Lấy cớ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhà thơ Hoàng Cầm (tên thật là Vũ Đình Long, sinh ngày 22-2-1922, tại thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), ngày 10-4, Đài BBC đã phát chương trình truyền hình trực tiếp giao lưu với hai ông Hoàng Hưng (sinh năm 1942) và ông Thái Kế Toại (sinh năm 1950) bằng hình thức trực tuyến - ông Toại ở Hà Nội, ông Hưng ở T.P Hồ Chí Minh.
Nội dung buổi giao lưu, như đặt vấn đề của người dẫn chương trình, là “Thuật lại và cung cấp thêm tư liệu về một số tác phẩm của nhà thơ Hoàng Cầm”. Hai ông Hoàng Hưng và Thái Kế Toại, ít, nhiều có quen biết, thậm chí nhà thơ Hoàng Cầm đã tặng sách cho ông Toại…
Nhưng rất tiếc hai ông lại cố ý, thậm chí tỏ ra hào hứng để người dẫn chương trình “lái” sang nói những nội dung về văn, thơ thì ít, mà đả kích, bôi nhọ, xuyên tạc đường lối văn nghệ của Đảng ta thì nhiều - vì hơn ai hết hai ông quá hiểu, quá biết những đóng góp lớn lao của nhà thơ tài hoa Hoàng Cầm cho nền văn học nước nhà nói chung, quân đội ta nói riêng.
Đáng trách nhất là phần bình về bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Cầm - bài “Lá diêu bông”, ông Hoàng Hưng đã suy diễn theo ý: Nhà thơ Hoàng Cầm dùng chiếc lá diêu bông (thứ lá không có thật) để ví với con đường đi lên CNXH ở nước ta, nhằm oán trách, phản đối đường lối lãnh đạo của Đảng (!).
Thật trơ trẽn đến bịa đặt với lối suy diễn này!
Nói đến bài thơ “Lá diêu bông” hầu hết bạn đọc nước ta, nhất là thế hệ cùng tuổi với nhà thơ Hoàng Cầm, ai cũng biết, bài thơ là câu chuyện tình có thật của nhà thơ, khi ông mới 10 tuổi, mang lòng yêu say đắm một người con gái kiêu sa, đẹp người, đẹp nết, tên là Vinh hơn tuổi, nhà cạnh nhà ông mới chuyển đến cách thị xã Bắc Giang 6km…
Năm 12 tuổi, học ở Hà Nội, một ngày cuối tuần trở về nhà như thường lệ, Hoàng Cầm không thấy chị Vinh đâu. Mẹ bảo chị đã đi lấy chồng, làm lẽ cho một quản lính khố xanh ở Phủ Lý, Hà Nam. Kể từ ngày ấy, ông không còn gặp cô gái mình thầm thương, trộm nhớ đó nữa, nhưng “ngọn lửa tình đầu” ấy dường như không bao giờ nguôi trong ông .
Nhà thơ Hoàng Cầm xuất thân trong gia đình nhà nho lâu đời, bố làm nghề dạy học và bốc thuốc. Đỗ Tú tài toàn phần, năm 1944, ông bắt đầu tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh, vào Vệ quốc quân ở Chiến khu 12; Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, hoạt động biểu diễn cho quân - dân vùng tự do và phục vụ các chiến dịch. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007; về hưu và mất ngày 6-5-2010 tại Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi.
Còn sự tích “chiếc lá diêu bông” tác giả từng giãi bày: “Lần ấy, trong dịp lễ Noel, tôi được nghỉ mấy ngày. Ðang đứng ở sân, tôi chợt thấy chị Vinh bỏ cửa hàng đi ra cánh đồng. Tôi vội đi theo. Thấy chị rẽ xuống ruộng, bới các bụi cây ven bờ ruộng… Tôi hỏi chị tìm cái gì. Chị dừng lại thẳng người lên, nhìn vào mắt tôi nói: “Chị tìm cái lá...” (tôi không nhớ là chị gọi cái lá gì nữa). Rồi chị tiếp lời: “Ðứa nào tìm được ta gọi làm chồng...”. Nghe câu nói đó, tôi sung sướng vô cùng, người nóng ran lên. Tôi nghĩ đó là một cái lá gì kỳ diệu lắm… Tôi cảm thấy giữa chị và tôi có một tình yêu mãnh liệt…
25 năm sau, câu chuyện đi tìm lá của chị Vinh hiện lại trong bài thơ mà tôi đặt cho cái tên là “Lá diêu bông”: Chị bảo/ Đứa nào tìm được lá diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng/ Hai ngày sau em tìm thấy lá/ Chị chau mày/ Đâu phải lá diêu bông/ Mùa đông sau em tìm thấy lá/ Chị lắc đầu/ Trông nắng vãn bên sông/ Ngày cưới chị/ Em tìm thấy lá/ Chị cười xe chỉ ấm trôn kim/ Chị ba con/ Em tìm thấy lá/ Xòe tay phủ mặt chị không nhìn... (sau này nhạc sĩ Trần Tiến lấy ý, chuyển câu, phổ nhạc thành bài hát “Sao em vội lấy chồng”. Bài hát và cả bài thơ càng trở nên nổi tiếng cả trong nước và trên thế giới)
Tác giả cũng giải thích: “Lá diêu bông, đó là lá của hoa phiêu diêu, hoa trong mộng tưởng. Tình yêu luôn đẹp và phiêu diêu như vậy”. Nhà thơ cũng khẳng định ông không hề có ý “chơi chữ” về cái tên “diêu bông” mà vì lúc chập chờn giữa giấc mơ, ông nghe lời người phụ nữ năm xưa gọi chiếc lá như vậy, vào một đêm khoảng 3 giờ sáng năm 1959, ở căn nhà nhỏ phố Lý Quốc Sư, Hà Nội.
Sự tích bài thơ với nỗi lòng lãng mạn đã “đóng dấu” vào thân thế, sự nghiệp nhà thơ Hoàng Cầm. Vậy mà nay còn cố tình xuyên tạc thì thật Hoàng Hưng không chỉ đáng trách mà còn mang tội với người thiên cổ.
Còn Đài BBC “mớm“ cho Hoàng Hưng nói thì có gì là lạ. Đó là âm mưu, ý đồ chống phá cách mạng nước ta từ lâu nay của họ, thiết nghĩ không phải bàn thêm nữa.
Huy Thiêm