Người có tiền sử cao huyết áp cần kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Huyết áp tăng cao bất ngờ có thể dẫn đến đột quỵ và gây nguy hiểm đến tính mạng con người nếu không biết cách sơ cứu kịp thời, đúng cách.

Dấu hiệu tăng huyết áp

Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng và chỉ tình cờ biết khi đi khám sức khỏe. Các dấu hiệu của tăng huyết áp khá chung chung, không mang tính chất đặc hiệu.

Tăng huyết áp đột ngột là tình trạng các chỉ số huyết áp tăng cao bất thường một cách nhanh chóng khiến người bệnh không kịp trở tay. Bình thường, huyết áp của người trưởng thành có sức khỏe tốt sẽ ở mức 120/80mmHg. Tăng huyết áp đột ngột là tình huống huyết áp đột nhiên tăng rất cao, chỉ số huyết áp lên nhanh, có thể lên 200mmHg, trên 200mmHg.

Khi gặp tình trạng tăng huyết áp đột ngột, bệnh nhân có một số biểu hiện như đột nhiên đau đầu dữ dội, đau ngực dữ dội, người mệt mỏi…

Ngoài ra còn có những biểu hiện thường liên quan đến những biến chứng mà cơn tăng huyết áp đột ngột gây ra: cơn đau thắt ngực, lú lẫn, lơ mơ, thậm chí có thể co giật. Nếu có cơn đột quỵ có thể bị liệt, yếu một bên người, méo miệng, hôn mê…

Xử lý khi tăng huyết áp đột ngột

Khi bị tăng huyết áp đột ngột cần phải xử trí kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm cần gọi cấp cứu ngay và thực hiện các bước sau:

Cho người bệnh nằm nghỉ ngơi tại chỗ, hít thở sâu, thả lỏng cơ thể.

Trong trường hợp bệnh nhân vẫn đang còn tỉnh thì sử dụng các thuốc hạ áp có tác dụng nhanh như captopril hoặc dòng nifedipine. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp kiểm tra không thấy hơi thở của bệnh nhân hoặc không thấy nhịp tim, cần thực hiện hô hấp nhân tạo ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt. Nếu bệnh nhân hôn mê, phải giữ cho đường thở của bệnh nhân thông thoáng, không bị các chất dịch chèn ép đường thở.

Phòng tránh tăng huyết áp đột ngột

Để phòng ngừa các cơn tăng huyết áp, cấp cứu những bệnh nhân đã có tiền sử tăng huyết áp cần tuân thủ đúng và đủ theo yêu cầu phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.

Không tự ý sử dụng thuốc hoặc ngưng thuốc, tất cả quá trình đều phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Những người có nguy cơ bị tăng huyết áp nên đến các bệnh viện uy tín để thăm khám, kiểm tra định kì, nắm rõ tình trạng của mình, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, không nên ăn những thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ; nên bổ sung rau xanh, những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng ở mỗi bữa ăn để tránh tình trạng thừa cân béo phì. Tích cực rèn luyện sức khỏe, tăng cường luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày. Từ bỏ rượu bia, chất kích thích gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Xây dựng lối sống lành mạnh. Chú ý sắp xếp cân bằng thời gian dành cho công việc và thời gian để bản thân nghỉ ngơi. Tránh làm việc quá sức gây căng thẳng dễ ảnh hưởng đến huyết áp.

Thành An