tòa án quận Hawaii. Năm 1995, Tòa đã yêu cầu gia đình Marcos phải trả 2 tỷ USD cho các nạn nhân nằm dưới sự cai trị của Marcos Sr. Trong 15 năm qua, ông Marcos chưa từng đặt chân tới Mỹ, lo sợ về những hậu quả mà ông và mẹ của ông đang phải đối mặt do phán quyết của tòa án và khoản tiền phạt 353 triệu USD…

Dù có quan hệ cá nhân thân thiết với Trung Quốc nhưng có lẽ ông Marcos sẽ vẫn phải thừa nhận một thực tế rằng liên minh Mỹ - Philippines quan trọng hơn bao giờ hết. Hiệp ước phòng thủ chung cũng như các quan hệ sâu sắc, lâu dài về quốc phòng giữa Philippines và Mỹ sẽ là điều cả hai quốc gia này luôn cần, nhất là khi Mỹ muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ này. Cân bằng quan hệ với hai nước lớn đang cạnh tranh gay gắt là bài toán khó của tân Tổng thống Philippines.

Thanh Huyền