Công an huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình tuyên truyền cho học sinh đội mũ bảo hiểm đúng quy cách.
Theo báo cáo mới đây của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, tại Việt Nam có tới 70% số vụ va chạm giao thông đường bộ liên quan tới nhân tố con người, và 40% số vụ va chạm giao thông đường bộ do hành vi có nguy cơ cao dẫn tới mất ATGT hậu quả lớn: vi phạm về tốc độ, sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia, sử dụng điện thoại, hoặc không sử dụng các thiết bị an toàn. Thực tế này cho thấy cần có những giải pháp toàn diện quản lý các yếu tố có nguy cơ cao gây mất ATGT hoặc hậu quả lớn tại Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự, ATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số người chết do TNGT chỉ giảm 30 người, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, còn xảy ra một số vụ TNGT có hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong đó, có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện gâyTNGT. Điển hình là vụ TNGTxảy ra đêm ngày 2-6 vừa qua tại tỉnh Bắc Giang làm 3 người chết.
Để thựchiện mục tiêu kéo giảm TNGT năm 2022 từ 5-10% so với năm 2021 cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ngăn ngừa các vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có công điện đề nghịcác Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các đơn vị có liên quan chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, sĩ quan, hạ sĩquan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe; có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy. Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ, Sở Y tế và cơ quan chức năng của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định củaNghị định số 117/2020/NĐ-CP. Cơ quan thông tấn, báo chí ở T.Ư và địa phương tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của TNGT nói chung, TNGT do vi phạm về nồng độ cồn nói riêng để nâng cao nhận thức của người dân, nghiêm túc thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng số và vào các khung giờ vàng trên sóng truyền hình.
Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục theo dõi, kiểm tra các cơ quan thành viên, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP; định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Hoàng Linh