Điện Biên ngày mới
Trước thềm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp trở lại mảnh đất lịch sử, trở lại với Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam.., nơi quân và dân ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, để thêm một lần được tận thấy vẻ đẹp quyến rũ, sức sống mãnh liệt đang trỗi dậy từng ngày của mảnh đất anh hùng nơi cực tây Tổ quốc.
Tháng 3 ở Tây Bắc đã là cuối mùa xuân đầu mùa hè, cũng là mùa của hoa ban nở rộ. Người dân ở đây bảo rằng, chưa năm nào hoa ban nở nhiều như năm nay. Phải chăng đó là dấu hiệu của một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi... Hoa ban đẹp thật, vẻ đẹp dung dị mà cuốn hút. Hoa ban trắng đỉnh Chiềng Pấc, cheo leo trên đèo Pha Đin, chen nhau giữa những lèn đá rồi vây quanh lấy lòng chảo Điện Biên như chiếc vòng nguyệt quế mà đất trời ưu ái ban tặng cho miền Tây Bắc mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thấy nhiều người trầm trồ trước vẻ đẹp tinh khiết và sự chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của hoa ban, đôi mắt chị Lò Thị Bình - Trưởng phòng Văn hóa huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên ánh lên niềm tự hào. Chị nhỏ nhẹ: “Cứ mỗi độ xuân qua, khi hoa đào, hoa mận thôi không rực rỡ nữa là lúc hoa ban bắt đầu nở. Hoa ban là loại cây chịu lửa, chịu khô cằn chẳng loại cây nào sánh nổi. Vì vậy, cứ sau mỗi trận cháy rừng, hay mỗi mùa lũ quét, cây hoa ban lại tiên phong gượng dậy phủ màu xanh cho đất”.
Dường như trời phú cho đất thiêng của Tổ quốc loại ban có cốt cách cũng như con người nơi đây để mỗi lần lên Tây Bắc người ta say sưa ngắm nhìn mà quên đi mệt nhọc; quên đi những hiểm trở của núi cao vực thẳm. Cũng giống như cây hoa ban vươn xanh trên mảnh đất cằn, con người Tây Bắc cũng gồng mình chống giặc, sát cánh cùng bộ đội trong trận quyết chiến chiến lược lẫy lừng bốn biển, năm châu. Điện Biên Phủ, cái chảo lửa của 70 năm trước đây đã làm chấn động địa cầu trong vòng 56 ngày đêm, đã san bằng cả một tập đoàn gồm 49 cứ điểm của quân xâm lược mạnh nhất Đông Dương.
Giờ đây trên mảnh đất vốn mang đầy thương tích bởi bom đạn chiến tranh, đồng bào các dân tộc trong tỉnh Điện Biên đang mang dũng khí của thế hệ cha anh vào cuộc chiến mới, cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no. Là người tham gia đánh sân bay Hồng Cúm trong đợt tiến công thứ 3, từ ngày 1 đến 7-5-1954 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nay thăm lại các điểm di tích trong lòng T.P Điện Biên Phủ, CCB Nguyễn Văn Khả, trú tại thôn Chăn Nuôi 2, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, nguyên chiến sĩ khẩu đội cối 82, thuộc Trung đoàn 176, Đại đoàn 316, thấy mình như trẻ lại; như vẫn vẳng bên tai tiếng bom rơi, đạn nổ, tiếng hô xung phong của đồng đội.
Nhắc đến những khó khăn, thiếu thốn của Điện Biên sau ngày giải phóng, người chiến sĩ Điện Biên vừa bước qua tuổi 94 không bao giờ quên cảnh đói nghèo, bệnh tật hành hạ đồng bào các dân tộc trên mảnh đất này. Được trực tiếp Bác Hồ và T.Ư Đảng giao nhiệm vụ ở lại cùng nhân dân xây dựng Nông trường Điện Biên - nông trường quốc doanh đầu tiên và lớn nhất cả nước đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, nhiều cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 316 đã tình nguyện ở lại, gắn bó với Điện Biên cho đến ngày nay.
CCB Nguyễn Văn Khả kể rằng, sau chiến tranh, phần lớn đồng ruộng phì nhiêu, màu mỡ nơi lòng chảo Mường Thanh biến thành chiến địa, đâu đâu cũng bắt gặp bom, mìn sót lại, nên bộ đội Đại đoàn 316 cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn phải đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu để cải tạo, hồi sinh cho từng thửa ruộng. Vượt qua biết bao khó khăn, nguy hiểm, hàng nghìn chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong đi xây dựng nông trường Điện Biên đã chiến thắng “giặc đói”, “giặc nghèo”, “giặc dốt”. Không ít đồng chí trở thành kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, ngày ngày cùng nhân dân cần mẫn lao động sản xuất trên cánh đồng mà mới hôm nào họ từng chiến đấu sống mái với quân thù.
Nhắc đến những đổi thay của Điện Biên, đồng chí Lê Thành Đô - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phấn khởi chia sẻ: “Những năm qua, người dân trong tỉnh mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, đồng thời từng bước tăng vụ, tăng diện tích lúa nước. Nếu như cách đây hơn 10 năm, tỉnh phải xin T.Ư chi viện hàng nghìn tấn gạo, thì giờ đây Điện Biên đã bảo đảm đủ lương thực tại chỗ và còn dư để xuất đi các nơi, đặc biệt là gạo Bắc thơm số 7, gạo tám Mường Thanh đã trở thành sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu của Điện Biên. Khi nói đến năng suất cây lúa, người Tây Bắc thường tự hào với câu phương ngôn: “Nhất Thanh (Mường Thanh, Điện Biên), nhì Lò (Mường Lò, Yên Bái), tam Than (Than Uyên, Lai Châu), tứ Tấc (Mường Tấc, Sơn La)” để nói về 4 vựa lúa của vùng Tây Bắc, trong đó đứng đầu là thung lũng màu mỡ của Điện Biên. Cánh đồng Mường Thanh hiện có 5.500ha lúa nước với năng suất hơn 10 tấn/ha; nhiều hộ thâm canh giỏi đạt 12, 13 tấn/ha cả năm”.
Từ một địa bàn nghèo đói, kiệt quệ bởi chiến tranh, canh tác, sản xuất manh mún, lạc hậu, giờ đây Điện Biên đã và đang vươn lên trở thành tỉnh có kinh tế trung bình trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đến hết năm 2023, 100% số xã ở Điện Biên có đường ô tô đến trung tâm; 93,75% số dân được sử dụng điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển nhanh. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, trao truyền, phát triển. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại mở rộng. Xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực…
Ðúng là Ðiện Biên đang phát triển, vươn lên cùng với các tỉnh bạn. Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên Khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng bộ; xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; khai thác hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc và di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Ðiện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ðẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh. Quyết tâm đưa Ðiện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Có thể thấy, với cơ cấu kinh tế: Nông - Lâm - Dịch vụ - Du lịch và Công nghiệp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV đề ra là một hướng đi đúng, nhờ vậy đã tạo cho Điện Biên có những bước khởi sắc trên bước đường đổi mới và hội nhập. 70 năm sau chiến thắng lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đang làm sống lại hào khí của Điện Biên Phủ, xứng đáng là lớp người kế tiếp truyền thống anh hùng để mở đường vào ấm no, hạnh phúc - một mặt trận cũng gay go quyết liệt không kém đánh giặc ngoại xâm.
Về Điện Biên hôm nay, về thăm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở xã Mường Phăng, T.P Điện Biên Phủ, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa và cả du khách muôn phương hẳn không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của xã căn cứ địa cách mạng. Chính tại nơi đây gần 70 năm trước, khi Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch đến ở, nơi đây chỉ toàn lau lách, rừng già; người dân sống thưa thớt, đường đi, lối lại chủ yếu luồn rừng, vượt suối; 100% hộ dân nhà tranh vách đất, vách tre nứa. Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, ông Lò Văn Ắm, 78 tuổi ở bản Co Mận, xã Mường Phăng, kể: “Ngày ấy, Mường Phăng nghèo khổ lắm; khoai, sắn không có mà ăn. Nhà nào cũng phải vào rừng đào củ mài chống đói. Mấy năm sau đó, nhờ có bộ đội vào hướng dẫn khai hoang, sản xuất, các hộ mới bắt đầu có những mảnh ruộng trồng lúa nhỏ lẻ. Canh tác một vụ, dành dụm được ít thóc gạo trộn với khoai, sắn để ăn thay củ mài nhưng mỗi năm vẫn thiếu đói 5-6 tháng”.
Năm 2004, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Mường Phăng, Đại tướng rất xót xa khi thấy người dân nơi đây phải sống trong cảnh khan hiếm nước sản xuất. Với tình cảm gắn bó, xem Mường Phăng như quê hương thứ hai của mình, Đại tướng đã viết một bức thư gửi Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ NNPTNT đề nghị đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng về xây dựng hồ chứa thủy lợi Loọng Luông. Sau đó không lâu, dự án được thi công xây dựng với dung tích hữu ích hơn 1 triệu mét khối, cấp nước tưới 150ha đất trồng lúa trên địa bàn, mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định cho Mường Phăng. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đời sống của nhân dân Mường Phăng không ngừng được nâng lên, trung tâm xã căn cứ địa đã mang dáng dấp của một khu đô thị nhỏ miền núi. Cuối năm 2018, Mường Phăng được công nhận xã Nông thôn mới; kết cấu hạ tầng được đầu tư khang trang, đồng bộ. Hơn 1.000 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú ở Mường Phăng không còn lo đứt bữa. Ngoài cấy lúa hai vụ, sản xuất trên nương và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều gia đình đã đầu tư kinh doanh các dịch vụ ăn uống, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch...
70 năm đã trôi qua, 70 mùa hoa ban nở - kể từ sau Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, nơi “chảo lửa” năm xưa, giờ đây đã mọc lên một thành phố uy nghi, dẫu chưa thật sầm uất nhưng cũng đủ làm tỏa sáng miền Tây Bắc của Tổ quốc...
Ghi chép của Nguyễn Hồng Sáng