Phân tích tình hình tăng trưởng GDP qua các quý và tình hình kinh tế-xã hội những tháng qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết quý 1, GDP tăng 4,76%; quý II, tăng 5%; quý 2 tăng 5,54%, quý 4 dự báo tăng 5,6%-5,7%. Như vậy, cả năm tăng trưởng GDP đạt mức 5,3%-5,4%, so với mức tăng của năm 2012 là 5,25% thì không có vấn đề gì đặc biệt.

Kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến, ngành công nghiệp chế biến thủy sản 9 tháng năm 2013 đã tăng thêm 6,8% so với năm trước, các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại đều có mức tăng, đây là những con số đo đếm được. Xuất nhập khẩu năm 2012 khu vực FDI tăng nhưng khu vực sản xuất trong nước giảm, năm nay song song với tăng khu vực nước ngoài, xuất khẩu trong nước đã tăng 4,4%. Những con số đó chứng minh được rằng sản xuất đang phục hồi, trong các lĩnh vực đều có chuyển biến tốt, mặc dù chưa nhiều, chưa căn bản, chưa thật sự bền vững.

Về vấn đề tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, 10 tháng năm 2012 tăng trưởng tín dụng cả hệ thống ngân hàng ở mức gần 3%, nhưng cả năm 2012 mức tăng trưởng đã là 8,9%. 10 tháng năm nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6,8%, nếu tính cả dư nợ tín dụng đã được xử lý, thực tế tăng trưởng tín dụng mới của nền kinh tế 10 tháng đã tăng lên mức 7,89%.

Về tăng trưởng tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, Thống đốc cho biết năm 2013, tăng trưởng tín dụng toàn ngành còn ở mức khiêm tốn nhưng tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp đã tăng thêm 15% và theo kế hoạch có thể đạt từ 15%-18%. Điều đặc biệt là nợ xấu trong nông nghiệp, nông thôn ở mức thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung hệ thống.

Báo cáo của các tổ chức tín dụng cho thấy, hiện nay, nợ xấu của toàn hệ thống là 4,64% nhưng nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ là 3%. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tiến hành sơ kết lại Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn nhằm đánh giá tồn tại của Nghị định này cũng như hướng sửa đổi trong thời gian tới để phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt phù hợp với thực tế hiện nay trong hoạt động nông nghiệp cũng như phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nợ xấu của ngân hàng và nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) - một trong những vấn đề được đại biểu hết sức quan tâm trong 1 ngày rưỡi thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải đáp kỹ càng. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến nay tổng số nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại cho các khoản vay lên tới trên 300 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng số nợ.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, để xử lý được nợ xấu phải có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa - như các đại biểu đã nêu, nếu giải quyết được nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản sẽ giải quyết được rất nhiều khoản nợ xấu. Vấn đề lớn nhất là phải có các giải pháp tổng thể để tăng tổng cầu của nền kinh tế để nền kinh tế có triển vọng tốt hơn, góp phần giải quyết một cách căn bản nợ xấu. Thời gian tới, ngoài các giải pháp đã triển khai, Ngân hàng Nhà nước tích cực phối hợp với các bộ, ngành, có giải pháp tháo gỡ, liên kết “4 nhà” để đảm bảo việc mua bán hàng hóa được thông thoáng hơn, giảm tồn kho.

Hoàng Linh(TH)