Hồi còn nhỏ, hầu hết trong mỗi chúng ta đều có một thần thượng để ngưỡng mộ. Đó có thể là danh thủ bóng đá, minh tinh Hollywood, đại văn hào lỗi lạc, hay ngôi sao ca nhạc lừng danh... Nhưng tuyệt nhiên chúng ta thường bỏ quên cha mẹ, ông bà mình.

Thực ra, thần tượng ai đó theo thiên hướng tích cực không có gì phàn nàn. Nó là một nền tảng tốt đẹp, định hướng lối đi, thậm chí có thể gây ảnh hưởng cho chúng ta trong suốt một quãng đời. Vì lẽ đó, sự tương quan giữa thần tượng và người hâm mộ đó là một mối quan hệ hữu ích, có lợi cho cá nhân lẫn cộng đồng. Một khi con người nghĩ về những điều tươi đẹp thì cái tốt lên ngôi, cái xấu bị hạ bệ.

Như câu chuyện về cháu gái tôi. Cô bé rất thần tượng một ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc. Trong cái cặp nhỏ bé của cháu, ngoài đồ dùng học tập lại có nhiều hình ảnh về thần tượng mình. Và suốt thời niên học cấp hai, cũng như đang cuối cấp ba, cô bé luôn muốn gặp thần tượng của mình cho bằng được. "Con cố gắng học tốt, đậu đại học, du học sang Hàn Quốc để gặp anh ấy" - cô bé tự tin thế. Cả nhà lắc đầu ngao ngán. Nhưng ngẫm lại khó mà trách được. Vì ở cái tuổi chưa suy nghĩ chín chắn, thì những việc ấy cũng là lẽ thường tình (ai mà không trải qua một thời niên thiếu nông nổi). Cũng may, khi thi đậu trung học phổ thông, cháu đã vơi đi những cuồng nhiệt về ngôi sao Hàn Quốc và chọn cho mình một trường đại học về truyền thông.

Tuy nhiên, có rất nhiều bạn trẻ, đam mê thần tượng đến mức không còn là chính mình, không thoát ra được cuộc sống của thần tượng. Họ thường nghĩ về thần tượng với lòng say mê mãnh liệt: ăn, ngủ, chơi cùng thần tượng. Thậm chí, có người còn mua tất cả những món quà lưu niệm liên quan đến thần tượng để nâng niu, chi tiền ra mua chiếc vé đắt đỏ chỉ để xem thần tượng biểu diễn trong vài giờ (mà đó lại là tiền của ba mẹ cho) rồi gào khóc thống thiết. Không ít người hâm mộ sẵn sàng hào phóng mua hoa, quà tặng cho thần tượng trên sân khấu tốn vài triệu đồng, nhưng một món quà nho nhỏ cho cha mẹ, ông bà lại quá hiếm hoi. Thần tượng buồn, ta cũng ủ rũ theo; thần tượng kết hôn, ta vui sướng gào ghét... Còn với gia đình, đôi khi đó chỉ là một thứ tình cảm hiển nhiên, bình thường đến mức nó trôi qua nhạt nhòa. Bởi lẽ chúng ta nghĩ, dù gì đi nữa, gia đình được gặp mỗi ngày, mỗi bữa, chẳng có gì lạ. Ngay cả những việc làm của cha mẹ vì chúng ta, sự hy sinh thầm lặng đáng kính, nhưng ta nào có nhận ra?

Rồi khi chúng ta bước ra ngoài xã hội, tự lập, vẽ lối đi riêng, vô vàn gian gian khó, chông gai đang chờ ta ở phía trước. Khi chiến thắng, chúng ta luôn tự kiêu hãnh với điều mình đạt được. Nhưng lúc thất bại, gian truân, chúng ta mới ngồi suy ngẫm lại cuộc đời mình. Rằng, điều đầu tiên ta muốn chia sẻ gánh nặng ấy không phải là thần tượng mà là cha mẹ, ông bà mình. Mới hay, hóa ra lâu nay, cái người ta thần tượng nhất, đam mê nhất, yêu thương nhất không phải ai khác ngoài gia đình ta.

Đặng Trung Thành