Tiểu đoàn 166 vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.
Báo tháng 4 - Để bảo đảm hậu cần cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị trong mùa hè rực lửa 1972, trong khi vận chuyển bằng đường bộ gặp muôn vàn khó khăn, đầu tháng 6-1972, BTL Bộ đội Trường Sơn quyết định thành lập Tiểu đoàn 166 vận tải thủy trực thuộc Binh trạm 12. Tiểu đoàn có nhiệm vụ nhận hàng vận chuyển theo hệ thống sông Thạch Hãn vào chi viện cho các đơn vị chiến đấu trong Thành Cổ. Đang là Chính trị viên Tiểu đoàn 102 ô tô vận tải, tôi được BTL điều sang làm Chính trị viên Tiểu đoàn 166. Thế là từ rừng, tôi xuống sông, ra biển; từ cưỡi ô tô lại xuống sang đi thuyền.
Tiểu đoàn 166 biên chế ba đại đội (7, 8, 9); trang bị chủ yếu là ca nô, thuyền trọng tải nhỏ. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn có anh Lê Hoan - nguyên cán bộ Hải quân tăng cường làm Tiểu đoàn trưởng; tôi - Chính trị viên, anh Huỳnh Khương - Tiểu đoàn phó và anh Nguyễn Văn Hiệm - Chính trị viên phó.
Công việc chuẩn bị hết sức khẩn trương, cuối tháng 6-1972 thì lực lượng vận chuyển đường sông của Đại đội 8 bắt đầu chuyển hàng vào chi viện cho các đơn vị trong Thành Cổ. Các thủy thủ có kinh nghiệm, gan dạ: Cõn, Chung, Khiết, Toán, Tôn, Hoạt... được chọn đi chuyến đầu tiên. Thuyền đi ban đêm. Mặc dù đã được khảo sát trước, nhưng chưa được kỹ càng; luồng lạch chỗ nông, chỗ sâu, nên thuyền dễ mắc cạn; hơn nữa, lòng sông dày đặc rêu rong, thuyền máy chạy được một quãng là bánh lái bị rêu rong quấn chặt, làm chết máy. Cán bộ, chiến sĩ lại ngâm mình gỡ rong rêu, thuyền mới đi được...
Thuyền chở gạo, đạn thuốc chiến thương vào tiếp tế cho các đơn vị chiến đấu giữ Thành Cổ và nhận thương binh, chuyển về tuyến sau. Nhiều chuyến đi cùng thuyền chở hàng vào Thành Cổ, tôi đã chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 Sư đoàn 312 và Trung đoàn 95 Sư đoàn 325 vui mừng khi nhận được gạo, đạn... của chúng tôi chuyển vào và giải tỏa được tình trạng dồn ứ thương binh không kịp chuyển về tuyến sau.
Những con thuyền nhỏ nhoi của Tiểu đoàn chúng tôi, hoặc men theo mép bờ biển vào giao hàng tại Gia Đẳng, Mỹ Thủy; hoặc luồn lách theo các con sông Vĩnh Định, Thạch Hãn, lặng lẽ trong đêm làm nhiệm vụ, đã hứng chịu biết bao trận oanh kích của máy bay đủ loại và pháo từ các hạm tàu địch trên biển nã vào... Nhưng nghĩ tới những đồng đội đang gồng mình đánh địch, chốt giữ Thành Cổ, thì không ai chùn bước, lơi tay lái.
Đã ngót mười năm lăn lộn trên chiến trường Trường Sơn, ngồi sau tay lái ô tô vượt qua biết bao trọng điểm đánh phá của địch, như Văng Mu, Xiêng Phan, Tha Mé, Phu La Nhích, Tà Lê, Cua chữ A (tập đoàn trọng điểm ATP)..., hứng chịu bao lần bom tọa độ, rải thảm..., nhưng chưa bao giờ và chưa ở đâu, tôi chứng kiến sự đánh phá khốc liệt, dữ dội của địch như ở Quảng Trị mùa hè năm 1972. Chính ủy Đặng Tính cũng đã có lần thốt lên với anh em chúng tôi rằng địch đánh trên đường Trường Sơn đã dữ, nhưng chưa có nơi nào ác liệt như ở Cửa Việt lúc này!
Sau này được đọc mấy câu thơ của anh Lê Bá Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...”, tôi liền nghĩ ngay đến những đồng đội tôi - những người lính vận tải đường sông chúng tôi hy sinh trong những tháng ngày cam go. Lúc đó, mỗi khi nước triều xuống, lòng sông hẹp; nước sông Thạch Hãn như đặc quánh lại bởi xác người, xác trâu bò chết trôi nổi, trộn với mùi bom đạn khét lẹt, nồng nặc. Nên dù có lấm lem, bẩn thỉu, anh em chúng tôi cũng không dám rửa mặt... Đúng là sông chết! Vậy mà chúng tôi vẫn căng sức ra quần lộn với địch trên dòng sông này từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 10 -1972; đêm đêm chuyển hàng vào cho bộ đội Thành Cổ.
Tới trung tuần tháng 7, cuộc chiến giữ Thành Cổ đã đến hồi quyết liệt nhất. Chúng tôi ý thức được chi viện người và vật chất cho Thành Cổ là vấn đề sinh tử. Đảng ủy, Chỉ huy tiểu đoàn chủ trương tranh thủ tuần có trăng, tập trung cả ba đại đội xuồng vận chuyển. Anh Nguyễn Trung chỉ huy thê đội 1, tôi chỉ huy thê đội 2; anh Lê Hoan chỉ huy chung, đốc chiến.
Biết ta quyết giữ Thành Cổ; địch một mặt tăng cường binh - hỏa lực tái chiếm; mặt khác chặn cắt, phong tỏa các tuyến vận chuyển ven biển và đường sông, mà chúng coi như những mạch máu ít ỏi của ta đang nuôi những chiến sĩ Thành Cổ. Trên các tuyến sông, địch đánh suốt ngày đêm; kết hợp các loại bom phá, sát thương, nổ ngay, nổ chậm, thủy lôi...
Tối ngày 21-7-1972, cũng như những đêm trước đó, tôi đi cũng Đại đội 8. Dẫn đầu đội hình của Đại đội là Trung đội 1, gồm các thủy thủ lão luyện: Chung, Cõn, Khiết. Tiếp theo là thuyền của các lái trưởng: Đỗ Kính, Đại, Hiệp... Thuyền của tôi đi gần cuối đội hình, do lái trưởng Sơn điều khiển. Thuyền chở đằm hàng, lặng lẽ đi trong đêm tháng 7 trời đầy sao. Thuyền rời bến được một quãng khá xa, đến ngang khu vực xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tôi thấy phía trước từng loạt ba phát đạn lửa - súng AK bắn chỉ thiên. Lái trưởng Sơn phán đoán có thể thuyền đi trước gặp biệt kích, nên báo hiệu để thuyền đi sau đối phó. Một vài loạt AK nữa lại nổ đanh, gọn. Tôi phán đoán rồi bảo Sơn và anh em thủy thủ, có lẽ thuyền đi trước bị hỏng, đang gọi cấp cứu:
-Đúng là tín hiệu cấp cứu rồi, tăng tốc lên để giúp anh em - Tôi nói to, sợ tiếng máy đang rồ lên, Sơn nghe không rõ.
Sơn tăng ga. Con thuyền gằn lên một nhịp rồi lao đi. Bất thần, một quầng lửa bùng lên kèm một tiếng nổ dữ dội. Cả con thuyền cùng mấy anh em chúng tôi và hàng hóa bị nhấc khỏi mặt nước, hất tung lên trời. Trong chớp lửa, mặc dù bị hất tung lên cao, nhưng trước khi bị ném xuống, tôi cũng kịp nhìn thấy hình hài một vài anh em như khúc gỗ bị quăng quật...
Sau này, khi điều trị bình phục vết thương khá nặng, sức khỏe tạm ổn, tôi được anh em chứng kiến sự kiện hôm đó kể lại: Những loạt AK của anh em thuyền đi trước, không phải báo hiệu hỏng máy thuyền hay gặp nạn, mà báo với thuyền đi sau là địch đã rải thủy lôi. Thế là, chưa kịp “giải mã” thông tin ấy, thuyền chúng tôi đã dính thủy lôi. Tôi bị hất lên cao rồi rơi đập đầu xuống sàn thuyền, nên mặt mũi dập nát; bùn xộc vào miệng, mũi, tai... làm cho tôi gần như tắc thở. Nhưng đau đớn hơn là: lái trưởng Sơn, thủy thủ Miến và hai chiến sĩ mới bổ sung ban chiều, tôi chưa biết tên, đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông lửa...!
Sau này, mỗi khi nhớ lại sự kiện đêm 21-7-1972 trên sông Thạch Hãn, nhớ đến sự hy sinh của đồng đội, đặc biệt là hai chiến sĩ trẻ chưa kịp biết tên, trong tôi lại trào dâng nỗi thương xót, ngậm ngùi!
Thiếu tướng HOÀNG ANH TUẤN kể, DUY TƯỜNG ghi