Mùa hè năm 1973, anh em chúng tôi trong đội hình Trung đoàn 59 Bộ Tư lệnh (BTL) Thủ đô (tôi là chiến sĩ c42, d54) được tăng cường cho chiến trường miền Nam, có mặt ở Cần Thơ và được biên chế thuộc Đại đội 2 Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 - U Minh, Quân khu 9. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 hồi đó là chú Phạm Văn Trà, quê Phù Lãng, Bắc Ninh. Chú Trà vào chiến đấu ở chiến trường miền Tây đã chục năm, nên bộ đội và nhân dân thân quen gọi chú là Ba Trà. Chú Phạm Văn Trà, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Từ khi vào chiến trường cho đến ngày kết thúc kháng chiến chống Mỹ, số cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 59 BTL Thủ đô cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Bắc khác được tăng cường cho Trung đoàn 1 - U Minh đã tham gia nhiều trận đánh, tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều trận, Trung đoàn giành thắng lợi giòn dã; nhưng cũng có trận tổn thất khá lớn, điển hình là trận đánh chi khu Ba Càng (Vĩnh Long) ngày 12-4-1975, hơn 60 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có nhiều đồng đội thân thiết của tôi quê miền Bắc.
Đa phần số cán bộ, chiến sĩ miền Bắc tăng cường cho Trung đoàn 1 được cán bộ đơn vị - đặc biệt là chú Ba Trà tin yêu, bởi với ông đây là những người lính trẻ, có học vấn, được huấn luyện cơ bản, thông minh, dũng cảm, ra trận luôn đánh hết mình (trích hồi ký “Đời Chiến sĩ” của Đại tướng Phạm Văn Trà - Đại tá Duy Tường thể hiện, Nxb QĐND).
Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Nhưng “Ngày vui ngắn chảng tày gang”, ngay sau khi ta giải phóng miền Nam thì ở vùng biển Tây Nam, quân Pôn Pốt (Khmer đỏ - Campuchia) đã đánh chiếm đảo Hòn Ông, Hòn Bà, chiếm một phần đảo Thổ Chu, giết hại hàng trăm dân thường; đưa thuyền áp sát Dương Đông… Phải chặn đứng hành động xâm lược của quân khát máu diệt chủng, cùng các đơn vị thuộc Quân khu 9, Trung đoàn 1 được lệnh hành quân chiến đấu.
Nhận lệnh của Chỉ huy trung đoàn, cuối tháng 5-1975, Tiểu đoàn 309 chúng tôi rời địa bàn Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, hành quân xuống Rạch Sỏi, Rạch Giá; sau đó lên tàu của Hải quân ra Phú Quốc và từ đó tiến đánh quân Pôn Pốt, giải phóng đảo Hòn Ông, Hòn Bà. Đã là người lính, “đâu có giặc là ta cứ đi”, nhưng thú thực tâm trạng của anh em chúng tôi khi đó không hào hứng như thời ra trận đánh Mỹ. Bởi kẻ thù lúc này đã từng một thời là “bạn” chung chiến hào đánh quân Mỹ xâm lược. Một số anh em có tư tưởng cầu an. Có trăn trở, băn khoăn, nhưng đã ra trận tất cả cùng chung quyết tâm giành chiến thắng.
Trên bản đồ, đảo Hòn Ông, Hòn Bà (Poulo Wai) cách An Thới, Phú Quốc khoảng 60 hải lý về phía tây. Hòn Ông có đỉnh cao nhất 91m, trên đảo có một cây đèn biển. Hòn Bà có đỉnh cao nhất 61m, trên đảo có một sân bay giã chiến. Hai đảo cách nhau khoảng 3km. Địch trên mỗi đảo có khoảng 530 tên, thuộc Trung đoàn 21 Sư đoàn 3 Khmer đỏ.
Chiều ngày 4-6, chúng tôi lên tàu há mồm (LCM) của Hải quân, chính thức hành quân chiến đấu. Thời gian này vùng biển Tây Nam dông tố thất thường. Sau hơn một chục giờ vượt sóng to, mưa lớn, tàu chúng tôi tiếp cận đảo vào tầm 3 giờ sáng ngày 5-6. Tranh thủ đêm tối, chúng tôi đổ bộ lên đảo. Vị trí tập kết hiểm trở, có nhiều đá ngầm, tàu bị mắc kẹt, nên đổ bộ rất khó khăn. Một số anh em không quen đi biển bị say sóng, rất mệt, nhưng vẫn vượt lên chính mình để lội bộ gần một trăm mét để lên bờ. Trong trận này, tôi được đảm nhiệm Mũi trưởng thuộc Đại đội 2 Tiểu đoàn 300. Đại đội tôi chiếm lĩnh điểm cao, triển khai đánh hướng cầu tàu, là hướng chính, bị địch phát hiện, phản kích dữ dội. Chiến đấu liên tục gần một ngày và được hỗ trợ của hỏa lực trên tàu hải quân, trực thăng vũ trang…, đến 4 giờ chiều ngày 5-6 chúng tôi mới chiếm được kho đạn, kho lương thực và bể nước ngọt của địch.
Trong chiến đấu, tôi và Phạm Trọng Việt (nguyên chiến sĩ c91, d78, e59 BTL Thủ đô) đều bị trúng mảnh đạn pháo. Tôi bị mảnh đạn pháo găm vào bụng và ngực, máu trào ra miệng; đầu gối chân phải cũng trúng đạn, tê dại. Linh cảm cái chết cận kề, tôi thều thào gửi lời chào mọi người và gia đình mình qua đồng đội là Bế Lương (người bà con quê Cao Bằng, nguyên chiến sĩ c86, d76, e59 BTL Thủ đô), rồi bất tỉnh…
Sáng hôm sau (6-6), có tiếng va lắc mạnh thành tàu, tôi hồi tỉnh và cảm thấy toàn thân đau đớn, khó thở. Đó cũng là cảm nhận trong quá trình được quân y chuyển thương về đảo lớn An Thới, Phú Quốc. Tỉnh một chút, ngó nghiêng xung quanh, tôi thấy mình nằm cạnh các bao ni lông đựng thi thể đồng đội; thấy Phạm Trọng Việt nằm bất động, đầu quấn băng máu thấm đẫm. Lực lượng quân y đem cáng xuống khoang tàu chuyển thương binh về trạm phẫu tiền phương tại một điểm cao gần trại giam Phú Quốc. Trước lúc được cáng lên bờ, tôi kịp chào vĩnh biệt những đồng đội đã hy sinh, mà thi thể cũng được chuyển về theo tàu cùng với mình.
Sau đó, tôi được thông tin Hòn Ông và Hòn Bà đươc giải phóng hoàn toàn ngày 14-6. Trung đoàn 1 chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; trả thù cho hàng trăm đồng bào đã bị bọn Pôn Pốt giết hại, đồng đội tôi hy sinh trong chiến đấu.
Khi thời tiết thuận lợi cho máy bay hoạt động, tôi được đưa lên máy bay CH47 chuyển về Cần Thơ, điều trị tại Bệnh viện Phan Thanh Giản (sau là Bệnh viện 121, Quân khu 9). Những ngày điều trị vết thương ở Cần Thơ, tôi được các má, các chị và các em ở đây chăm sóc tận tình, chu đáo, xem chúng tôi như con em của họ… Sau một thời gian điều trị tại Cần Thơ, tôi được chuyển ra Bắc điều trị, rồi tiếp tục công tác trong Quân đội cho đến ngày nghỉ hưu
Kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trận đánh giải phóng các đảo phía Tây Nam Tổ quốc đã đi vào lịch sử gần nửa thế kỷ; nhưng những kỷ niệm một thời vào sinh ra tử, kỷ niệm được làm người lính Trung đoàn 1 - U Minh ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, được chiến đấu dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Phạm Văn Trà - chú Ba Trà, luôn là niềm tự hào, là những kỷ niệm sâu sắc trong tôi. Gần nửa thế kỷ đó, mỗi khi điều kiện cho phép, chúng tôi lại trở về thăm lại chiến trường xưa, gặp lại những vùng đất, những con người đã chở che, đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ chúng tôi trong chiến đấu. Tôi cũng thật sự vui mừng, xúc động gặp lại Đặng Việt Tiến Dũng (nguyên chiến sĩ thuộc c91, d78, e59 BTL Thủ đô) - nguyên chiến sĩ Đội phẫu 46 tiền phương Quân khu 9 đã ngày đêm chăm sóc số thương binh (trong đó có tôi) được đưa về từ trận đánh giải phóng đảo Hòn Ông, Hòn Bà.
Mối lần ra Phú Quốc, tôi đều đến Nghĩa trang liệt sĩ ở đây, kính cẩn dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, trong đó có 24 đồng đội tôi hy sinh vì chủ quyền và bình yên của vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Trần Tường Huấn - CCB Trung đoàn 1 U Minh, Sư đoàn 330