Trên thế giới hiện còn tồn tại những khối đá với nhiều bí ẩn xung quanh chưa được giải đáp. Một trong số đó có thể kể tới khối đá tự nhiên Al Naslaa nằm ở ốc đảo du lịch Tayma, Ả Rập Saudi.
Thoạt nhìn, khối đá không có gì quá hấp dẫn. Nhưng để ý kỹ, người ta sẽ thấy nó được chia bởi vết cắt chẻ làm hai phần hoàn hảo và chuẩn xác đến khó tin. Thậm chí nhiều người hoài nghi, cho rằng người ngoài hành tinh đã tới thăm Ả Rập Saudi cách đây hàng nghìn năm?; Phải chăng đây là một tác phẩm “điêu khắc” đặc biệt bằng công nghệ laser hiện đại như trong những bộ phim viễn tưởng mà chúng ta hay xem...?
Tảng đá sa thạch này được phát hiện từ thế kỷ XIX do một nhà khảo cổ học người Mỹ tìm ra. Tảng đá cao chừng 9m, rộng khoảng 7,5m, có trọng lượng hàng trăm tấn, đứng cân bằng trên tảng đá nhỏ hơn ở phía dưới. Khác với phía trước, mặt sau của khối đá Al Naslaa không bằng phẳng.
Đặc biệt đến bí ẩn chính là khoảng cách chia đôi khối đá hoàn hảo với cự ly đều nhau tới hàng milimet, chuẩn xác như thể được cắt gọt bằng công nghệ laser. Trong khi đó, thế giới hiện đại mới chỉ biết tới công nghệ này từ thập niên 60 của thế kỷ XX. Thậm chí, theo nhiều nhà khoa học ngày nay kể cả với các loại máy móc hiện đại của con người thì việc cắt được một tảng đá có thể tích lớn như thế, với đường cắt “sắc ngọt” như thế, là việc làm bất khả thi.
Đến nay, chưa ai giải thích được nguồn gốc của vết cắt có từ bao giờ? Đây là sản phẩm của con người hay là hiện tượng tự nhiên? Một số ý kiến còn cho rằng, đây là tác phẩm của nền văn minh cổ đại tiên tiến hơn những gì con người đương đại nghĩ. Thậm chí có video đưa ra nhằm làm sáng tỏ sự hình thành của vết cắt trên đá là bằng chứng của "công nghệ cao" thời kỳ đầu.
Đứng dưới góc độ địa chất học, nhà nghiên cứu Cherry Lewis đến từ trường Đại học Bristol (Anh) giải thích, tảng đá bị cắt đôi "ngọt" đến vậy có thể là sản phẩm của Mẹ thiên nhiên. Ông lập luận: "Sự phân chia được hình thành do quá trình hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm, khi nước lọt vào một vết nứt nhỏ trên đá. Nhiệt độ giảm xuống, nước đóng băng và nở ra khiến vết nứt rộng, dài ra. Khi băng tan, nước đi sâu hơn vào vết nứt. Quá trình cứ lặp lại suốt thời gian dài. Đồng thời là sự xói mòn của gió trong môi trường sa mạc. Hiệu ứng phun cát cũng có thể tạo ra bề mặt nhẵn bóng nếu bề mặt đó gặp phải gió mạnh”
Tuy nhiên, chúng ta đều thấy nếu là một sản phẩm của tự nhiên sẽ không bao giờ tạo ra một vết cắt “ngọt” và phẳng một cách tuyệt đối như vậy. Bởi dưới tác động của tự nhiên thì những tác động của gió và cát trong sa mạc sẽ tuân theo một quy luật ngẫu nhiên, kết quả là chúng ta sẽ có những vết cắt với hình dạng khác nhau, xiên xẹo và xô lệch như các khối đá mà chúng ta vẫn thấy trong tự nhiên.
Ngoài ra, trên bề mặt khối đá có những hình vẽ, ký tự bí ẩn. Đáng chú ý có hình ảnh của một người đàn ông và con ngựa. Theo tài liệu cổ ghi lại, ốc đảo Tayma có từ thế kỷ thứ VIII Trước Công nguyên. Những chữ tượng hình trên tảng đá có nhắc tới Tayma là một phần của tuyến đường bộ quan trọng, kết nối giữa Biển Đỏ của bán đảo Ả Rập với thung lũng sông Nile.
Bất chấp những nghi vấn kể trên, đến nay khối đá khổng lồ này đã trở thành điểm đến hút khách từ khắp nơi trên thế giới.
Hoàng Nguyễn