Xe chở hàng hóa thiết yếu được lực lượng chức năng kiểm tra và tạo điều kiện lưu thông.
Từ ngày 24-7, T.P Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô đã được tiến hành đồng bộ với những biện pháp cấp bách.
Theo ghi nhận của PV, ngay sau khi UBND T.P Hà Nội chính thức triển khai thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày, Công an thành phố đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, các đơn vị liên quan cấm tất cả người, phương tiện vào thành phố, trừ các xe đi “luồng xanh” (phục vụ phòng, chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia và thực hiện công tác vận tải hàng hóa thiết yếu). Tại 22 chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở cửa ngõ Thủ đô, lực lượng liên ngành đã yêu cầu mọi phương tiện quay đầu, không vào Hà Nội.
Ngày 28-7, tại chốt chặn trên đường Hồ Chí Minh, thuộc thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, rất nhiều xe ô tô đi từ vùng có dịch đến, đã phải quay đầu do thiếu các giấy tờ theo quy định về phòng, chống dịch. Trung tá Nguyễn Đức Huấn - Phó đội trưởng Đội CSGT số 12 - Phòng CSGT công an T.P Hà Nội khuyến cáo: Các lái xe cần chủ động chọn lộ trình thích hợp, tránh đi qua Thủ đô, bởi chắc chắn những phương tiện này sẽ không được qua các chốt kiểm dịch. Hiện chỉ có 3 đối tượng ưu tiên được đi lại gồm: Xe chở hàng hoá trên “luồng xanh” quốc gia, xe chở hàng hóa thiết yếu, phục vụ đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, các công trình xây dựng được phép hoạt động, xe công vụ của các cơ quan đơn vị, các loại phương tiện vận chuyển hành khách được cấp phép lưu thông theo quy định.
Không chỉ kiểm soát chặt từ cửa ngõ, lực lượng chức năng T.P Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp người dân vi phạm các quy định về giãn cách xã hội. Công an T.P Hà Nội cho biết: Sau 5 thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng chức năng xử phạt 898 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, đa số là các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, cơ sở kinh doanh không chấp hành dừng hoạt động.
Cụ thể, số lượng hành vi vi phạm chủ yếu bị phạt cao nhất là 169 trường hợp do không đeo khẩu trang nơi công cộng, tổng số tiền xử phạt là 260 triệu đồng. 5 trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động bị xử phạt 67,5 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử phạt hành chính 724 trường hợp với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng về các hành vi vi phạm khác như: Không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết...
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thành lập các tổ công tác đặc biệt, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giãn cách xã hội. Yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể từ thành phố xuống cơ sở xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là cấp bách hàng đầu. Đặc biệt, phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả việc thực hiện giãn cách xã hội và xử lý nghiêm các vi phạm. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu phải công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân biết liên hệ. Cụ thể hóa trách nhiệm giám sát địa bàn cho từng cá nhân cấp ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ các cấp; cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố cũng như khuyến khích các kênh giám sát của nhân dân thông qua mạng xã hội của khu dân cư địa phương.
Nguồn lương thực, thực phẩm sẽ được bảo đảm
Thực hiện chỉ đạo của T.P Hà Nội, các doanh nghiệp tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30%-50%. Thành phố rà soát, bố trí sẵn sàng 1.920 kho dự trữ hàng tại các quận, huyện, ngoài ra còn mở thêm các điểm bán hàng cố định, lưu động khi cần thiết. Phó bí thư Thành ủy - Nguyễn Văn Phong khẳng định: Từ kinh nghiệm của năm 2020 và một số địa phương, Hà Nội đã rất chủ động trong chuẩn bị các nguồn hàng, có kế hoạch cho lưu thông, phân phối, bảo đảm hàng hóa không tăng giá. Người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong: Sở NNPTNT rà soát, cung cấp đầy đủ thông tin các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sản phẩm nông sản gửi Sở Công Thương Hà Nội, cùng các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3-5 lần bình thường. Chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động. Sở Giao thông vận tải Hà Nội tạo “luồng xanh” thông suốt và cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển.
Để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng mua lương thực, thực phẩm, UBND T.P Hà Nội đang triển khai mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị. Tại phường Nhật Tân, phường Bưởi (quận Tây Hồ) mỗi hộ dân được nhận phiếu đi chợ trong 15 ngày giãn cách xã hội, trên phiếu ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ. Mỗi tuần, mỗi hộ có thể đi chợ 4 lần, luân phiên vào một khung giờ nhất định theo ngày chẵn hoặc lẻ và chủ nhật. Mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị đã được triển khai thực hiên ở các phường, quận trên địa bàn Thành phố.
Võ Hóa
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)